Đưa sản phẩm nông nghiệp Việt Nam vào hệ thống bán lẻ quốc tế

Các chuyên gia trong ngành nông nghiệp đã đề xuất các giải pháp để xuất khẩu cũng như việc đưa sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm của Việt Nam vào hệ thống bán lẻ quốc tế.
Đưa sản phẩm nông nghiệp Việt Nam vào hệ thống bán lẻ quốc tế ảnh 1(Ảnh minh họa: Đình Huệ/TTXVN)

Tham gia hội nghị quốc tế ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam 2014 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương phối hợp với Tổ chức hỗ trợ nhập khẩu từ các nước đang phát triển của Hà Lan (CBI) tổ chức ngày 26/11 tại Thành phố Hồ Chí Minh, các chuyên gia trong ngành nông nghiệp đã đề xuất các giải pháp tạo sản phẩm giá trị gia tăng để xuất khẩu cũng như việc đưa sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm của Việt Nam vào hệ thống bán lẻ quốc tế.

Ông Đàm Ngọc Năm, Phó Cục trưởng Cục Nông lâm thủy sản và nghề muối thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, mặc dù nhiều mặt hàng nông nghiệp của Việt Nam chiếm giữ vị thế hàng đầu trên thế giới như điều, hồ tiêu, gạo và càphê… nhưng do tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm thô, xuất khẩu nguyên liệu còn lớn nên giá trị kim ngạch xuất khẩu chưa cao.

Việc triển khai xây dựng vùng nguyên liệu theo quy hoạch vẫn còn hạn chế do khó khăn về nguồn lực đầu tư hạ tầng, giống, mạng lưới bao tiêu… Công nghiệp chế biến sâu vẫn chưa phổ biến, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn về tài chính nên ít có khả năng đầu tư trang thiết bị đồng bộ nâng cao giá trị sản phẩm. Vì vậy, việc phát triển công nghiệp phụ trợ để phục vụ phát triển công nghiệp chế biến là hết sức quan trọng.

Cùng nhận định trên, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp chế biến với sản xuất nguyên liệu và thị trường.

Đơn cử như mặt hàng rau củ quả, phần lớn chưa được đưa vào chế biến mà chỉ qua sơ chế hoặc xuất thô, chủ yếu thuộc ba dạng là đồ hộp, nước trái cây và trái cây sấy khô. Nếu biết tích hợp chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp đa dạng, tăng năng suất thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội phát triển.

Theo bà Lý Kim Chi, đây là hoạt động hỗ trợ đầu ra cho ngành nguyên liệu thực phẩm, tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về sản phẩm sạch, bền vững. Vì vậy, doanh nghiệp cần mạnh dạn đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ hiện đại để đạt độ tự động hóa cao, giảm tiêu hao nguyên nhiên liệu, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời vấn đề nghiên cứu thị trường cần được mở rộng, đầu tư chiều sâu, đa dạng hóa sản phẩm để phù hợp với khẩu vị, tập quán của từng thị trường, khách hàng. Ngoài ra, việc xây dựng thương hiệu cần gắn với hoàn thiện kênh phân phối.

Ông Mr Koos Eyk, Chuyên gia CBI cho rằng, để tham gia vào thị trường tiêu thụ sản phẩm thực phẩm có giá trị gia tăng tại EU, các doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược xây dựng thương hiệu cho ngành thực phẩm của mình như xác định đối tượng mục tiêu, xu hướng, nhu cầu kể cả việc nghiên cứu đối thủ cạnh tranh, ý nghĩa logo thương hiệu…

Theo ông Đàm Ngọc Năm, năm 2013, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của Việt Nam đạt hơn 800.000 tỷ đồng. Riêng 10 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản đạt hơn 25 tỷ USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2013.

Hiện cả nước có 6.000 cơ sở chế biến có công nghệ thiết bị tương đối hiện đại, trong đó, hơn 2.000 cơ sở chế biến nông sản, 570 cơ sở chế biến thủy sản và 3.000 cơ sở chế biến gỗ. Một số ngành đã đáp ứng được yêu cầu chất lượng đối với các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản…, điển hình như thủy sản, nhân hạt điều, hồ tiêu, đồ gỗ.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục