Đưa người VN làm việc ở nước ngoài còn bất cập

Từ năm 2006, Việt Nam đưa gần 80.000 lao động mỗi năm đi làm việc ở nước ngoài, chiếm hơn 5% tổng số lao động có việc làm hàng năm.
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 34, chiều 14/9, Ủy ban thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” của đoàn giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Hiện nay, khoảng 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chỉ tính từ năm 2001 đến nay, bình quân mỗi năm đã đưa được khoảng trên 60.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Đặc biệt, trong năm năm trở lại đây, tính từ năm 2006, bình quân mỗi năm đưa được gần 80.000 lao động, chiếm hơn 5% tổng số lao động được giải quyết việc làm hàng năm.

Mỗi năm, người lao động gửi về cho gia đình khoảng 1,6-2 tỷ USD. Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có thu nhập tương đối ổn định, cao hơn so với làm việc trong nước nếu làm cùng ngành nghề, cùng trình độ, cá biệt có những lao động đạt mức tiền lương và thu nhập lên tới vài chục triệu đồng/tháng. Hầu hết lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài được người sử dụng lao động tín nhiệm và đánh giá cao…

Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ ra những hạn chế, bất cập cần khắc phục kịp thời như các văn bản hướng dẫn ban hành vẫn chậm, một số nội dung chưa được hướng dẫn cụ thể hoặc còn chồng chéo.

Chất lượng và hiệu quả tuyên truyền, phổ biến pháp luật còn thấp, chưa thực sự đến với phần đông người lao động và gia đình họ. Chưa quản lý, kiểm soát và đánh giá được thực sự hoạt động của các doanh nghiệp tham gia hoạt động dịch vụ; chưa chú trọng thực hiện chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm cho lao động sau khi về nước. Tình trạng lừa đảo vẫn còn nhiều nhưng chưa được ngăn chặn hiệu quả.

Về người lao động, kết quả giám sát cũng cho thấy, đa số lao động Việt Nam có trình độ học vấn thấp và chưa được đào tạo nghề, sức khỏe hạn chế, chủ yếu sống ở địa bàn nông thôn.

Theo báo cáo của 10 tỉnh, thành phố được giám sát, tỷ lệ lao động có tay nghề ước khoảng 20-30% và báo cáo của cơ quan quản lý Nhà nước, lao động phổ thông và lao động có tay nghề thấp khoảng 50-60%.

Tuy nhiên, theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, doanh nghiệp và so sánh với kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, con số lao động có tay nghề có thể thấp hơn. Nhiều lao động làm các công việc giản đơn, thủ công ở các thị trường có thu nhập thấp. Thực tế vấn đề này chưa được cải thiện nhiều so với những năm trước khi có Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trả lời câu hỏi của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị làm rõ một số vấn đề chưa được thể hiện rõ trong Báo cáo của Chính phủ như đánh giá tính khả thi về việc đưa người Việt Nam đi lao động nước ngoài; hiệu quả quảng bá hình ảnh Việt Nam tại nước ngoài; việc quản lý, sử dụng tiền đặt cọc của người đi lao động về không đúng thời hạn; mức và lãi suất cho vay đi lao động nước ngoài; nguyên nhân tiêu cực của người Việt Nam lao động ở nước ngoài; đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc tại nước ngoài…

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định: Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thực sự đã đi vào cuộc sống, những mặt còn hạn chế cần tăng cường quản lý Nhà nước chứ chưa cần sửa đổi Luật.

Đa số Ủy viên Ủy ban đồng tình với Báo cáo kết quả giám sát “Việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” của đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Trần Thế Vượng cho rằng Báo cáo về cơ bản đã nêu được những vấn đề đặt ra, với những đánh giá về kết quả thực hiện Luật, công tác ban hành văn bản, nêu những mặt được, tồn tại, hạn chế và có những kiến nghị cụ thể đối với công tác này.

Đồng thời, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội đề nghị có sự thống nhất giữa các văn bản để đảm bảo công bằng cho người lao động được ưu đãi khi đi lao động tại nước ngoài; chú trọng công tác đào tạo nghề, ngoại ngữ cho người lao động đi làm việc tại nước ngoài...

Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước đề nghị làm rõ có bao nhiêu hộ thoát nghèo và thoát nghèo bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động; xuất khẩu lao động có căn bản xóa được nghèo cho các hộ này không?.

Một số ý kiến cho rằng cần đổi mới khâu hành chính tổ chức đưa người lao động Việt Nam ra nước ngoài, làm rõ lý do người lao động phải nộp số tiền bên ngoài chi phí, cần công khai, minh bạch các thủ tục, chi phí để người lao động biết.

Cần kiện toàn bộ máy quản lý Nhà nước, nên sàng lọc, rút bớt các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả; đồng thời cần tăng cường thực hiện quy chế phối hợp giữa cơ quan Nhà nước hữu quan mà Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì.../.

Bích Thủy (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục