Dự luật Bảo vệ thực vật: Chế tài sẽ rất nghiêm khắc

Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật sẽ đưa ra các chế tài xử phạt đủ sức răn đe, nghiêm khắc và tạo điều kiện phát triển bền vững.
Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sau 10 năm thực thi, Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật (năm 2001) đã bộc lộ một số hạn chế về quản lý, giám sát và phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc có nguy cơ ảnh hưởng bất lợi đến khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Cục trưởng Nguyễn Xuân Hồng cho rằng, dự thảo Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật được Quốc hội thông qua sẽ siết chặt được khâu quản lý, cũng như khắc phục được những hạn chế vướng mắc trong thời gian qua. Các quy định của dự thảo luật về các hành vi bị nghiêm cấm, về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của các tổ chức cá nhân sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để đưa ra các chế tài xử phạt đủ sức răn đe và xử lý nghiêm khắc vi phạm đồng thời tạo điều kiện phát triển bền vững.

Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với Cục trưởng Nguyễn Xuân Hồng về một số nội dung xung quanh dự thảo Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật sẽ đưa ra thảo luận ở hội trường trong ngày họp Quốc hội 21/6 tới đây.

- Thưa Cục trưởng, tại sao chúng ta lại phải xây dựng Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật?

Cục trưởng Nguyễn Xuân Hồng: Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật được Ủy ban thường vụ Quốc hội khoá X thông qua ngày 25/7/2001 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2002 thay thế Pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật năm 1993 (sau đây gọi tắt là pháp lệnh). Sau 10 năm thi hành, pháp lệnh đã thực sự góp phần quan trọng, tạo cơ sở pháp lý trong việc phòng trừ sâu bệnh, ngăn chặn kịp thời dịch hại thực vật, bảo vệ an toàn sản xuất nông nghiệp; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về công tác bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật và quản lý thuốc bảo vệ thực vật; góp phần ổn định và phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, bảo đảm an ninh lương thực, nâng cao đời sống nhân dân và thúc đẩy xuất khẩu nông nghiệp của nước ta.

Tuy nhiên, sau 10 năm thực thi pháp lệnh năm 2001 đã bộc lộ một số hạn chế là chưa đáp ứng được những đòi hỏi của hoạt động quản lý nhà nước.

Thứ nhất, một số quy định trong pháp lệnh chưa phù hợp hoặc chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế của công tác bảo vệ và kiểm dịch thực vật trong thời kỳ mới. Ví dụ như các quy định cụ thể về điều kiện công bố dịch sinh vật gây hại tài nguyên thực vật; các quy định về kiểm dịch thực vật thấp hơn so với các tiêu chuẩn và quy định trong các văn bản quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết; việc tiêu hủy thuốc bảo vệ thực vật và nhất là vấn đề thu gom, tiêu hủy bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng chưa được quy định cụ thể.

Thứ hai, pháp lệnh chưa đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách hành chính. Cụ thể, thủ tục hành chính cần giảm bớt để thuận lợi hơn cho các khâu thực hiện đồng thời xã hội hóa công tác bảo vệ và kiểm dịch thực vật, cần khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp, cũng như các tổ chức xã hội, nâng cao tính chủ động của người dân trong công tác bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Thứ ba, Pháp lệnh được ban hành từ năm 2001 trong bối cảnh nước ta chưa gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), chưa hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới và tham gia các điều ước quốc tế. Do đó, một số quy định về kiểm dịch thực vật và quản lý thuốc bảo vệ thực vật còn thiếu và chưa phù hợp với quy định của Hiệp định về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), Công ước quốc tế về bảo vệ thực vật (IPPC), Công ước Rotterdam, Công ước Stockholm, Nghị định thư Montreal về loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozon.

Thứ tư, thực tế việc thực thi pháp lệnh đã phát sinh khó khăn, vướng mắc có nguy cơ ảnh hưởng bất lợi đến khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

[Các đại biểu Quốc hội thảo luận tổ về 2 dự án luật]

- Điểm nhấn chính của dự Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật là gì, thưa Cục trưởng?

Cục trưởng Nguyễn Xuân Hồng: Điểm nhấn trong dự thảo Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật là cần xác định rõ trách nhiệm của chủ thực vật trong phòng chống sinh vật hại, khuyến khích xã hội hóa công tác phòng chống dịch hại. Xác định rõ thẩm quyền và điều kiện công bố dịch của Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Hạn chế sử dụng thuốc hóa học trong bảo vệ thực vật, ưu tiên biện pháp sinh học và các biện pháp thân thiện với môi trường.

Dự luật quy định phải tiến hành đánh giá nguy cơ dịch hại của các loại hàng hóa nguồn gốc thực vật trước khi được phép nhập khẩu vào Việt Nam (thiết lập hàng rào kỹ thuật). Trong trường hợp cần thiết, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam quyết định tạm dừng hoặc cấm nhập khẩu hàng hóa thuộc diện kiểm dịch thực vật.

Quy định rõ các loại thuốc bảo vệ thực vật được phép đăng ký hoặc không được phép đăng ký sử dụng ở Việt Nam; các điều kiện sản xuất, kinh doanh, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật; trách nhiệm của người sử dụng thuốc để đảm bảo an toàn, hiệu quả.

- Các chế tài xử phạt vi phạm trong Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, theo Cục trưởng, có đủ tính răn đe hay không?

Cục trưởng Nguyễn Xuân Hồng: Trong Dự thảo luật đã rà soát và bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm, quyền và nghĩa vụ của chủ thực vật, chủ vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật … Những quy định này cùng với những quy định của Luật xử phạt vi phạm hành chính, Luật hình sự sẽ là cơ sở để ban hành các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật như Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật… và chế tài xử phạt sẽ được quy định cụ thể theo hướng xử lý nghiêm, đủ sức răn đe các vi phạm.

Trong Dự thảo Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật đã quy định rõ ràng và cụ thể hơn, bổ sung thêm các hành vi bị nghiêm cấm và trách nhiệm của các tổ chức cá nhân được quy định rõ ràng và cụ thể. Nhờ đó, việc ban hành nghị định xử phạt vi phạm hành chính sẽ căn cứ vào các quy định của luật để đưa ra chế tài phù hợp với tính chất, mức độ vi phạm các điều khoản trong Luật.

- Ông có kỳ vọng gì khi Luật này đi vào thực tế?

Cục trưởng Nguyễn Xuân Hồng: Dự thảo luật được Quốc hội thông qua sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng cho các hoạt động bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật và quản lý thuốc bảo vệ thực vật ở nước ta trong thời gian tới; sẽ góp phần quan trọng khắc phục những tồn tại, yếu kém trong công tác này ở nước ta thời gian qua; đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm và phát triển nông nghiệp bền vững ở nước ta./.

Thanh Tâm (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục