Đưa chủ đề di cư vào các chiến lược phát triển

Báo cáo Phát triển con người năm 2009 đã gợi ý cho Việt Nam, xem di cư như là một bộ phận cấu thành cho chiến lược phát triển quốc gia.
Ngày 5/10, tại Hà Nội, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam và Liên Hợp quốc tại Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo "Di dân, phát triển và giảm nghèo", với sự tham gia của các nhà khoa học trong và ngoài nước.

Báo cáo Phát triển con người năm 2009 do ông Christophe Bahuet, Phó Trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam trình bày tại hội thảo, đã đề cập đến vấn đề di cư và lợi ích mà các chính sách di cư tốt hơn có thể mang lại cho phát triển con người; xây dựng chỉ số phát triển con người cho tất cả các nước.

Tình trạng bất bình đẳng là nguyên nhân chính thúc đẩy con người di cư. Hầu hết người di cư không phải là từ các nước đang phát triển đến các nước phát triển hay giữa các nước. Trong gần 1 tỷ người di cư trên thế giới có 740 triệu người di cư nội địa, gấp gần 4 lần số người di cư quốc tế.

Di cư giữa các nước châu Á chiếm gần 20% tổng số người di cư quốc tế. Khoảng 7% tổng số người di cư tị nạn sống bên ngoài biên giới nước mình.

Di cư tỷ lệ nghịch với dân số của một nước. Các hoàn cảnh hiện nay làm tăng thêm luồng di cư, nhưng các rào cản chính sách vẫn còn nhiều và được thắt chặt hơn ở nhiều nước đang phát triển cũng như phát triển là điểm đến của người di cư. Từ năm 1960 đến nay, tỷ lệ người di cư trên thế giới không tăng lên, duy trì ở mức 3% dân số thế giới.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã làm giảm nhu cầu tiếp nhận người lao động di cư, gây ảnh hưởng nhiều nhất đến các nước và các ngành nơi người di cư đến. Tuy nhiên khi kinh tế phục hồi, những chiều hướng nền tảng lâu dài sẽ chi phối.

Về dân số học, dân số giảm xuống và có tỉ lệ người già cao ở các nước phát triển, dân số tăng lên và có tỉ lệ thanh niên cao ở các nước đang phát triển. Những chiều hướng này cho thấy tiếp tục có sức ép và lợi ích từ dòng di cư quốc tế.

Ông Christophe Bahuet, Phó Trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, Báo cáo đề xuất một cách nhìn dài hạn và đầy tham vọng, nhằm thu hút được những lợi ích to lớn nhưng chưa được khai thác từ di cư.

Các biện pháp cải cách gồm tự do hóa và đơn giản hóa các kênh thông thường, cho phép những người có tay nghề thấp được tìm kiếm việc làm ở nước ngoài; bảo đảm các quyền cơ bản của người di cư; cắt giảm chi phí giao dịch liên quan đến di cư; cải thiện tác động đối với người di cư và cộng đồng nơi họ đến; tạo lợi ích từ dòng di cư nội địa; đưa chủ đề di cư vào các chiến lược phát triển quốc gia và phát triển con người.

Hiện có 2 cơ chế mà một số quốc gia đang thực hiện cải tổ chính sách xã hội liên quan đến người di cư, như mở rộng các chương trình lao động thời vụ của New Zealand, kéo dài thời gian lưu trú cho người lao động của Thụy Điển.

Điều hết sức quan trọng là phải có lộ trình cho người di cư hội nhập và các biện pháp tạo điều kiện cho việc di cư, như cấp giấy phép làm việc ở một quốc gia và gia hạn giấy phép đó tùy thuộc từng quốc gia. "Hợp thức hóa nguồn thu nhập" là một biện pháp hiệu quả để xử lý tình trạng bất bình thường.

Tuy nhiên, rất ít nước đã phê chuẩn các công ước về việc bảo vệ quyền của người di cư, các hiệp ước về quyền con người. Các nghị định thư hiện hành còn nhiều điều khoản mang tính phân biệt đối xử nặng nề đối với người di cư.

Việc xây dựng gói đề xuất chủ chốt gồm nhu cầu sử dụng lao động, tiêu chuẩn lao động và quyền tôn trọng con người của nhóm chuyên gia, nhằm giải quyết các vấn đề quan trọng là những người có nhu cầu sử dụng lao động cần phải tuân thủ các tiêu chuẩn lao động quốc gia và địa phương; phải cải thiện cách đối xử và phải tôn trọng các quyền con người.

Báo cáo Phát triển con người năm 2009 cũng đã gợi ý cho Việt Nam, xem di cư như là một bộ phận cấu thành cho chiến lược phát triển quốc gia.

Hội thảo kết thúc vào ngày 6/10./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục