Đưa nhanh kết quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất

Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên nhấn mạnh, cần ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống.
Đóng góp ý kiến với bản Dự thảo Văn kiện Đại hội XI của Đảng, Tiến sĩ Lê Ngọc Báu - Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên khẳng định, trong sự nghiệp phát triển đất nước, khoa học-công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc đóng góp sự tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân.

Chúng ta phải quan tâm nhiều hơn về công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào trong các lĩnh vực sản xuất và đời sống.

Trong hơn 20 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới, nền nông nghiệp của Việt Nam đã có sự chuyển biến mạnh mẽ và đạt thành tựu nổi bật, trong đó có sự đóng góp tích cực của khoa học-công nghệ.

Đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, trong thời gian tới phải thực hiện nhiều hơn những đề tài nghiên cứu khoa học gắn bó thiết thực với thực tế sản xuất tại cơ sở. Đối với những đề tài nghiên cứu đã có kết quả, cần phải nhanh chóng áp dụng vào sản xuất, cần phải phổ biến rộng rãi để nhiều người áp dụng, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, góp phần vào tăng trưởng kinh tế đất nước.

Tiến sĩ Lê Ngọc Báu nêu lên ý kiến, trong Văn kiện của Đại hội lần thứ XI cần đề cập cụ thể hơn về đường hướng, mục tiêu phát triển của khoa học-công nghệ trong 5-10 và 20 năm; đề ra trách nhiệm của đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học đối với từng lĩnh vực chuyên môn khác nhau.

Hiện nay, ngành nông nghiệp của Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng, chiếm tỷ trọng rất lớn trong nền kinh tế quốc dân. Do ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên của các vùng miền nhau; mỗi vùng có tiềm năng và lợi thế so sánh khác nhau. Do vậy, chúng ta phải tập trung khai thác tiềm năng và lợi thế so sánh đó một cách hợp lý.

Trước mắt và lâu dài, ngành nông lâm nghiệp phải xây dựng các đề án, các đề tài nghiên cứu, các đề tài ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế của thời kỳ đổi mới đất nước, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế; tăng sức cạnh tranh các sản phẩm trện thị trường quốc tế.

Các đề tài nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phải gắn với thực tế sản xuất của mỗi địa phương, vùng miền, điều kiện tự nhiên và lợi thế của từng địa phương. Trong công tác nghiên cứu khoa học phải thực sự quan tâm vấn đề tổ chức lại sản xuất trong nông nghiệp; việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa với chất lượng cao, nhằm đáp ứng cho yêu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.

Hiện nay, trong nền sản xuất nông nghiệp của Việt Nam đang thực hiện sự liên kết “bốn nhà.” Do vậy, ngành khoa học cũng phải thực hiện tốt sự liên kết của mình là một trong “bốn nhà,” tạo sự gắn kết với nhà nông trong việc đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, phổ biến những kết quả nghiên cứu và những thành công trong xây dựng các mộ hình sản xuất tiến bộ để nông dân, doanh nghiệp áp dụng.

Nhưng để làm tốt sự liên kết bốn nhà đó, chúng cần phải tổ chức lại các hợp tác xã nông nghiệp và đưa tổ chức kinh tế tập thể hoạt động đúng hướng và có hiệu quả. Thông qua đầu mối các ban quản lý hợp tác xã, các nhà khoa học có điều kiện phổ biến kiến thức khoa học, giới thiệu các mô hình sản xuất tiến tiến, những kinh nghiệm làm hay từ thực tế sản xuất nông nghiệp của địa phương khác để nhà nông hiểu và áp dụng.

Đi đôi với việc phổ biến kỹ thuật canh tác tiên tiến, công tác nghiên cứu khoa học cần phải đặc biệt quan tâm đến việc nghiên cứu, thực nghiệm về chọn giống tốt, tạo giống mới có khả năng thích hợp với điều kiện khí hậu các vùng, cho năng suất cao, chất lượng tốt, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Các đề tài nghiên cứu khoa học phải đi sâu vào việc nghiên cứu đa dạng hóa cây trồng, khai thác tốt khả năng đất đai, nguồn nước, điều kiện sinh thái, bảo đảm phát triển kinh tế bền vững, kết hợp tốt việc bảo vệ môi trường.

Liên hệ thực tế về công tác nghiên cứu khoa học của đơn vị mình, tiến sĩ Lê Ngọc Báu cho biết, trong quá trình nghiên cứu và thực nghiệm, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên đã chọn được 5 giống càphê vối (Robusta) có đặc điểm ưu tú là có khả năng kháng bệnh, cho năng suất cao hơn 30% và chất lượng sản phẩm tốt hơn đối với loại cà phê vối hiện nay ở Việt Nam.

Hiện nay, viện có khả năng đáp ứng nguồn giống càphê chất lượng cao trong cả nước sản xuất. Đây là thành tựu khoa học quan trọng và đang được ứng dụng tại các tỉnh Tây Nguyên và một số địa phương khác.

Sự thành công của công tác nghiên cứu khoa học là đã được áp dụng vào thực tế sản xuất. Năm 2009, cả nước phát triển trên 500.000ha càphê, trong đó có gần 15% diện tích được trồng bằng những giống càphê chất lượng tốt; sản lượng đạt khoảng 1 triệu tấn nhân.

Càphê của Việt Nam năng suất cao nhất thế giới, công đầu tư lao động thấp, nhưng giá bán ra thị trường quốc tế thấp, hiệu quả sản xuất kinh doanh không cao, người dân sản xuất càphê còn chịu nhiều thua thiệt.

Trước mắt công tác nghiên cứu khoa học tiếp tục những đề tài nghiên cứu và thực nghiệm đi sâu vào biện pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế và tăng cường quảng bá thương hiệu sản phẩm. Đó là vấn đề cấp bách đòi hỏi các nhà khoa học phải khẩn trương làm, nhằm góp phần vào sự nghiệp phát triển đất nước và cải thiện đời sống cho người lao động./.

Nguyễn Tiên Tri (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục