Đức khẳng định trách nhiệm lịch sử với người Do Thái

Thủ tướng Đức khẳng định "trách nhiệm vĩnh cửu" của người Đức trong việc nhắc nhở thế hệ sau về sự tàn bạo của chủ nghĩa phátxít, và Đức không quên trách nhiệm của mình với hàng triệu nạn nhân Do Thái.
Đức khẳng định trách nhiệm lịch sử với người Do Thái ảnh 1Thủ tướng Đức phát biểu tại lễ kỷ niệm. (Nguồn: bundesregierung.de)

Ngày 26/1 - một ngày trước sự kiện giải phóng trại tập trung phátxít Auschwitz, Ủy ban Auschwitz quốc tế (IAK) đã tổ chức lễ kỷ niệm sự kiện trọng đại này tại Berlin nhằm nhắc nhở về tội ác của quân phátxít cũng như về quá khứ đau thương với hàng triệu người Do Thái.

Đại diện ngoại giao các nước, đại diện giới trẻ ở Đức cùng rất nhiều nạn nhân còn sống sót tại nhà tù Auschwitz đã tham dự sự kiện này.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh ý nghĩa to lớn của sự kiện 70 năm trước khi Hồng quân Liên Xô tiến vào giải phóng trại Auschwitz-Birkenau, một cỗ máy giết người tàn ác và có hệ thống. Bà nêu rõ, khi giải phóng trại Auschwitz ngày 27/1/1945, các chiến sĩ Hồng quân Liên Xô đã cứu sống được 7.000 nạn nhân trong trại giam này.

Thủ tướng Merkel khẳng định "trách nhiệm vĩnh cửu" của người Đức trong việc nhắc nhở thế hệ sau về sự tàn bạo và tội ác của chủ nghĩa phátxít, và Đức không bao giờ quên trách nhiệm của mình với hàng triệu nạn nhân Do Thái.

Bà Merkel cũng lên án chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo và nạn bài ngoại, bài Do Thái, đặc biệt nhằm vào những người muốn tìm kiếm một cuộc sống mới ở Đức. Theo bà, những đe dọa với người Do Thái ở Đức là "nỗi hổ thẹn" và nhà nước Đức có trách nhiệm bảo vệ cộng đồng Do Thái gồm trên 100.000 người đang sinh sống ở Đức.

Bà nhắc lại sự kiện hàng triệu người cùng tuần hành ở Paris (Pháp) để lên án chủ nghĩa khủng bố nhằm bày tỏ mong muốn cùng chung sống hòa bình, bất kể là người Hồi giáo, người Do Thái, người Thiên chúa, có tín ngưỡng hay không tín ngưỡng.

Phát biểu nhân sự kiện trên, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier nhấn mạnh trách nhiệm lịch sử của nước Đức đối với nạn thảm sát người Do Thái cũng như tội ác của phátxít Đức đối với hàng triệu người ở Ba Lan, Liên bang Xô viết trước đây, và nhiều nơi khác trên thế giới. Ông Steinmeier cũng nhấn mạnh mối quan hệ đặc biệt với Israel cũng như trách nhiệm về sự tồn tại và an ninh của Nhà nước Do Thái.

Theo ông Josef Schuster, người đứng đầu Hội đồng Trung ương của người Do thái ở Đức, hiện các mối đe dọa chống lại người Do thái trên toàn thế giới đã gia tăng và các cuộc tấn công của lực lượng Hồi giáo cực đoan cũng là một mối nguy hiểm đối với cộng đồng người Do thái. Ông Schuster nói: "Không ai có thể nhắm mắt làm ngơ về điều đó."

Từ năm 1940-1945 có khoảng 1,1 triệu người bị Đức Quốc xã sát hại trong trại Auschwitz, trong đó phần lớn là người Do Thái. Theo kế hoạch, ngày 27/1 sẽ diễn ra lễ kỷ niệm sự kiện trên ngay tại Auschwitz ở Ba Lan với sự tham gia của khoảng 300 nạn nhân còn sống cùng lãnh đạo và nguyên thủ nhiều nước trên thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục