Đưa ra thị trường hộp đen ôtô "made in Việt Nam"

Một doanh nghiệp trong nước sau 2 năm nghiên cứu đã đưa ra thị trường những chiếc "hộp đen" cho ôtô mang thương hiệu Việt Nam đầu tiên.
Khi lắp hộp đen trên ôtô, người quản lý chỉ cần truy cập website để biết chiếc xe đang ở đâu, chạy với tốc độ nào và nhiệt độ trong xe là bao nhiêu.

Thông tin này được đưa ra ngày 22/7, trong cuộc hội thảo giới thiệu một số sản phẩm của các nhà khoa học Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao (Khu công nghệ cao Hòa Lạc).

Ông Nguyễn Bá Tuấn, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thiết bị và công nghệ tự động Tân Á Châu (NASIA) nói, chiếc hộp đen kiểm soát xe ô tô này được đơn vị ông nghiên cứu đã hơn 2 năm nay.

Ở thời điểm hiện tại, chiếc hộp đen đã được hoàn thiện, hoạt động trên kỹ thuật định vị GPS kết hợp nền tảng công nghệ GSM, GPRS và công nghệ bản đồ.

Ngoài việc thông tin vị trí, chiếc hộp đen còn tích hợp cảm biến nhiệt độ, kết nối camera cho phép chụp hình ảnh theo yêu cầu của người điều khiển.

Những dữ liệu này, sẽ được chuyển lên website để người quản lý có thể đăng nhập, theo dõi và quản lý những chiếc ôtô của mình.

Sẽ thu lời từ phí duy trì hệ thống

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị của hãng taxi Sao Mai, nhờ giải pháp này, công ty của ông có thể quản lý các xe taxi trên đường một cách dễ dàng. Ngoài ra, việc điều xe đến điểm đón khách cũng thuận tiện, giảm chi phí cho hãng.

Song, do thử nghiệm nên ông cũng không biết giá thành sản phẩm là bao nhiêu. “Nếu rẻ, tôi tin các hãng taxi như chúng tôi, vì lợi nhuận của mình sẽ lắp đặt hộp đen này,” ông nói.

Trước câu hỏi về lợi nhuận, ông Tuấn nói NASIA sẽ thu lời từ việc khách hàng phải trả phí duy trì hệ thống (GPRS, server hoạt động, dữ liệu lấy về, bản đồ được update…). “Tuy nhiên, chi phí này rất rẻ so với lợi nhuận của doanh nghiệp lắp đặt hộp đen”.

Trên thực tế, việc ứng dụng GPS trong đời sống xã hội là không mới. Song, việc chế tạo ra một thiết bị “made in Vietnam” như của NASIA là điều đáng được hoan nghênh.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bình, Hiệu truởng trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, việc tự chủ công nghệ là rất quan trọng. Nhất là khi tính bảo mật thông tin được đề cao như hiện nay./.
Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục