Đức mong muốn Mỹ sẽ thận trọng trong việc rút khỏi INF

Ngoại trưởng Maas nhấn mạnh Đức ủng hộ việc Mỹ thận trọng trong việc rút khỏi INF, bởi Berlin không muốn châu Âu trở thành "sân chơi" cho một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân.
Đức mong muốn Mỹ sẽ thận trọng trong việc rút khỏi INF ảnh 1Binh sỹ quân đội Nga tham gia cuộc tập trận Vostok-2018 tại thị trấn Slavyanka, cách Vladivostok 100km về phía nam ngày 15/9/2018. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã lên tiếng kêu gọi Mỹ không rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, phát biểu tại Quốc hội Liên bang Đức ngày 21/11, Ngoại trưởng Maas nhấn mạnh Đức ủng hộ việc Mỹ thận trọng trong việc rút khỏi INF, bởi Berlin không muốn châu Âu trở thành "sân chơi" cho một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân.

Trước đó một ngày, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini cũng đã bày tỏ "hết sức quan ngại" về số phận của INF, đồng thời cảnh báo an ninh của châu Âu có thể gặp nguy hiểm nếu hiệp ước này bị hủy bỏ. Bà đã kêu gọi tiến hành đàm phán để thể cứu vãn và duy trì INF.

Cuối tháng 10 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố kế hoạch rút khỏi INF, với cáo buộc Nga đã vi phạm hiệp ước này. Điện Kremlin đã liên tiếp cảnh báo nguy cơ một cuộc chạy đua vũ trang mới.

[Kế hoạch rút khỏi INF của Mỹ tác động tới an ninh châu Á]

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 20/11 tuyên bố Moskva sẽ có hành động đáp trả động thái này của Mỹ.

Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung INF được ký giữa Tổng thống Mỹ Ronald Regan và nhà lãnh đạo Liên Xô trước đây Mikhail Gorbachev ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988.

Theo INF, cả Liên Xô và Mỹ cam kết cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500-5.500 km).

Ông Gorbachev đã chỉ trích quyết định của Mỹ, cho rằng quyết định này sẽ khơi mào một cuộc chạy đua vũ trang mới, làm gia tăng nguy cơ xảy ra xung đột hạt nhân.

Nhiều nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng đã hối thúc Mỹ nỗ lực giải quyết bất đồng với Nga liên quan đến INF, thay vì từ bỏ thỏa thuận này.

Các đồng minh của Mỹ ở châu Âu luôn coi INF là cơ sở giúp kiểm soát vũ khí, đồng thời quan ngại rằng việc INF sụp đổ có thể dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục