Đức: Đảng CDU/CSU đàm phán thăm dò liên minh

Trước cuộc đàm phán này, bà Merkel nói bà muốn "biết chắc về đối tác liên minh" trước khi diễn ra phiên họp đầu tiên của Quốc hội.
Đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Angela Merkel tiến hành cuộc đàm phán thăm dò đầu tiên với đảng Xanh về khả năng lập liên minh cầm quyền trong ngày 10/10, sau khi đã đàm phán thăm dò với đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trước đó.

Trước cuộc đàm phán này, Thủ tướng Merkel tuyên bố bà muốn "biết chắc về đối tác liên minh" trước khi diễn ra phiên họp đầu tiên của Quốc hội.

Lãnh đạo đảng CSU cũng khẳng định sẽ nghiêm túc tham gia các cuộc đàm phán, dù trong suốt thời gian diễn ra cuộc tranh cử trước đây, Chủ tịch CSU Horst Seehofer luôn phản đối đảng Xanh và khẳng định sẽ không đàm phán với lãnh đạo nhóm nghị sỹ của đảng này ở Quốc hội là ông Juergen Trittin.

Tuy nhiên, ông Trittin đã từ chức chủ tịch nhóm nghị sỹ đảng Xanh sau cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua và đảng Xanh cũng đã bầu chủ tịch nhóm nghị sỹ mới là bà Göring-Eckardt, người đã đặt ra một số điều kiện để cầm quyền với liên đảng.

Phát biểu trên kênh truyền hình ARD ngày 9/10, bà Eckardt yêu cầu phải có một chính sách nhân đạo đối với người tị nạn, vấn đề vốn bị CDU/CSU phản đối. Thực tế, đây sẽ là cuộc đàm phán thăm dò khó khăn do những khác biệt giữa hai bên, đặc biệt trong vấn đề tăng thuế, khí hậu hay năng lượng.

Trong khi đó, các đồng Chủ tịch đảng Xanh là Claudia Roth và Cem Özdemir cho rằng hai bên khó có thể liên minh để lập ra một chính phủ ổn định.

Theo kế hoạch, vào ngày 14/10 tới, CDU/CSU sẽ tiến hành cuộc đàm phán thăm dò lần thứ hai với đảng SPD.

Chủ tịch SPD Sigmar Gabriel đã phát đi tín hiệu nhượng bộ trước cuộc đàm phán này khi nói rằng cần phải có mức lương tối thiểu, cải cách thị trường lao động và tăng tiền cho giáo dục, song không nhất thiết phải tăng thuế.

Tuyên bố nhượng bộ này đã bị nhiều quan chức cấp cao khác trong SPD phản đối.

Nhiều nhà quan sát vẫn đặt khả năng cao vào một chính phủ đại liên minh giữa CDU/CSU và SPD, bởi chính sách của hai đảng này không nhiều khác biệt như liên đảng giữa đảng bảo thủ với đảng Xanh.

SPD từng tỏ ý muốn nắm giữ sáu vị trí nội các, trong đó có vị trí Bộ trưởng Tài chính hiện do nhân vật nặng ký của CDU là ông Wolfgang Schäuble nắm giữ.

Ngoài ra, SPD cũng có thể yêu cầu bà Merkel mềm mỏng hơn trong chính sách "thắt lưng buộc bụng" với châu Âu.

Trong khi đó, bang Hessen - nơi diễn ra cuộc bầu cử nghị viện bang trùng với cuộc bầu cử liên bang, vẫn chưa thể lập được một chính phủ cầm quyền ở bang này.

Theo kết quả bầu cử Nghị viện bang, CDU được 38,3% số phiếu (tương đương 47 ghế), SPD được 30,7% (tương đương 37 ghế), đảng Xanh - 11,1% (14 ghế), đảng Cánh tả - 5,2% (6 ghế) và đảng Dân chủ tự do (FDP) được 6 ghế.

Do không giành được đa số trong tổng số 110 ghế nghị viện, CDU phải tìm kiếm đối tác liên minh để có thể lập chính phủ.

Cho tới nay, CDU đã tiến hành đàm phán thăm dò với cả hai đảng SPD và đảng Xanh, song vẫn chưa có kết quả cụ thể và các bên sẽ tiếp tục đàm phán thêm trong những ngày tới./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục