Dự luật An ninh Hàng hải - Tham vọng cường quốc hàng hải của Indonesia

Indonesia nằm ở vị trí chiến lược, án ngữ tại ngã tư của các tuyến vận tải biển quan trọng và là một quốc gia quần đảo lớn nhất thế giới với diện tích biển khoảng 3,2 triệu km2, chiếm 2/3 lãnh thổ.
Tàu của hải quân Indonesia. (Nguồn: brookings.edu)
Tàu của hải quân Indonesia. (Nguồn: brookings.edu)

Theo The Diplomat, tác động của Dự luật An ninh Hàng hải đang mở ra cơ hội thúc đẩy tham vọng của Indonesia trở thành Trung tâm hàng hải toàn cầu.

Là một phần trong nỗ lực phát triển lĩnh vực hàng hải của quốc gia, Chính phủ Indonesia đang chuẩn bị ban hành dự luật trên gồm nhiều mục, trong đó có các luật và quy định về nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển.

Dự luật An ninh Hàng hải dự kiến sẽ kết hợp 21 luật và trao quyền cho Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia (Bakamla) điều phối một số tổ chức và cơ quan chính phủ có thẩm quyền thực thi luật pháp trên biển.

Dự luật này là một phần trong nỗ lực cải cách quan liêu của Tổng thống Joko “Jokowi” Widodo và được cho là sự tiếp nối kế hoạch trước đây của ông nhằm biến Indonesia thành một trung tâm và cường quốc hàng hải toàn cầu.

Chủ trương hiện thực hóa tiềm năng hàng hải đã được các thế hệ lãnh đạo Indonesia đưa ra từ lâu.

Xét cho cùng, đây là một quốc gia quần đảo lớn nhất thế giới, với diện tích biển khoảng 3,2 triệu km2, chiếm tới 2/3 lãnh thổ.

Hơn nữa, vùng biển của Indonesia có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, như thủy hải sản với khoảng 6,5 triệu tấn được khai thác mỗi năm và chiếm 7,2% dự trữ cá biển của thế giới.

Trữ lượng dầu và khí đốt ngoài khơi của Indonesia cũng rất lớn, với trữ lượng đã được kiểm chứng ước tính khoảng hơn 3.602 triệu thùng.

Indonesia cũng nằm ở vị trí chiến lược, án ngữ tại ngã tư của các tuyến vận tải biển quan trọng trên toàn cầu.

Sau khi nhậm chức vào năm 2014, Tổng thống Jokowi đã nhanh chóng thúc đẩy ý tưởng biến Indonesia thành Trung tâm hàng hải quốc tế (GMF).

Tầm nhìn về GMF ban đầu được các học giả đánh giá cao và giới quan sát viên quốc tế đón nhận tích cực.

Có vẻ như Indonesia đang trên đà hiện thực hóa phương châm của Hải quân với khẩu hiệu “Trên biển, chúng ta luôn chiến thắng” (Jalesveva Jayamahe).

Tuy nhiên, theo thời gian, nhiều nhà bình luận cho rằng có rất ít tiến triển trong vấn đề này.

Hơn nữa, trong nhiệm kỳ thứ hai của mình, Tổng thống Jokowi dường như đã “từ bỏ” ý tưởng về GMF để tập trung hơn vào các chương trình cải cách kinh tế và phát triển nguồn nhân lực của quốc gia.

Trong khi đó, Bakamla đã được Tổng thống Jokowi khôi phục vào năm 2014 để chỉ đạo các cuộc tuần tra hàng hải và thực thi luật pháp trên biển. Tuy nhiên, kế hoạch này đã thất bại.

Tính đến thời điểm hiện tại, có ít nhất 7 cơ quan có thẩm quyền thực hiện các cuộc tuần tra trên biển và Bakamla phải chia sẻ vai trò “bảo vệ bờ biển” với những cơ quan này, dẫn đến sự chồng chéo về chức năng và nhiệm vụ.

Dự luật An ninh Hàng hải - Tham vọng cường quốc hàng hải của Indonesia ảnh 1Tổng thống Joko Widodo đứng trên boong một con tàu Hải quân Indonesia. (Nguồn: Reuters)

Quản lý hàng hải thiếu đồng bộ đã dẫn đến việc thực thi luật pháp kém hiệu quả và chậm chạp.

Hơn nữa, Chính phủ Indonesia có xu hướng tạo ra các nền tảng mới hơn là giải quyết các vấn đề đang tồn tại.

Điều này đã được thể hiện qua quyết định của Bộ Thủy sản, dưới thời cựu Bộ trưởng Susi Pudjiastuti, thành lập một lực lượng đặc nhiệm mới với tên gọi Satgas 115 để chống đánh bắt cá bất hợp pháp.

[Indonesia tổ chức nhiều cuộc họp sau khi Trung Quốc xâm nhập EEZ]

Hệ quả là đã phát sinh nhiều thủ tục giấy tờ hơn và rất nhiều quan chức của cơ quan này đã bị cuốn vào các quy trình quan liêu có hệ thống.

Dự luật An ninh Hàng hải được kỳ vọng sẽ giải quyết được vấn đề này.

Mahfud MD , Bộ trưởng điều phối các vấn đề chính trị, pháp lý và an ninh Indonesia, đã nhắc lại mong muốn của Tổng thống Jokowi là biến Bakamla thành một cơ quan hàng đầu trong việc quản lý các hoạt động tuần tra trên biển.

Dự luật về cơ bản coi Bakamla là cơ quan bảo vệ bờ biển chính và độc quyền của Indonesia.

Như vậy, Bakamla sẽ có thể điều phối nhiều tổ chức khác nhau và quản lý các hoạt động cũng như tài sản của họ một cách thống nhất, đặc biệt là các đội tàu tuần tra và phương tiện khác.

Cơ quan này có thể sử dụng hơn 400 tàu tuần tra của các cơ quan khác nhau, trong đó có một số tàu của Tổng cục Giao thông vận tải biển, Tổng cục Hải quan, Cảnh sát biển và Bộ Thủy sản.

Bakamla cũng có thể hoạt động hiệu quả hơn trong việc thực thi pháp luật trên biển, từ việc chống đánh bắt cá trái phép, buôn lậu và cướp biển, đến thực hiện các cuộc tuần tra bảo vệ biên giới và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của Indonesia.

Lực lượng bảo vệ bờ biển tích hợp và mạnh mẽ sẽ đưa Indonesia vào vị trí tốt hơn để bảo vệ biên giới trên biển của mình và mở rộng các hoạt động ra khu vực.

Gần đây, việc tàu nước ngoài xâm nhập vào vùng biển của Indonesia - đặc biệt là các vụ xâm nhập bất hợp pháp của tàu Trung Quốc - đã cho thấy biên giới trên biển của Indonesia dễ bị tổn thương và tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn.

Do đó, nước này cần một lực lượng bảo vệ bờ biển mạnh hơn để bảo vệ lãnh hải của mình.

Hơn nữa, với tình hình căng thẳng ngày càng gia tăng trên Biển Đông do hành động bành trướng ngày càng quyết đoán của Trung Quốc cũng như nỗ lực của nhóm Bộ Tứ (gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia) nhằm ngăn chặn động thái của Bắc Kinh, Indonesia nên tham gia nhiều hơn vào việc thiết lập chương trình nghị sự địa chính trị trong khu vực.

Việc này cũng phù hợp với chiến lược của ASEAN về một tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thúc đẩy hợp tác an ninh hàng hải vì tự do hàng hải trên biển do Indonesia đề xuất.

Với tiềm năng và vị trí chiến lược ở trung tâm của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Indonesia được kỳ vọng sẽ trở thành cường quốc hàng hải trong khu vực.

Việc hồi sinh Bakamla và GMF có thể được coi là những bước khởi đầu tốt đẹp, mặc dù trong nhiệm kỳ đầu tiên Tổng thống Jokowi đã thiếu nỗ lực để hiện thực hóa ý tưởng này.

Trên thực tế, tinh thần của GMF được cho là có thể tồn tại trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Jokowi. Dự luật An ninh Hàng hải, về thực chất là sự kết hợp của GMF và phong trào cải cách quan liêu, có thể là luồng gió thứ hai mà Indonesia cần để trở thành Trung tâm hàng hải toàn cầu như họ đã hình dung./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục