Đưa 500 trí thức trẻ về công tác tại các xã khó khăn

Bộ Nội vụ họp bàn triển khai đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về công tác tại các xã khó khăn giai đoạn 2013-2020.
Chiều 16/10, Ban quản lý dự án 600 Phó Chủ tịch xã, Bộ Nội vụ đã tổ chức họp bàn kế hoạch triển khai Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020.

Lãnh đạo Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trong phạm vi vùng thực hiện Đề án dự và cho ý kiến vào kế hoạch triển khai.

Theo Giám đốc Ban quản lý dự án 600 Phó Chủ tịch xã Vũ Đăng Minh, Quyết định 1758/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020 đặt ra mục tiêu đến năm 2015 sẽ tuyển chọn được 500 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học để bồi dưỡng và bố trí về làm công việc của các chức danh công chức cấp xã tại 500 xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc và miền núi.

Đề án nhằm tăng cường lực lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.

Căn cứ danh sách các xã và chức danh công chức cấp xã cần tăng cường, Bộ Nội vụ và Ủy ban nhân dân các tỉnh thuộc phạm vi điều chỉnh của đề án sẽ thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để các ứng viên biết, tìm hiểu thông tin và đăng ký tham gia.

Các ứng viên phải có tuổi đời dưới 30 tuổi, có trình độ đại học trở lên thuộc các chuyên ngành phù hợp với yêu cầu bố trí và sử dụng của các chức danh công chức chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân xã, có khả năng đào tạo, bồi dưỡng để tạo nguồn cán bộ, công chức địa phương, tình nguyện đến làm việc tại vùng khó khăn, dân tộc và miền núi trong thời gian tối thiểu 5 năm.

Các ứng viên sẽ được xét kết quả học tập và phỏng vấn trực tiếp về kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của chức danh công chức cấp xã cần tăng cường trí thức trẻ về công tác.

Đóng góp vào kế hoạch, nhiều ý kiến cho rằng Bộ Nội vụ cần giao chỉ tiêu cụ thể cho các địa phương bởi nhu cầu bổ sung cán bộ có trình độ về công tác tại xã là rất lớn trong khi số chỉ tiêu giới hạn.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hòa Bình Phạm Thị Tuyết cho biết tỉnh này còn đến 39% cán bộ công chức cấp xã không có trình độ chuyên môn. Với 210 xã trên địa bàn tỉnh, xã nào cũng có nhu cầu bổ sung nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kiến thức năng lực.

[Thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ về nông thôn, miền núi]

Cả nước có tới 5.240 xã nghèo, khó khăn, xã nào cũng có nhu cầu tuyển cán bộ mà chỉ tiêu chỉ lấy 500 người nên cần phải nghiên cứu, xem xét kỹ càng trước khi phân bổ.

Đây cũng là quan điểm của Phó Giám đốc Sở Nội vụ Lai Châu Nguyễn Văn Thành với kiến nghị nghiên cứu số lượng phân bổ cho từng tỉnh, huyện, xã, việc xét tuyển phải chất lượng, chọn nhân sự đáp ứng trúng nhu cầu chức danh.

Để tạo điều kiện cho công tác xét tuyển, chọn lọc được những sinh viên có trình độ đào tạo chất lượng cao, các ý kiến đề nghị cần quy định rõ chỉ xét tuyển với những ứng viên tốt nghiệp đại học hệ chính quy.

Các ý kiến cũng cho rằng căn cứ trên bảng điểm học tập để xét tuyển là bất hợp lý, thực tế cho thấy, nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học tại chức, ngoài công lập có điểm học tập rất cao so với các trường công lập, chỉ so sánh chất lượng giữa các trường đã thấy khập khiễng, chưa nói đến so sánh giữa các khối, ngành.

Nhiều ý kiến đề nghị xem xét hợp lý việc quy định nội dung xét tuyển và bổ sung thêm các chuyên ngành cho các chức danh. Cũng còn nhiều ý kiến băn khoăn xung quanh “số phận” của các trí thức trẻ tình nguyện sau khi dự án kết thúc, quyền lợi, trách nhiệm của họ cũng như việc có xét tuyển họ vào biên chế không. Việc này cần nghiên cứu xem xét kỹ càng để các trí thức trẻ yên tâm công tác./.

Chu Thanh Vân (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục