Dư luận quốc tế chỉ trích Mỹ ngừng tài trợ cho người tỵ nạn Palestine

Quyết định của Washington sẽ làm ảnh hưởng đến khoảng 5 triệu người Palestine đang phụ thuộc vào các hỗ trợ của UNWRA, bao gồm chăm sóc sức khỏe, giáo dục và việc làm.
Dư luận quốc tế chỉ trích Mỹ ngừng tài trợ cho người tỵ nạn Palestine ảnh 1Tổng thư ký Liên đoàn Arab Ahmed Aboul-Gheit nhấn mạnh với việc đưa ra quyết định này, Mỹ thể hiện 'không có ý thức trách nhiệm và đã bỏ qua các giá trị nhân đạo.' (Nguồn: AFP/TTXVN)

Sau khi Mỹ thông báo ngừng tài trợ cho Cơ quan Liên hợp quốc cứu trợ người tỵ nạn Palestine (UNRWA), ngày 1/9, Liên đoàn Arab và chính quyền Palestine đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ, trong khi Liên minh châu Âu (EU) và Jordan kêu gọi Washington xem xét lại quyết định này.

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, trong một tuyên bố, Tổng thư ký Liên đoàn Arab Ahmed Aboul-Gheit nhấn mạnh với việc đưa ra quyết định này, Mỹ thể hiện "không có ý thức trách nhiệm và đã bỏ qua các giá trị nhân đạo."

Ông Aboul-Gheit cũng cảnh báo quyết định của Washington sẽ làm ảnh hưởng đến khoảng 5 triệu người Palestine đang phụ thuộc vào các hỗ trợ của UNWRA, bao gồm chăm sóc sức khỏe, giáo dục và việc làm.

Theo ông Aboul-Gheit, quyết định này của Mỹ sẽ tiếp tục làm trầm trọng thêm các vấn đề của UNWRA vốn đang trong tình trạng khủng hoảng suốt hơn một năm qua.

[Tổng thống Palestine: Mỹ đang phá hoại tiến trình hòa bình Trung Đông]

Trước đó, ngày 31/8, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo Washington "đã rà soát kỹ và quyết định sẽ không đóng góp thêm bất cứ khoản nào cho UNRWA.”

Theo thông báo, Mỹ sẽ đối thoại với Liên hợp quốc và tổ chức các cuộc thảo luận để tìm kiếm các mô hình và hướng tiếp cận mới nhằm cải tổ UNRWA “theo hướng có thể phân phối hiệu quả hỗ trợ trực tiếp từ Mỹ và các đối tác khác."

Quyết định trên của Mỹ đẩy UNRWA vào tình thế hết sức khó khăn. Người đứng đầu các ủy ban của UNRWA Mahmoud Mubarak cảnh báo về "những hậu quả vô cùng nghiêm trọng," cho biết đại diện các ủy ban sẽ họp vào ngày 4/9 tới để thảo luận các biện pháp.

Palestine đã phản ứng mạnh với quyết định trên của Mỹ.

Ông Nabil Abu Rudina, người phát ngôn của Tổng thống Palestine Mahmud Abbas cho rằng quyết định trên của Washington vi phạm nghị quyết của Liên hợp quốc và sẽ "kích động khủng bố."

Theo người phát ngôn này, Tổng thống Abbas đang cân nhắc khiếu nại quyết định của Mỹ tại các cơ quan của Liên hợp quốc.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi Mỹ cân nhắc lại "quyết định đáng tiếc" trên.

Một phát ngôn viên cơ quan đối ngoại của EU nêu rõ: "Quyết định đáng tiếc của Mỹ rời bỏ nỗ lực quốc tế và đa phương này để lại một khoảng trống đáng kể. Chúng tôi hy vọng Mỹ có thể cân nhắc lại quyết định của họ."

Tuyên bố của EU nhấn mạnh "Mỹ đã luôn và sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong bất kỳ nỗ lực nào để đạt được hòa bình tại Trung Đông," đồng thời cam kết EU "sẽ tiếp tục phối hợp với Mỹ và các nước khu vực cũng như những đối tác quốc tế trong nỗ lực hướng tới mục tiêu chung này."

EU cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự ủng hộ không ngừng của quốc tế đối với UNWRA để duy trì hoạt động của các trường học cho trẻ em Palestine trên khắp lãnh thổ Palestine và các nước láng giềng như Jordan, Liban và Syria.

Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi cũng bày tỏ thất vọng trước quyết định của Mỹ đồng thời cam kết nỗ lực thuyết phục Washington tiếp tục viện trợ cho UNRWA.

Theo ông, việc cắt nguồn viện trợ sẽ làm sâu sắc thêm cảm giác bị tước đoạt của những người tị nạn Palestine và tạo ra sự căng thẳng nguy hiểm.

Jordan cũng công bố kế hoạch tổ chức một hội nghị gây quỹ bên lề phiên họp sắp tới của Đại Hội đồng Liên hợp quốc tại New York.

UNRWA được Đại hội đồng Liên hợp quốc thành lập năm 1949, trong bối cảnh cuộc chiến tranh Israel-Arab sau khi Nhà nước Israel ra đời năm 1948 đã khiến hơn 750.000 người Palestine phải rời bỏ nhà cửa, phần lớn sang các nước láng giềng.

UNWRA hỗ trợ cho những người tị nạn Palestine đã đăng ký tại 5 khu vực gồm Jordan, Syria, Lebanon, Bờ Tây và Dải Gaza.

Các hỗ trợ này gồm các dịch vụ giáo dục, chăm sóc sức khỏe, cứu trợ và các dịch vụ xã hội, cũng như cơ sở hạ tầng, cải thiện các trại tị nạn và tín dụng vi mô.

Mỹ là nhà tài trợ riêng rẽ lớn nhất cho UNRWA, trong đó năm 2017 đóng góp hơn 350 triệu USD cho tổ chức này.

Nhà tài trợ lớn thứ hai là EU với mức đóng góp bằng một nửa của Mỹ.

Tình hình tài chính của UNWRA đã gặp khó khăn sau khi Mỹ đầu năm nay tuyên bố cắt 300 triệu USD đóng góp cho tổ chức này, theo đó chỉ đóng góp 60 triệu USD và hối thúc Palestine nối lại các cuộc đàm phán hòa bình với Israel./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục