Đức cho phép cài các phần mềm giám sát lên thiết bị của nghi can

Quốc hội Liên bang Đức đã thông qua một đạo luật cho phép giám sát hoạt động liên lạc của các nghi can trên những dịch vụ nhắn tin như WhatsApp.
Đức cho phép cài các phần mềm giám sát lên thiết bị của nghi can ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Alamy)

Ngày 22/6, Quốc hội Liên bang Đức đã thông qua một đạo luật cho phép giám sát hoạt động liên lạc của các nghi can trên những dịch vụ nhắn tin như WhatsApp.

Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere cho biết luật này đã bịt các kẽ hở trong công tác điều tra chống tội phạm. Ông nhấn mạnh việc mã hóa là để bảo vệ sự riêng tư của thông tin liên lạc chứ không phải là công cụ của những kẻ phạm tội.

Đạo luật mới cho phép các nhà điều tra cài đặt các phần mềm giám sát lên thiết bị của nghi can nhằm ngăn ngừa khủng bố và các các dạng tội phạm khác như trốn thuế, lừa đảo trên mạng. Bộ trưởng Maiziere nêu rõ: "Chúng tôi muốn các ứng dụng trò chuyện được mã hóa để sao cho liên lạc của người dân sẽ được đảm bảo và không bị gián đoạn. Dù vậy, giống như dịch vụ tin nhắn SMS, các cơ quan an ninh cần có quyền truy cập dưới một số điều kiện nhất định."

[Đức bắt giữ một nghi can âm mưu tấn công cảnh sát và binh sỹ]

Trước đó, ngày 12/6, Bộ Nội vụ Đức đã công bố các biện pháp an ninh mới để chống khủng bố, bao gồm sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt và truy cập vào các ứng dụng trò chuyện, như WhatsApp, nhằm lần theo dấu vết những kẻ khủng bố. Chính phủ Đức sẽ thử nghiệm công nghệ mới tại nhà ga Suedkreuz ở Berlin vào mùa Hè này và nếu thành công sẽ triển khai khắp cả nước.

Theo các chuyên gia, mặc dù hiện đã có các thiết bị giám sát hình ảnh tại các nhà ga, song những thiết bị này vẫn chưa có khả năng lưu giữ bằng phần mềm hình ảnh của những kẻ khủng bố đang lẩn trốn để lực lượng an ninh có thể đưa ra cảnh báo mỗi khi những đối tượng khả nghi xuất hiện tại nhà ga. Bộ trưởng Maiziere cho biết do công nghệ nhận diện khuôn mặt chỉ sử dụng để ghi lại khuôn mặt của những kẻ khủng bố nên không vi phạm quyền tự do cá nhân của công dân.

Hiện giới chức Đức cũng đang tìm cách giám sát liên lạc của các nghi phạm khủng bố, bao gồm việc sử dụng các thiết bị kết nối mạng để "tìm kiếm trực tuyến" và "Quellen TKU" (giám sát nguồn viễn thông)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục