Đức đạt nhất trí về kế hoạch chống biến đổi khí hậu vào phút chót

Chính phủ Đức đã đạt được sự nhất trí về kế hoạch quốc gia chống biến đổi khí hậu vốn bị trì hoãn lâu nay, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2050 có thể giảm mạnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính CO2.
Đức đạt nhất trí về kế hoạch chống biến đổi khí hậu vào phút chót ảnh 1Thủ tướng Angela Merkel tại cuộc họp ở Berlin ngày 9/11. (Nguồn: EPA/TTTXVN)

Chính phủ Đức ngày 11/11 đã đạt được sự nhất trí về kế hoạch quốc gia chống biến đổi khí hậu vốn bị trì hoãn lâu nay, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2050 có thể giảm mạnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính CO2.

Việc đạt được thỏa thuận trên cho phép Đức có thể đệ trình Kế hoạch Hành động chống biến đổi khí hậu của nước này lên Hội nghị cấp cao lần thứ 22 các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP 22) diễn ra tại Maroc trong tuần tới.

Thỏa thuận này đã chấm dứt nhiều tháng tranh cãi trong liên minh tả - hữu của Thủ tướng Angela Merkel và đặt ra các mục tiêu rõ ràng về giảm lượng khí thải CO2 đối với tất cả các ngành kinh tế của đất nước.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel nhấn mạnh chính phủ đã tìm được giải pháp thực sự "hiệu quả và cân bằng" trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Các thành viên trong Nội các Đức đã nhất trí thông qua Kế hoạch Hành động chống biến đổi khí hậu 2050, theo đó vạch ra các bước đi cụ thể để nền kinh tế lớn nhất châu Âu loại bỏ dần việc sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch và giảm lượng khí gây hiệu ứng nhà kính từ 80 - 95% vào năm 2050 so với các mức năm 1990.

Ngành công nghiệp Đức sẽ phải giảm 50% lượng phát thải khí CO2 xuống 140-143 triệu tấn đến năm 2030, tức là giảm thêm 10 triệu tấn so với văn bản đề xuất ban đầu.

Các mục tiêu nói trên của Đức cho phép nước này thực thi những cam kết của mình trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, được thông qua tại Hội nghị COP 21 diễn ra ở thủ đô Paris (Pháp) hồi tháng 12/2015 và có hiệu lực ngày 4/11 vừa qua.

Hiệp định khí hậu Paris quy định một loạt biện pháp để bảo vệ khí hậu nhằm giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu trong phạm vi 1,5-2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp.

Ngoài ra, hiệp định đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020, các nước phát triển sẽ huy động tối thiểu 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi sang sử dụng những nguồn năng lượng sạch và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hiệp định đã có hiệu lực vào ngày 4/11 vừa qua sau khi được 96 quốc gia và Liên minh châu Âu (EU) phê chuẩn./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục