Đức bắt giữ đối tượng quấy rối phụ nữ đêm Giao thừa ở Cologne

Các công tố viên Đức ngày 18/1 thông báo đã bắt giữ những người tị nạn đầu tiên bị cáo buộc liên quan tới các cuộc tấn công tình dục nhằm vào phụ nữ trong đêm Giao thừa vừa qua ở thành phố Cologne.
Đức bắt giữ đối tượng quấy rối phụ nữ đêm Giao thừa ở Cologne ảnh 1Cảnh sát Đức đứng gác bên ngoài ga trung tâm Cologne. (Nguồn: AP)

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, các công tố viên Đức ngày 18/1 thông báo đã bắt giữ những người tị nạn đầu tiên bị cáo buộc liên quan tới các cuộc tấn công tình dục nhằm vào phụ nữ trong đêm Giao thừa vừa qua ở thành phố Cologne, miền Tây nước Đức.

Nghi can đầu tiên là người tị nạn Algeria, 26 tuổi, bị bắt cuối tuần qua tại một cơ sở tị nạn thuộc thị trấn Kerpen, cách thành phố Cologne khoảng 25 km. Đối tượng này bị cáo buộc sàm sỡ và cướp điện thoại của một phụ nữ. Khám xét nơi ở, cảnh sát cũng đã tìm được một điện thoại di động cướp được của phụ nữ trong đêm Giao thừa. Cũng tại trại tị nạn trên, cảnh sát đã bắt giữ một người Algeria khác, thu giữ tại nơi ở một điện thoại di động mà y cướp được trong đêm 31/12.

Trong khi đó, tại thành phố Aachen, một người tị nạn Algeria 25 tuổi cũng bị bắt vì tội cướp tài sản trong đêm Giao thừa.

Cho tới nay, số trường hợp bị điều tra liên quan tới các vụ phạm tội và quấy rối ở Cologne trong đêm 31/12 là 21 người, trong đó 8 người bị tạm giam. Theo cảnh sát, số vụ phạm tội trong đêm Giao thừa được ghi nhận thông qua trình báo của các nạn nhân ở Cologne đã lên tới 766 vụ, trong đó có 381 vụ quấy rối tình dục phụ nữ với 3 vụ cưỡng bức.

Trong năm 2015, đã có khoảng 1,1 triệu người tị nạn tới Đức, trong đó chủ yếu là người Syria, Afghanistan và Iraq. Hiện liên minh bảo thủ của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhất trí xếp các nước Morocco, Algeria và Tunisia là những quốc gia an toàn, có nghĩa người tị nạn từ các nước này tới Đức hầu như không có cơ hội được ở lại.

Quyết định này được đưa ra nhằm giảm số người tị nạn vào Đức cũng như giúp đẩy nhanh việc cho hồi hương người tị nạn bị bác đơn. Cũng với việc này, giới chức Đức cũng kêu gọi các nước Bắc Phi tiếp nhận lại công dân, đồng thời tuyên bố sẽ cân nhắc gắn hỗ trợ phát triển với việc tiếp nhận lại người di cư và tị nạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục