Đua thuyền Việt Nam vẫn gặp nhiều "sóng lớn"

Đua thuyền VN vẫn gặp nhiều "sóng lớn" do trang thiết bị nghèo nàn, lạc hậu đã ảnh hưởng đến việc tập luyện và thi đấu của vận động viên.
Sân chơi của các vận động viên trẻ môn đua thuyền Rowing-Canoeing vừa kết thúc. Bên cạnh những tín hiệu vui về sự tiến bộ của nhiều tay chèo, vẫn còn đó không ít những “muộn phiền” ở môn thể thao trẻ tuổi này.

Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Hải Đường, Phó Tổng thư ký Hiệp hội thể thao dưới nước kiêm Trưởng bộ môn Đua thuyền (Tổng cục Thể dục Thể thao) bên lề giải đấu.

Là người theo sát giải Rowing-Canoeing trẻ vô địch quốc gia 2009 vừa qua, ông có đánh giá gì về giải đấu này?


Tổng quan cả giải đấu, tôi chưa thấy gương mặt mới nào thể hiện sự vượt trội nhưng thành tích chung của các vận động viên đang dần được nâng cao. Tuy nhiên, điều khiến tôi ấn tượng nhất là sự phát triển mạnh mẽ của phong trào thể thao ở một số tỉnh như Bình Thuận, Quảng Ninh, An Giang hay Thành phố Hồ Chí Minh. Thành tích của những địa phương này đã có những bước nhảy vọt so với các năm trước.

Giải Rowing-Canoeing năm nay cũng phải chống chọi lại sự khắc nghiệt của thời tiết. Liên tiếp những trận mưa to kèm gió lớn đã ảnh hưởng không nhỏ tới thành tích của các vận động viên. Vượt lên khó khăn, các tay chèo trẻ đã cho thấy tinh thần thi đấu thật tuyệt vời.

Đời sống sinh hoạt thiếu thốn, trang thiết bị thi đấu nghèo nàn từ lâu đã là trăn trở của các vận động viên đua thuyền, thưa ông, tình trạng này hiện được cải thiện ra sao
?

Một vài năm trước, đời sống của các vận động viên tại câu lạc bộ đua thuyền Hồ Tây quả rất khó khăn. Tuy nhiên, điều kiện phòng ở, chế độ ăn uống hiện đã được cải thiện rất nhiều giúp các vận động viên yên tâm tập luyện.

Thế nhưng, điều khiến tôi đau đáu là trang thiết bị thi đấu tại trung tâm đang ở tình trạng thiếu thốn trầm trọng. Trừ 4 đôi chèo mới được trang bị năm ngoái, hầu hết thuyền, chèo tại trung tâm huấn luyện hồ Tây đều được sử dụng từ năm 2002. Vì vậy, rất nhiều thuyền hiện đã ở trong tình trạng bục nát hay thủng, vỡ. Thuyền bốn Rowing thậm chí chỉ cần 4, 5 chiếc đã cũ nát. Cứ đà này thì năm tới, việc tập luyện của thầy trò nơi đây sẽ còn khó khăn hơn rất nhiều.

So với nhiều môn thể thao khác, đua thuyền Rowing và Canoeing còn khá non trẻ, hơn nữa, trang bị cho môn thi này lại rất tốn kém. Đó phải chăng là lý do khiến đua thuyền gặp khó như hiện nay?


Đó quả là một trong những khó khăn mà đua thuyền đang phải “gồng mình” gánh vác. Nước ta hiện đã tự sản xuất được một vài loại thuyền đua nhưng chất lượng còn rất hạn chế. Phần lớn thuyền, chèo vẫn phải nhập ngoại để đảm bảo chất lượng.

Giá thành của trang thiết bị này cũng không hề rẻ, đơn cử như giá thuyền đơn Rowing đã vào khoảng 85 triệu đồng, nếu là thuyền đôi, thuyền bốn thì giá còn tăng gấp 2, gấp 3 lần. Trong khi đó, nếu muốn trang bị đủ thuyền cho 1 đội đua cần tới 12 thuyền đơn, 4 thuyền đôi và 2 thuyền bốn. Số tiền đầu tư bởi vậy mà sẽ vô cùng lớn.

Không chỉ vậy, áp lực lên trung tâm huấn luyện hồ Tây hiện rất nặng nề. Các địa phương gửi vận động viên ở đây cũng có mua thuyền nhưng số lượng rất ít, mỗi địa phương chỉ mua được 1 tới 2 thuyền và chủ yếu là thuyền tập. “Trăm sự” các nơi đều nhờ cả Hà Nội khiến công suất sử dụng thiết bị rất lớn, sự xuống cấp nhanh chóng của thuyền, chèo bởi thế cũng là điều khó tránh.

Từng vượt khó để lập kỳ tích giành 4 huy chương vàng tại Seagames 24. Tuy nhiên, muốn duy trì và vươn xa hơn nữa, chắc hẳn chúng ta phải có những dự án dài hơi?


Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có chủ trương cho phép nghiên cứu và xây dựng dự án: Trung tâm huấn luyện thi đấu đua thuyền quốc gia bên hồ du lịch Đồng Mô, Hà Nội.

Hiện dự án mới trong giai đoạn nghiên cứu, khảo sát nhưng nếu nhanh chóng thành hiện thực, đây sẽ là niềm vui lớn của đua thuyền Việt Nam. Chắc chắn các vận động viên sẽ có điều kiện, môi trường tập luyện tốt hơn rất nhiều. Không những thế, dự kiến, trung tâm mới này sẽ nằm trong khu vực Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam. Điều đó sẽ góp phần không nhỏ tạo nên cảnh quan chung hấp dẫn cho làng văn hóa.

Xin cảm ơn ông!
Lê Xuân Dũng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục