Dư luận quanh biện pháp giải quyết khủng hoảng nợ

Lãnh đạo cấp cao của các nền kinh tế chủ chốt đã có phản ứng tích cực với kết quả của Hội nghị thượng đỉnh EU về khủng hoảng nợ.
Ngày 27/10, các nhà lãnh đạo cấp cao của các nền kinh tế chủ chốt trên thế giới cũng như các thị trường đã hoan nghênh và có phản ứng tích cực với kết quả của Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) về khủng hoảng nợ công của Khu vực đồng tiền chung châu Âu họp ngày 26/10 tại Brussels, Bỉ.

Các thị trường toàn cầu trong phiên giao dịch ngày 27/10 đều tăng điểm sau khi các nhà lãnh đạo châu Âu đạt thỏa thuận tăng quỹ cứu trợ và biện pháp giải quyết gánh nặng nợ công.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hoan nghênh các nhà lãnh đạo cấp cao EU đạt được thỏa thuận tăng quỹ cứu trợ và buộc các ngân hàng chia sẻ gánh nặng nợ công đang đe dọa lây lan trong các nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

[EU đạt thỏa thuận giải quyết khủng hoảng nợ công]

Người đứng đầu nước Mỹ nhấn mạnh, thỏa thuận của các nhà lãnh đạo EU là những nền móng cơ bản cho một giải pháp tổng thể đối với cuộc khủng hoảng nợ của Eurozone.

Tổng thống Obama bày tỏ hy vọng kế hoạch của EU sớm được thi hành và tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ nỗ lực của các đối tác châu Âu tìm giải pháp cho khủng hoảng.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào bày tỏ hy vọng thỏa thuận của các nhà lãnh đạo EU sẽ giúp ổn định thị trường tài chính.

Các nguồn tin ngoại giao châu Âu còn nói rằng, Trung Quốc sẵn sàng ủng hộ Quỹ ổn định tài chính châu Âu (FESF). Tuy nhiên thông tin này hiện chưa có xác nhận từ phía Trung Quốc.

Dù phản ứng có phần "trầm lắng" hơn so với các đối tác lớn là Mỹ và Trung Quốc nhưng Nhật Bản, theo cách của mình, cũng bày tỏ ủng hộ nỗ lực khắc phục khủng hoảng của EU. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Jun Azumi tuyên bố, Nhật Bản sẽ có những biện pháp cần thiết để giúp đỡ châu Âu.

Mặc dù còn đôi chút hoài nghi về hiệu quả của những biện pháp mà các nhà lãnh đạo EU vừa đưa ra, nhưng Nga đã tuyên bố ủng hộ Eurozone.

Cố vấn kinh tế của Điện Kremlin, ông Arkadi Avorkovitch tuyên bố Nga sẵn sàng ủng hộ Eurozone trong khuôn khổ của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick) mặc dù cho rằng các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ còn phải tiếp tục có những quyết định khó khăn hơn trong quá trình giải quyết khủng hoảng nợ công, nhưng thỏa thuận vừa đạt được là một bước quan trọng cho phép quá trình này được rút ngắn.

Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde đã hoan nghênh thỏa thuận của các nhà lãnh đạo EU và coi đó là một bước quan trọng để giải quyết khủng hoảng.

Bên cạnh những phản ứng tích cực với thỏa thuận mà các nhà lãnh đạo EU đã đạt được để xử lý cuộc khủng hoảng nợ công ở Eurozone, cũng có những dư luận bày tỏ hoài nghi và những phản ứng trái chiều.

Nguồn tin từ Washington cho biết, ngày 27/10, người đứng đầu nhóm nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ tại quốc hội, Cathy McMorris Rodger kêu gọi Tổng thống Obama không dành bất kỳ khoản đóng góp mới nào vào IMF để cứu trợ cho các nước châu Âu bị khủng hoảng nợ công.

Trong một tuyên bố, nghị sĩ này nói rằng, việc Mỹ tăng thêm viện trợ cho EU vào thời điểm hiện nay là không thích hợp khi nợ của Mỹ cũng đã lên tới 15.000 tỷ USD, và một lý do nữa mà nghị sĩ này không muốn Mỹ cứu trợ EU bởi cho rằng EU là một đối thủ cạnh tranh kinh tế với Mỹ.

Các nhà phân tích kinh tế thuộc cơ quan nghiên cứu kinh tế Capital Economic, một trong những cơ quan nghiên cứu và tư vấn kinh tế hàng đầu trên thế giới, đã bày tỏ hoài nghi về hiệu quả của các biện pháp nói trên đối với tăng trưởng kinh tế của Eurozone - một yếu tố then chốt có thể giải quyết tận gốc cuộc khủng hoảng hiện nay ở khu vực.

Capital Economic cho rằng, các biện pháp này chỉ có thể là giải pháp nhất thời chứ không giải quyết được cơ bản những căn nguyên dẫn đến khủng hoảng nợ công của Eurozone./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục