Trở lại với đời thường

Đưa trẻ em "nghiện" game online về với đời thường

Gia đình cần phát hiện sớm những dấu hiệu của bệnh "nghiện game" như thay đổi tính tình, sút cân, dùng máy tính quá hai giờ/ngày.
Hiện nay, trong số hơn 20 triệu người sử dụng internet ở Việt Nam, có 30% là đọc báo và tìm kiếm thông tin, nhưng có đến 53% là chat và chơi game, trong đó có khoảng bốn triệu người thường xuyên chơi game online.

Tuy nhiên, đa số người chơi game đều không biết rằng chơi game online quá nhiều có thể gây nghiện với những hậu quả khôn lường.

Bỏ ăn, bỏ học chơi game

Q.M đang học lớp 10 nhưng lại là một game thủ có "tầm cỡ" trong bang hội Chinh Đồ. Từ ngày chơi game online, từ một đứa con ngoan biết nghe lời ba mẹ, Q.M đã trở thành một đứa trẻ hung bạo.

Ba em tâm sự: "Cháu là một học sinh ngoan ngoãn ở trường, năm nào cũng đạt học sinh giỏi nhưng do mải làm ăn, không để ý nên cháu nghiện game rồi bỏ học mà chúng tôi cũng không hay biết.

Thời gian đầu thấy cháu ngồi bên máy tính suốt 2-3 giờ/ngày, gia đình nghĩ thế là bình thường nhưng sau đó tăng lên đến 15 giờ/ngày, quên cả ăn uống, ngủ, học hành…Khi đó chúng tôi mới biết con mình đang bị nghiện game."

Bây giờ, mỗi lần xin ba mẹ tiền mà không được đáp ứng, Q.M hay cầm dao rượt mọi người trong nhà chạy khắp nơi.

Khi chán, Q.M lại bỏ nhà đi bụi đời theo đám bạn chơi game mấy tuần không về. Mỗi lần Q.M trở về nhà là gia đình sống trong sợ hãi vì cậu thường quát lớn, đe dọa "chém giết" như trong thế giới ảo.

Còn H.T.L hiện là sinh viên năm thứ hai Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, vì quá mê chơi game online đã bỏ học đi lang thang. Bố mẹ phải vào trường xin bảo lưu kết quả và bắt L đi học lại. Tuy nhiên, chỉ học được ít hôm, L lại bỏ học vì ngày nào em cũng mải miết "hành tẩu giang hồ" ở thế giới ảo.

Mới đây, em về gia đình lấy dao dí vào cổ đe dọa tự tử để mọi người cho tiền đi chơi game. Sau nhiều lần can thiệp, khuyên bảo không thành công, gia đình em đã phải đưa em vào Bệnh viện Tâm thần Trung ương II ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai nhờ cai nghiện vì L không còn tha thiết bất cứ việc gì ngoài game, khi ngủ cũng nằm mơ đi "chinh chiến" và "chém giết."

Theo đại diện của Phòng đào tạo Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi năm nhà trường buộc thôi học hàng trăm sinh viên có học lực kém mà nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là các em mê chơi game, bỏ bê học hành.

Tìm về đời thực

Theo anh Nguyễn Thành Nhân, Giám đốc Trung tâm thanh thiếu niên miền Nam, nguyên nhân khiến số lượng trẻ vị thành niên rơi vào tình trạng nghiện game online, trước hết là cách giáo dục từ gia đình. Vì nhiều cha mẹ quá mải mê làm kinh tế để trẻ cô đơn, lạc lõng hoặc thương con quá nên cưng chiều khiến trẻ trở nên thụ động, chán nản...

Tuy nhiên, nguyên nhân lớn nhất vẫn do hấp lực của game online, bởi mỗi game là một câu chuyện cuốn hút, đánh trúng tâm lý hiếu thắng, hiếu chiến của lứa tuổi mới lớn, kết hợp với hình ảnh đồ họa trong game sắc nét, đẹp đã tạo cho người chơi cảm giác "thực" hơn trong khi khâu quản lý đang bị buông lỏng.

Chính từ tác hại của game, mà từ năm 2008, Trung tâm thanh thiếu niên miền Nam đã mở ra các lớp học cai nghiện game online cho lứa tuổi thanh thiếu niên, để đưa các em trở về với cuộc sống đời thường.

Anh Nguyễn Thành Nhân cho hay qua hai năm mở lớp học cai nghiện game online, mặc dù số lượng các em đến đăng ký học tại trung tâm còn hạn chế nhưng hiệu quả thu được là rất lớn; qua đó đã dóng lên hồi chuông cảnh báo trong xã hội về việc số trẻ vị thành niên nghiện game online đang có chiều hướng gia tăng và các em rất cần có sự quan tâm của gia đình, nhà trường, xã hội để vượt qua những hấp lực của game online.

Hiện tại, đa số các em sau khi kết thúc các khóa học đã trở về với đời thực, từ bỏ được thế giới ảo. Tuy nhiên, theo chị Huỳnh Hồng Hiệp, chuyên viên tư vấn của lớp học cai nghiện game tại Trung tâm thanh thiếu niên miền Nam, điều quan trọng nhất để ngăn chặn và chữa trị kịp thời tình trạng nghiện game online của lứa tuổi thanh thiếu niên là bố mẹ phải phát hiện sớm để chữa trị cho kịp thời.

Theo kinh nghiệm của chị, cần để ý ngay những dấu hiệu đầu tiên cho thấy các em nghiện game là kết quả học tập giảm sút, thay đổi tính tình, dễ cáu gắt, mất ngủ, ăn uống thất thường, sút cân, tiêu tiền không có lý do chính đáng, tiếp xúc với máy tính quá hai giờ mỗi ngày...

Mặt khác, nhiều phụ huynh có thể tự cai cho con bằng cách quan tâm, chăm sóc, gieo vào các em ý thức sống tốt, tạo cho các em có điều kiện thay đổi trong môi trường sống bình thường chứ không phải cách ly con mình khỏi xã hội; cũng như tạo điều kiện cho các em tham gia các hoạt động thể chất, hoạt động xã hội lành mạnh, phù hợp với lứa tuổi./.

Tuyết-Phương (Báo Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục