Dự luật quảng cáo "chắp cánh" cơ chế xin-cho

Cùng với suy giảm kinh tế toàn cầu, nhiều cơ quan báo chí, nhất là những cơ quan tự hạch toán hiện gặp phải tình trạng khốn khó. Trong khi đó, quảng cáo là nguồn thu chính lại bị hạn chế về diện tích.

Cùng với suy giảm kinh tế toàn cầu, nhiều cơ quan báo chí, nhất là những cơ quan tự hạch toán hiện gặp phải tình trạng khốn khó. Trong khi đó, quảng cáo là nguồn thu chính lại bị hạn chế về diện tích.

Do đó, nhiều đại diện của cơ quan báo chí đề nghị Ban soạn thảo Dự thảo Luật Quảng cáo xem xét lại việc quy định diện tích quảng cáo để phù hợp với yêu cầu thực tế đặt ra, giúp báo chí phát triển.

Không phù hợp thực tế

Tại cuộc Tọa đàm lấy ý kiến vào Dự thảo Luật Quảng cáo và Dự thảo Báo cáo tác động pháp luật của Luật Quảng cáo do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 21/5 (dành cho báo chí), nhiều đại biểu đã nói rằng, báo chí hiện nay đang gặp khó khăn, do đó Luật Quảng cáo sẽ quyết định sự sống còn của báo chí.

Theo bản Dự thảo lần thứ 8 này, tại Mục 2 quy định báo in và báo điện tử không được quảng cáo quá 10% diện tích, tạp chí không được quảng cáo quá 20% diện tích. Cơ quan báo chí có nhu cầu quảng cáo hơn số diện tích quy định phải xin phép ra chuyên trang quảng cáo. Đối với báo nói, báo hình được quảng cáo không quá 5% thời lượng chương trình của một ngày phát sóng.

Không đồng tình với việc này, ông Đồng Quang Tiến (Hội Nhà báo Việt Nam) đưa ra ví dụ về sự phá sản của một số tờ báo trên thế giới do không có quảng cáo. Ông Tiến nói rằng, nếu quy định diện tích quảng cáo chỉ là 10% thì sẽ rất khó khăn cho các tòa soạn báo. Nhiều tòa soạn hiện phải tự hạch toán, nguồn thu chủ yếu từ quảng cáo (nhất là đối với báo điện tử) mà bị hạn chế quảng cáo thì “anh em báo chí sẽ rất khó sống.”

Còn ông Phạm Bá Dương (Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội) nói, Dự thảo Luật chỉ cho phép báo in có diện tích quảng cáo 10% và truyền hình là 5% thời lượng phát sóng là không hợp lý. Quảng cáo cần phải xem như một ngành công nghiệp không khói, nó giúp thúc đẩy sự cung–cầu của doanh nghiệp tới người dân…

Góp ý vào việc “cơ quan báo chí có nhu cầu quảng cáo quá 10% diện tích phải xin phép ra phụ trương chuyên quảng cáo,” ông Dương nói, làm như vậy chẳng khác gì “chắp cánh” cho cơ chế xin-cho.

Nhiều đại biểu lo ngại trường hợp các tòa soạn đưa công văn xin phép nếu vì lý do nào đó mà bị “om” thì sẽ rất khó khăn. Do đó, họ kiến nghị thay đổi bằng cách các tòa soạn khi ra phụ trương quảng cáo phải báo cáo cho cơ quan quản lý biết và kiểm tra chứ không nên bắt buộc phải “xin phép.”

Đồng tình, ông Hà Văn Tăng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam nói với  phóng viên Vietnam+ rằng, nếu thực hiện việc “xin phép” sẽ gây phiền hà và là kẽ hở của tham nhũng trong quản lý.

Còn nhiều điều phải bàn

Cũng tại buổi tọa đàm, nhiều đại biểu đã góp ý thẳng thắn về những điều chưa thực sự hợp lý với thực tiễn. Trong Điều 10 quy định về háng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo, Dự thảo đưa ra 6 loại hàng hóa. Song, các đại biểu cho rằng có thể trong thời điểm này, loại hàng hóa A bị cấm nhưng trong thời điểm khác thì lại được phép. Do đó, họ đề nghị Ban soạn thảo chỉ nên quy định cấm quảng cáo theo những danh mục hàng hóa do Chính phủ quy định tại từng thời điểm.

Bà Nguyễn Thanh Hương, đại diện báo điện tử Vnexpress nói cần bỏ quy định về “Diện tích sản phẩm quảng cáo trên báo điện tử chỉ được đặt ở bên trái hoặc bên phải khuôn hình của báo, không được vượt quá 10% khuôn hình các chuyên trang của báo.” Bà cho hay, mỗi báo có một thiết kế, một giao diện khác nhau bởi thế không nên quy định quá cứng nhắc như vậy.

Bà Hương cũng không đồng tình với quy định cấm quảng cáo trong Dự thảo với những từ ngữ ở mức so sánh cao nhất như "nhất," "duy nhất," "tốt nhất," số một..." Bà lấy ví dụ, nhiều công ty chỉ mở đại diện "duy nhất" ở Việt Nam, do đó họ cần quảng cáo đúng sự thật như vậy để tránh người tiêu dùng mua phải hàng trôi nổi...

Ngoài ra, tại quy định về “hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo” có mục cấm quảng cáo “trái thuần phong mỹ tục," ông Phạm Bá Dương đặt câu hỏi: “Thế nào là trái thuần phong mỹ tục? Liệu chương trình quảng cáo đưa 1 người mặc khố có gọi là trái thuần phong mỹ tục hay không?...” do đó, Dự thảo Luật cần làm rõ hơn vấn đề này.

Nhiều đại biểu cũng phàn nàn về việc cấm quảng cáo nếu sử dụng hình ảnh Quốc kỳ, Đảng kỳ, Quốc huy, Quốc ca hoặc âm hưởng, giai điệu Quốc ca… bởi cho rằng, có nhiều doanh nghiệp muốn quảng bá hình ảnh ký kết với đối tác nước ngoài. Trong lễ ký ấy, nhiều người trang trọng đặt trên bàn 2 lá cờ của 2 quốc gia…

Về vấn đề này, ông Hà Văn Tăng có quan điểm, quảng cáo là ngành truyền thông góp phần nâng cao và quảng bá văn hóa của dân tộc. Do đó, việc giữ gìn sự tôn nghiêm của bản sắc văn hóa phải được ưu tiên hàng đầu. Hình ảnh Quốc kỳ, Quốc huy với người Việt Nam rất thiêng liêng và phải giữ gìn.

Kết thúc tọa đàm, ông Trần Minh Chính, Phó Cục trưởng cục Văn hóa Thông tin Cơ sở nói Ban soạn thảo Dự thảo Luật Quảng cáo tiếp thu ý kiến của các đại biểu, từ đó sẽ có những điều chỉnh hợp lý./.

Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục