Đức cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ theo dõi những người ủng hộ Giáo sỹ Gulen

Bộ trưởng Nội vụ bang Hạ Saxony của Đức đã cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện hoạt động bí mật theo dõi "không thể chấp nhận được với những người ủng hộ Giáo sỹ Gulen.
Đức cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ theo dõi những người ủng hộ Giáo sỹ Gulen ảnh 1Các nghi can trong vụ đảo chính trên xe buýt đến tòa án ở Istanbul ngày 20/7/2016. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong một dấu hiệu phản ánh mối quan hệ giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục xấu đi, ngày 28/3, Bộ trưởng Nội vụ bang Hạ Saxony của Đức Boris Pistorius đã cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện hoạt động bí mật theo dõi "không thể chấp nhận được" đối với những người được cho là ủng hộ phong trào do Giáo sỹ Fethullah Gulen lãnh đạo.

Ông Gulen vốn bị Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc đứng đằng sau vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7/2016.

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Pistorius cho biết Ankara đã đề nghị Berlin hỗ trợ theo dõi 300 người được cho là ủng hộ Giáo sỹ Gulen. Ông Pistorius cho rằng "điều này là không thể chấp nhận."

Giáo sỹ Gulen hiện đang sống lưu vong tại Mỹ. Mặc dù chính quyền Ankara cáo buộc ông Gulen là chủ mưu cuộc đảo chính quân sự hồi năm ngoái ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng Mỹ và nhiều nước phương Tây cho rằng các báo buộc của Thổ Nhĩ Kỳ là thiếu căn cứ.

Cho đến nay, chính quyền Washington vẫn không thực hiện yêu cầu dẫn độ ông Gulen về Thổ Nhĩ Kỳ xét xử.

Về phần mình, Liên minh châu Âu cũng cho rằng những cáo buộc về việc phe thân Giáo sỹ Gulen đứng sau cuộc đảo chính là điều mơ hồ và nhằm đánh lạc hướng của Tổng thống Tayyip Erdogan.

Thổ Nhĩ Kỳ và các nước châu Âu, đặc biệt là Đức và Hà Lan, đang ở trong tình trạng căng thẳng. Ankara đã bắt giữ nhà báo Deniz Yücel, một người mang hai quốc tịch Đức - Thổ Nhĩ Kỳ đang làm việc cho tờ Die Welt của Đức, với cáo buộc tuyên truyền khủng bố và kích động hận thù, hay hoạt động gián điệp.

Ngược lại, Đức đã hủy bỏ sáu cuộc míttinh của cộng đồng người Thổ tại Đức vốn dự kiến có sự tham gia của các chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ.

Hành động này của Đức càng kiến quan hệ giữa Ankara và Berlin thêm căng thẳng, dẫn tới việc lãnh đạo hai nước có những tuyên bố mang tính thù địch.

Tổng thống Erodgan cáo buộc rằng Đức áp dụng "cách làm của phátxít" khi cấm các cuộc míttinh của cộng đồng người Thổ tại Đức.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ không được so sánh chính quyền Berlin hiện nay với Đức quốc xã, đồng thời nhấn mạnh rằng Đức có quyền cấm các hành động tương tự trong tương lai nếu Ankara không tôn trọng luật pháp Đức./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục