Dư luận lo ngại về các cuộc biểu tình tại Iran

Tổng thống Mỹ Barack Obama lên án việc trấn áp người biểu tình và kêu gọi nhà chức trách Iran trả tự do cho những người bị bắt giữ.
Phản ứng trước các cuộc biểu tình mới đây nhất tại Iran, Bộ Ngoại giao Nga ngày 28/12 đã ra thông cáo bày tỏ lo ngại, đồng thời kêu gọi các bên ở Iran "tìm kiếm thỏa hiệp dựa trên cơ sở luật pháp và thực hiện những nỗ lực chính trị để tránh leo thang đối đầu nội bộ".

Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Barack Obama lên án việc trấn áp người biểu tình và kêu gọi nhà chức trách Iran trả tự do cho những người bị bắt giữ.

Thụy Điển - nước Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU), Anh, Pháp, Đức, Áo, Italy, Canada cũng ra tuyên bố lên án hành động bắt giữ người biểu tình, kêu gọi chấm dứt bạo lực và đạt được một thỏa thuận chính trị thông qua đàm phán.

Các cuộc biểu tình mới nhất tại Iran diễn ra hôm 27/12 khi hàng nghìn người ủng hộ phe đối lập đổ ra các đường phố ở thủ đô Tehran và nhiều thành phố lớn khác, lợi dụng ngày lễ Ashura để tuần hành chống chính phủ. Ít nhất 8 người đã thiệt mạng, hơn 300 người bị bắt giữ.

Hãng thông tấn chính thức IRNA của Iran ngày 28/12 cho biết giới chức nước này đang tiến hành các xét nghiệm pháp y đối với 5 trong số 8 người thiệt mạng, trong đó có Ali Mousavi, cháu trai của thủ lĩnh đối lập Hossein Mousavi, nhằm xác định nguyên nhân cái chết đáng ngờ của nhân vật này.

Trước đó, các trang web đối lập tại Iran cáo buộc lực lượng an ninh đã xả súng vào người biểu tình và làm Ali Mousavi thiệt mạng. Tuy nhiên, cảnh sát Iran bác bỏ cáo buộc này.

Trong khi đó, Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran và lực lượng dân quân Hồi giáo Basij tuyên bố "sẵn sàng hành động nhằm tiễu trừ các phần tử chống đối Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad" trong làn sóng biểu tình bạo lực chống chính phủ vừa qua, đồng thời kêu gọi cơ quan tư pháp "hành động kiên quyết, trừng trị thẳng tay đối với những kẻ chủ mưu" các cuộc biểu tình này.

Trong một diễn biến liên quan, một trang web đối lập ngày 28/12 đưa tin ông Mehdi Karroubi, một trong những thủ lĩnh đối lập ở Iran, đã bị tấn công khi đang rời một thánh đường ở phía Tây thủ đô Tehran.

Ông Karroubi là một trong các ứng cử viên thất cử, trong đó có ông Muxavi, trong cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi hồi tháng Sáu ở Iran - sự kiện đã dẫn tới các cuộc biểu tình rầm rộ, đặt Iran trước thách thức lớn nhất kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979.

Trong các cuộc biểu tình bạo động phản đối kết quả bầu cử, với thắng lợi thuộc về đương kim Tổng thống Ahmadinejad, hàng chục người đã thiệt mạng và hàng nghìn người bị bắt giữ. Khoảng 140 người biểu tình đã bị đưa ra xét xử, trong đó 5 người bị kết án tử hình, hơn 80 người lĩnh án tù giam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục