Đảng CDU thua

Đức: Đảng CDU thua tại bang Bắc Rhine-Westphalia

CDU chỉ giành khoảng 25,7% số phiếu tại Bắc Rhine-Westphalia - kết quả tồi tệ nhất của CDU tại bang ở miền Tây nước Đức này.
Liên minh Dân chủ - Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bị thất bại trong cuộc bầu cử ngày 13/5 tại bang Bắc Rhine-Westphalia, bang đông dân nhất trong số 16 bang ở Đức.

Theo kết quả sơ bộ, CDU chỉ giành khoảng 25,7% số phiếu, giảm 9% so với kết quả năm 2010 và là kết quả tồi tệ nhất của CDU tại bang ở miền Tây nước Đức này.

Đây là thất bại thứ ba của CDU kể từ đầu năm nay trong các cuộc bầu cử địa phương tại các bang và là kết quả bầu cử tồi tệ nhất đối với DCU tại bang này kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Trong khi đó, đảng Dân chủ Xã hội (SPD) - đảng đối lập chính - giành được 38,9% phiếu bầu, tăng 4% so với năm 2010 tại bang là trung tâm công nghiệp lớn và là thành trì của phe trung tả này.

Tiếp theo là đảng Xanh, đảng cầm quyền tại Bắc Rhine-Westphalia trong liên minh thiểu số với SPD, giành 12% và đảng Dân chủ Tự do được 8,5% phiếu.

Đảng "Hải tặc," một đảng chính trị non trẻ mới thành lập năm 2006, giành vừa đủ số phiếu để lần đầu có mặt trong nghị viện địa phương, trong khi đảng cực tả Linke không đạt đủ ngưỡng 5% số phiếu để có đại diện trong nghị viện bang này.

Cuộc bầu cử ở Bắc Rhine-Westphalia được coi là cuộc thử nghiệm quan trọng đối với CDU trước cuộc tổng tuyển cử ở Đức vào tháng 9/2013.

Kết quả bầu cử được các chuyên gia đánh giá là có ảnh hưởng lớn tới cấp độ liên bang, đặc biệt là tới cuộc tổng tuyển cử sắp tới bởi đây là bang có số cử tri chiếm 1/6 tổng số cử tri toàn quốc.

Các chuyên gia cũng cảnh báo rằng kết quả cuộc bầu cử này ít nhiều gây ảnh hưởng quan trọng đối với đời sống chính trị nước Đức.

Trở lại lịch sử trước đó, hồi năm 2005, sau khi bị thất bại trong cuộc bầu cử ở bang này, Thủ tướng Đức lúc đó là ông Gerhard Schrueder đã phải kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn, mở đường cho bà Angela Merkel lên cầm quyền.

Theo các nhà phân tích, kết quả cuộc bầu cử này cho thấy rõ sự phản ứng của người dân đối với chính sách kinh tế khắc khổ và các biện pháp đối phó với cuộc khủng hoảng trong khu vực đồng tiền chung (Eurozone) mà chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel đang theo đuổi./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục