Đức cảnh báo việc rút quân quá vội vàng khỏi Afghanistan

Đức cảnh báo hậu quả việc rút quân quá vội vàng khỏi Afghanistan

Phát biểu trên đường tới căn cứ quân sự của Đức ở Masar-i-Scharif, miền Bắc Afghanistan, Bộ trưởng Leyen cho rằng tình hình ở Hindukush tuy đã được cải thiện, song vẫn rất mong manh.
Đức cảnh báo hậu quả việc rút quân quá vội vàng khỏi Afghanistan ảnh 1Binh lính Đức làm nhiệm vụ tại Afghanistan. (Ảnh: Reuters)

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen ngày 13/12 đã có chuyến thăm bất ngờ tới Afghanistan, chỉ hai tuần trước khi sứ mệnh triển khai quân của Đức tại quốc gia Tây Nam Á kết thúc.

Phát biểu trên đường tới căn cứ quân sự của Đức ở Masar-i-Scharif, miền Bắc Afghanistan, Bộ trưởng Leyen cho rằng tình hình ở Hindukush tuy đã được cải thiện, song vẫn rất mong manh.

Theo bà, cộng đồng quốc tế không nên rút quân quá vội khỏi Afghanistan và vẫn cần có một lực lượng binh sĩ nước ngoài ở lại làm nhiệm vụ huấn luyện và cố vấn cho lực lượng an ninh Afghanistan.

Bà cảnh báo những bất ổn có thể xảy ra khi quân đội nước ngoài rút đi quá nhanh, như trường hợp binh sĩ Mỹ rút khỏi Iraq năm 2011 do hai bên không thể nhất trí về quy chế cho binh sĩ ở lại, dẫn tới việc 3 năm sau, Tổng thống Mỹ Barack Obama phải tái triển khai binh sĩ trở lại nước này để chống sự nổi dậy của "Nhà nước Hồi giáo" tự xưng.

Bộ trưởng Đức Leyen cũng cảnh báo khả năng xảy ra các cuộc tấn công mới tại Afghanistan khi sứ mệnh triển khai của NATO ở nước này chấm dứt.

Gần đây, lực lượng Taliban đã tiến hành một số vụ tấn công, với mục tiêu trước hết là dân thường, nhằm thử sức mạnh của lực lượng an ninh bản địa. Cuộc tấn công nhằm vào một trung tâm văn hóa Pháp ở thủ đô Kabul ngày 11/12 vừa qua cũng đã khiến một người Đức thiệt mạng.

Hiện Đức đang triển khai tại Afghanistan khoảng 1.300 binh sĩ, tuy nhiên tới đây Berlin sẽ chỉ để lại khoảng 70 binh sĩ làm cố vấn, trong đó một phần được triển khai tại doanh trại Schahin ở Masar-i-Scharif, trong khi số còn lại sẽ được đưa về trụ sở Bộ Quốc phòng ở Kabul.

Bên cạnh hỗ trợ về quân sự, Đức cũng đã cam kết từ năm 2016 hỗ trợ hàng năm 430 triệu euro cho Afghanistan, nước hỗ trợ nhiều thứ 3 sau Mỹ và Nhật Bản.

Theo kế hoạch, sứ mệnh của Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) do NATO cầm đầu sẽ kết thúc vào cuối năm nay sau 13 năm triển khai ở Afghanistan. Tuy nhiên, NATO sẽ tiếp tục để lại khoảng 12.000 binh sĩ ở Hindukush để tham gia sứ mệnh cố vấn và huấn luyện cho nước này.

Cao điểm hồi năm 2011 có tới 140.000 binh sĩ nước ngoài được triển khai tới Afghanistan, trong đó có 5.200 người Đức. Cho tới nay đã có 55 binh sĩ Đức thiệt mạng ở quốc gia Tây Nam Á này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục