Đưa Quảng Nam thành trung tâm sản xuất ôtô lớn

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị tỉnh Quảng Nam tập trung đầu tư để từng bước trở thành trung tâm sản xuất ôtô lớn của cả nước.
Làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Quảng Nam, chiều 9/7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị tỉnh cần đầu tư phát triển công nghiệp ôtô và công nghiệp phụ trợ cho công nghiệp ôtô, xây dựng tỉnh Quảng Nam trở thành trung tâm sản xuất ôtô lớn của cả nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo các bộ, ngành đã cho ý kiến về các kiến nghị của Quảng Nam liên quan đến chủ trương xây dựng Trung tâm công nghiệp cơ khí ôtô quốc gia tại Khu Kinh tế mới Chu Lai với qui mô trên 300.000 xe/năm, theo hướng tỉ lệ nội địa tối thiểu 40% theo lộ trình cam kết.

Cũng trong buổi làm việc trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam trong những năm qua đã được những kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng suy thoái kinh tế, thiên tai, dịch bệnh, hạ tầng và nguồn nhân lực kém nhưng tốc độ tăng bình quân 12,8% gắn liền là chuyển dịch cơ cấu kinh tế tạo ra sản phầm vượt trội như ôtô, kính nổi, du lịch... là nỗ lực lớn.

Chỉ rõ những hạn chế, yếu kém của Quảng Nam về cơ cấu lao động trong nông nghiệp còn cao, đào tạo nguồn nhân lực thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao hơn bình quân cả nước, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cần phân tích làm rõ nguyên nhân và có giải pháp cụ thể nhằm khắc phục cho được những hạn chế này.

Trước mắt, lãnh đạo tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 2010 và chỉ đạo tốt Đại hội Đảng bộ các cấp, trong đó huy động mọi nguồn lực chống hạn cho nông nghiệp, giải ngân có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư...

Chuẩn bị kế hoạch 5 năm tới với tinh thần phát huy tối đa tiềm năng thế mạnh về hạ tầng và nguồn nhân lực, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị lãnh đạo tỉnh Quảng Nam tạo bước đột phát đưa tỉnh phát triển nhanh và bền vững, tỉnh cần đầu tư phát triển công nghiệp công nghệ cao gắn với đó là phát triển du lịch nghỉ dưỡng.

Tỉnh Quảng Nam hình thành các trung tâm công nghiệp theo vùng gắn với lợi thế và nguồn lực của từng vùng, trong đó, tiếp tục xây dựng Khu Kinh tế mở Chu Lai, đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ thành ngành kinh tế mũi nhọn... Tỉnh cần tăng cường công tác bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, đất đai, tài nguyên, khoảng sản, đồng thời giải quyết triệt để các điểm, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường.

Trên cơ sở các chính sách của Trung ương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị Quảng Nam cần dành nguồn lực thích đáng đầu tư cho 8 huyện miền núi, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực này, trong đó tập trung mở rộng, nâng cấp các tuyến giao thông liên huyện và hoàn thành các tuyến giao thông đến các trung tâm xã; phát triển mạng lưới điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt; cấp nước sạch; xây dựng các thiết chế văn hóa, giáo dục, y tế, các công trình vệ sinh công cộng và gia đình.

Tỉnh cần thực hiện tốt chủ trương về định canh, định cư; giao đất, khoán rừng; cải tạo vườn tạp; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất phù hợp miền núi; quy hoạch, sắp xếp dân cư và xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới ở miền núi....

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo các bộ, ngành đã cho ý kiến về chủ trương đầu tư theo hình thức BT với tổng mức đầu tư các dự án khoảng 6.000 tỷ đồng sắp xếp dân cư để phòng tránh giảm nhẹ thiên tai vùng ven biển tỉnh Quảng Nam, bảo vệ an toàn tính mạng, xóa đói giảm nghèo và từng bước ổn định đời sống cho hơn 40.000 dân; Các công trình giao thông như đầu tư xây dựng 36 tuyến đường đến trung tâm xã giai đoạn 2011-2015 với tổng mức đầu tư 4.317 tỷ đồng; triển khai thực hiện dự án nâng cấp và mở rộng tuyến Quốc lộ 1A dài 24,7km và rộng từ 12m lên 33m từ năm 2010; Cầu Cửa Đại và dự án sắp xếp dân cư ven biển Quảng Nam...

Theo báo cáo của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, trong sáu tháng đầu năm 2010, kinh tế Quảng Nam tiếp tục duy trì ở mức tăng trưởng khá, tăng nguồn lực cho đầu tư phát triển, các dự án lớn được triển khai, nhiều nhà máy đi vào hoạt động, trong đó GDP tăng 12,6% so với cùng kỳ, cơ cấu các ngành kinh tế trong GDP tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, công nghiệp-xây dựng và dịch vụ chiếm 79%, nông-lâm-thủy sản chiếm 21% ... Đời sống nhân dân vùng nông thôn, miền núi ổn định và cải thiện đáng kể, không thiếu đói thời kỳ giáp hạt.../.

Thiện Thuật (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục