Dự thảo Luật Doanh nghiệp vẫn “né” chế định về hậu kiểm

"Chế định về công tác hậu kiểm thì dường như Dự thảo Luật Doanh nghiệp vẫn đang ‘né’, hình như đây là vấn đề khó, vì khi lập ra nó thì tối thiểu cũng phải biết là ở đâu và hoạt động như thế nào.”
Dự thảo Luật Doanh nghiệp vẫn “né” chế định về hậu kiểm ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

"Chế định về công tác hậu kiểm thì dường như Dự thảo Luật Doanh nghiệp vẫn đang ‘né’, hình như đây là vấn đề khó, vì khi lập ra nó thì tối thiểu cũng phải biết là ở đâu và hoạt động như thế nào.”

Đó là ý kiến của đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra khi được tham vấn về Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào Kỳ họp thứ 8, khóa XIII tới đây.

Có “sinh” mà thiếu “dưỡng”

Để đảm bảo cho Luật (sửa đổi) cho đi vào đời sống và phát huy được tính cải cách đột phá của nó, thì vị đại diện VCCI cho rằng, Dự thảo Luật nên có chế định về công tác hậu kiểm, qua đó đảm bảo quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp sẽ không bị lạm dụng.

Trước đó, tại phiên thảo phiên thảo luận về Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) Kỳ họp thứ 7, khóa XIII vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội cũng rất quan tâm tới việc đưa chế định hậu kiểm vào trong Luật.

Chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân dẫn chứng, số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2013 Việt Nam có trên 621.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập (tăng gấp 3 lần so với năm 2005 là 200.000 doanh nghiệp đăng ký.) Như vậy, mỗi năm có khoảng 53.000 doanh nghiệp được đăng ký thành lập mới. Song, trong số 621.000 doanh nghiệp chỉ có 356.000 doanh nghiệp đang hoạt động, tức là 57%, còn trên 264.800 doanh nghiệp đang ra sao, vận hành như thế nào thì nhà nước chưa quản lý được.

“Vì vậy, cần tăng cường khâu kiểm tra tính xác thực của hồ sơ đăng ký, địa chỉ đăng ký kinh doanh, tính chất thể nhân của người đăng ký thành lập doanh nghiệp, Luật cần có những điều khoản quy định khâu hậu kiểm, đặc biệt là sự phối hợp giữa các ban, ngành có liên quan,” ông Ngân nhấn mạnh.

Thêm ý kiến về vấn đề này, ông Vũ Văn Ngọc, giảng viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân băn khoăn cho rằng, Dự thảo Luật (sửa đổi) vẫn chỉ giải quyết được vấn đề của 24 năm trước, đó là thời điểm chuyển sang kinh tế thị trường nên khuyến khích thành lập doanh nghiệp, song vấn đề quan trọng hơn ở thời điểm này là duy trì doanh nghiệp bền vững và phát triển thì Dự thảo Luật lần này chưa “chạm” tới.

“Để thu hút đầu tư, Luật (sửa đổi) nên giải quyết vấn đề phát triển của doanh nghiệp với hàng trăm năm tồn tại (như Cocacola) chứ không phải sau vài năm lại chết để thành lập mới,” ông Ngọc nói.

Như về mô hình quản trị và bảo vệ cổ đông, ông Ngọc lưu ý một số nhược điểm của Hội đồng cổ đông, Hội động quản trị hiện nay “là anh giám sát song không cắt chức được anh bị giám sát.”

Kinh doanh bình đẳng

Hiến pháp đã quy định doanh nghiệp kinh doanh bình đẳng, do đó ông Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam cũng cho rằng, “nếu doanh nghiệp kinh doanh bình đẳng thì cần gì phải ‘mọc ra’ một chương về doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp nhà nước cũng là doanh nghiệp, chỉ có khác là chủ sở hữu doanh nghiệp là Nhà nước, do đó nên giao cho Chính phủ ban hành Quy định về doanh nghiệp nhà nước và được sự thông qua của Quốc hội trước khi ban hành.”

Bên cạnh đó, ông Tài cũng đề xuất chưa nên đưa nội dung về doanh nghiệp xã hội vào Luật vội, do các mô hình kinh doanh bởi doanh nghiệp xã hội, xí nghiệp thương binh, nhà chùa… chưa chín muồi, nên quy định thành Nghị định vì sau này chắc chắn sẽ phải sửa đổi tiếp.

Đồng tình với ý kiến trên, đại diện của VCCI cũng nhấn mạnh, việc Dự thảo Luật (sửa đổi) đưa một chương riêng về doanh nghiệp nhà nước là hơi khập khiễng, trong khi nên thiết kế thêm vấn đề quản trị trong các công ty trách nhiệm hữu hạn.

Về những đóng góp ý kiến trên, thay mặt Ban soạn thảo, tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, việc bổ sung Chương IV về doanh nghiệp nhà nước là quy định đặc thù về nguyên tắc quản trị trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chủ sở hữu là Nhà nước.

“Theo đó, quy định này sẽ yêu cầu về công khai hóa thông tin đối với doanh nghiệp có sở hữu vốn Nhà nước. Theo đó, các doanh nghiệp nhà nước sẽ phải công hóa thông tin định kỳ và thông tin bất thường,” đây chính là giải pháp cho sự bình đằng, công khai minh bạch giữa các thành phần kinh tế khác nhau trong xã hội, ông Cung giải thích.

Về việc bổ sung khái niệm doanh nghiệp xã hội, theo ông Cung là để luật hóa sự tồn tại của nó, nhằm thúc đẩy sự phát triển loại hình doanh nghiệp này như một phương thức mới, bổ sung cho Nhà nước trong giải quyết các vấn đề xã hội./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục