Dự thảo Hiến pháp 1992 cần sửa đổi mô hình HĐND

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho rằng quá trình đô thị hóa khiến mô hình Hội đồng nhân dân bộc lộ nhiều hạn chế cần sửa đổi.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho biết quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh ở một số tỉnh, thành đã bộc lộ nhiều hạn chế của mô hình Hội đồng nhân dân như sự cồng kềnh về bộ máy, nguồn nhân lực, không hiệu quả về hoạt động, quyền hạn chồng chéo, trách nhiệm chưa rõ ràng. Thực tiễn này đã đặt ra yêu cầu phải sửa đổi mô hình chính quyền địa phương đã được hiến định trong Hiến pháp năm 1992.

Ngày 13/3 tại hội thảo "Lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp phần về chính quyền địa phương" ở thành phố Hồ Chí Minh, thay mặt Ban chỉ đạo của Chính phủ về Tổng kết Thi hành Hiến pháp năm 1992, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho biết khoản 1, Điều 115 của Dự thảo vẫn mặc nhiên ở Việt Nam, những đơn vị hành chính chỉ được giới hạn ở những loại đơn vị đã có tên trong Hiến pháp, ngoài ra không thừa nhận loại đơn vị hành chính lãnh thổ khác.

Quy định này sẽ hạn chế sự phát huy những nét đặc thù của các địa phương có sự khác biệt về tự nhiên, kinh tế và xã hội.

Điều 116 trong Dự thảo Hiến pháp quy định về vị trí của Hội đồng nhân dân đã bộc lộ một số hạn chế, khiến Hội đồng nhân dân không được xem là “cánh tay nối dài của Quốc hội”, là cơ quan cấp dưới của Quốc hội mà thực chất lại thuộc hệ thống cơ quan hành pháp, chịu swj quản lý thống nhất của Chính phủ.

Mặt khác, việc hiến định mô hình cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương phải là Ủy ban nhân dân dẫn đến khả năng khó áp dụng nguyên tắc thủ trưởng chế nhằm tăng trách nhiệm cá nhân đứng đầu tổ chức.

Bên cạnh đó, quy định về việc chất vấn, giám sát của Hội đồng nhân dân đối với tòa án nhân dân như Điều 118 của Dự thảo Hiến pháp đã khiến cho hệ thống tòa án không còn độc lập.

Ngoài ra, Dự thảo Hiến pháp còn thiếu các quy định về nguyên tắc phân công, phân cấp giữa Trung ương và địa phương, về mối quan hệ giữa Quốc hội, Chính phủ với chính quyền địa phương; chưa thể hiện chủ trương mà Văn kiện Đại hội Đảng khóa X và khóa XI khẳng định bảo đảm quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Theo phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Cửu Việt, quy định chính quyền địa phương trong dự thảo hiến pháp vẫn còn thể hiện tư duy áp đặt, chỉ phân cấp cho tỉnh chứ đến huyện, xã nghèo thì không mấy quan tâm.

Thậm chí vẫn còn tồn tại khái niệm “vùng ảo”, có nghĩa là có Ban chỉ đạo “vùng này”, “vùng nọ” nhưng khi xảy ra ô nhiễm môi trường ở một con kênh giáp ranh hai tỉnh, thành thì lại không thống nhất giải quyết được.

Phó giáo sư, tiến sĩ Trương Đắc Linh cho rằng, chủ thể quan trọng nhất của chính quyền địa phương là nhân dân, lại không được dự thảo nhắc đến. Do vậy, dự thảo cần đánh giá lại vai trò chủ thể quan trọng nhất và tiến tới xu hướng của thế giới là tăng cường tính chủ quản của địa phương dù ở phân cấp nào./.

Trần Xuân Tình (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục