Đưa quan hệ ASEAN-Trung Quốc lên tầm cao mới

Tại Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc, hai bên nhất trí cao về việc tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Vinh ngày 31/8 đã trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam tại Bắc Kinh về kết quả Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc diễn ra ngày 29/8 vừa qua. Sau đây, TTXVN xin giới thiệu toàn văn bài trả lời phỏng vấn.

- Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa và kết quả nổi bật của Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc vừa diễn ra?

- Thứ trưởng Phạm Quang Vinh: Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc lần này là sự kiện quan trọng nhằm kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc và đề ra các định hướng lớn để tăng cường hơn nữa quan hệ hai bên.

Kết quả nổi bật là hai bên nhất trí cao về tầm quan trọng và việc tăng cường hơn nữa quan hệ ASEAN-Trung Quốc, không chỉ vì lợi ích hai bên mà còn đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung của khu vực. Do đó, các bộ trưởng nhất trí sẽ xây dựng tầm nhìn dài hạn nhằm làm sâu sắc và đưa quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc lên tầm cao mới. Dự kiến tại hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 16 vào tháng 10 tới, các lãnh đạo hai bên sẽ thông qua một Tuyên bố với mục tiêu này.

Thứ hai, hai bên cho rằng để thúc đẩy quan hệ ASEAN-Trung Quốc, điều quan trọng là cần tiếp tục xây dựng và tăng cường lòng tin chiến lược và sự tin cậy lẫn nhau để làm cơ sở cho mở rộng và tăng cường quan hệ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực.

Thứ ba, hai bên nhấn mạnh ưu tiên đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, và đã đề xuất nhiều sáng kiến, trong đó có việc xem xét nâng cấp Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN-Trung Quốc; phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều 500 tỷ USD vào 2015; đẩy mạnh hợp tác kết nối về hạ tầng cơ sở và giao thông, cũng như tăng cường hợp tác biển; thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau thông qua giao lưu văn hóa, giáo dục, giao lưu nhân dân.

Cuối cùng, hai bên đã nhất trí về tầm quan trọng của xây dựng lòng tin và bảo đảm hòa bình, an ninh ở khu vực, trong đó bao gồm xử lý vấn đề Biển Đông một cách thỏa đáng, với mục tiêu chung là bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông, giải quyết hòa bình tranh chấp, trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển Liên hợp quốc 1982.

- Xin Thứ trưởng cho biết đóng góp của đoàn Việt Nam nhằm đưa quan hệ ASEAN-Trung Quốc lên tầm cao mới?

- Thứ trưởng Phạm Quang Vinh: Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu, đã đưa ra nhiều đề xuất thực chất và đóng góp tích cực vào thành công và kết quả Hội nghị lần này, đáng chú ý:

Thứ nhất, khẳng định tiếp tục làm sâu sắc và đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc, trong đó đặc biệt coi trọng việc tăng cường lòng tin chính trị và sự tin cậy lẫn nhau, làm cơ sở cho việc mở rộng và tăng cường hơn nữa hợp tác giữa hai bên trên tất cả các lĩnh vực.

Thứ hai, nhấn mạnh ưu tiên về kết nối hạ tầng và giao thông, trong đó Việt Nam với tư cách là một nước láng giềng tiếp giáp với Trung Quốc, có điều kiện thuận lợi phát triển về hạ tầng giao thông, từ đó tạo điều kiện mở rộng kết nối giữa Trung Quốc với Tiểu vùng Mekong và toàn khu vực ASEAN. Việc nâng cấp kết nối về hạ tầng sẽ đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế-thương mại, cũng như tăng cường giao lưu văn hóa, nhân dân, du lịch… giữa ASEAN và Trung Quốc nói chung. Chúng ta cũng ủng hộ việc tăng cường hơn nữa hợp tác ASEAN-Trung Quốc về kinh tế, thương mại, đầu tư, trong đó mục tiêu đạt 500 tỷ USD về kim ngạch thương mại vào 2015.

Thứ ba, tăng cường hợp tác bảo đảm hòa bình, ổn định và an ninh ở khu vực, trong đó có hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông. Theo đó, điều quan trọng nhất là các bên phải thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc và cam kết đã thỏa thuận, trong đó có Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Tuyên bố Cấp cao kỷ niệm 10 năm ký Tuyên bố DOC, giải quyết hòa bình các tranh chấp, tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển Liên hợp quốc.

Các nước đều đồng tình với nội dung do Việt Nam thay mặt ASEAN phát biểu về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), trong đó nhấn mạnh cùng với việc thực hiện nghiêm túc DOC, thì cần thiết phải có COC càng sớm càng tốt để bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông, ngăn ngừa xung đột, bảo đảm ứng xử các bên phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển Liên hợp quốc. Nếu đạt được điều đó thì sẽ có lợi chung cho hòa bình, ổn định ở khu vực và an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông

- Một trọng tâm hợp tác ASEAN-Trung Quốc là về kinh tế, thương mại. Xin Thứ trưởng cho biết đã có những đề xuất như thế nào để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này? Có biện pháp gì để phát huy hiệu quả Hiệp định Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc vì lợi ích của các bên?

- Thứ trưởng Phạm Quang Vinh: Có thể coi hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư vừa là một ưu tiên, vừa là một điểm sáng trong quan hệ đối tác giữa ASEAN và Trung Quốc trong thời gian qua. Hội nghị lần này đã tiếp tục nhấn mạnh ưu tiên hợp tác trong lĩnh vực này và đã đưa ra nhiều đề xuất cụ thể, thiết thực, trong đó có việc đưa kim ngạch thương mại hai bên lên 500 tỷ USD vào năm 2015; xem xét nâng cấp Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA); cùng phối hợp thúc đẩy sáng kiến xây dựng Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực Đông Á (RCEP); đẩy mạnh kết nối hạ tầng và giao thông; hoan nghênh và sẽ cùng nhau xem xét một số khuyến nghị của Trung Quốc như về xây dựng cơ chế tài trợ các dự án hạ tầng, quỹ bình ổn tài chính khu vực châu Á, quỹ hợp tác biển ASEAN-Trung Quốc... Đồng thời, hai bên cũng sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa hợp tác và kết nối tiểu vùng, trong đó có tiểu vùng Mekong.

Về ACFTA, hai bên nhất trí Hiệp định đã mang lại thuận lợi và lợi ích cho cả hai bên kể từ khi ACFTA chính thức đi vào hoạt động năm 2010. Trong hơn 3 năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng gấp 2 lần, đến nay đạt 400 tỷ USD và với đà này, chắc chắn hai bên sẽ đạt mục tiêu 500 tỷ USD vào năm 2015.

Để bảo đảm lợi ích của tất cả các bên, điều quan trọng là các bên cần có đủ năng lực hội nhập và tận dụng được lợi ích và cơ hội do ACFTA mang lại, cũng như tranh thủ được một thị trường rộng lớn với hơn 2 tỷ dân. Theo đó, các bên cần chú trọng thực hiện các quy định của Hiệp định về dành ưu đãi cho các nước chậm phát triển hơn trong ASEAN; trong quá trình thực hiện ACFTA, ASEAN và Trung Quốc cần tiếp tục bàn và thỏa thuận về hỗ trợ nâng cao năng lực hội nhập, năng lực sản xuất và sức cạnh tranh của ASEAN; đồng thời hai bên cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền về cơ hội và lợi ích của Hiệp định tới người dân và doanh nghiệp, có các cơ chế để hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia và khai thác hiệu quả ACFTA.

- Xin Thứ trưởng cho biết thêm cụ thể nội dung trao đổi về vấn đề COC tại Hội nghị?

- Thứ trưởng Phạm Quang Vinh: Tại Hội nghị, khi trao đổi về đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc, hai bên cũng đã trao đổi về vấn đề Biển Đông. Hai bên nhất trí về sự cần thiết phải bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông và thực hiện tốt những thỏa thuận và quy định trong Tuyên bố DOC, đi đôi với xây dựng COC. Hai bên đã nhất trí sẽ tiến hành tham vấn chính thức ở cấp SOM ASEAN-Trung Quốc về COC lần đầu tiên tại Tô Châu vào ngày 14-15/9 tới và dự kiến tại cuộc họp này, hai bên sẽ chia sẻ quan điểm về COC. Đây là một quyết định quan trọng và tích cực, khởi động cho tiến trình đàm phán và xây dựng COC giữa ASEAN và Trung Quốc.

Về phía ASEAN, ASEAN đã nhất trí các thành tố cần thiết của COC trong tương lai, theo đó COC cần là Bộ quy tắc tổng thể và mang tính ràng buộc, kế thừa các quy định quan trọng của DOC, nhưng cần phải nâng cao hơn DOC, trong đó cần phải bổ sung thêm những quy định, cơ chế nhằm ngăn ngừa xung đột, cũng như các cơ chế về bảo đảm thực hiện những cam kết trong COC, tuân thủ nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp, hay về xử lý các tranh chấp về áp dụng và giải thích COC. ASEAN sẽ chia sẻ những nội dung này với Trung Quốc trong cuộc họp SOM sắp tới.

Quan điểm của ASEAN là cần phải có COC càng sớm càng tốt, trong bối cảnh tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp. Việc thương lượng và xây dựng COC với các mục tiêu như trên sẽ là một quá trình không phải dễ dàng. Do đó, các bên cần phải có quyết tâm chính trị, cùng chung mục đích bảo đảm tốt hơn hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục