Đức muốn thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại xuyên Đại Tây Dương

Giai đoạn đầu tiên có thể là việc ký kết một hiệp định mà Mỹ và châu Âu bãi bỏ tất cả thuế quan đối với hàng hóa công nghiệp và ở bước thứ hai, châu Âu và Mỹ sẽ thảo luận các lĩnh vực gây tranh cãi
Đức muốn thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại xuyên Đại Tây Dương ảnh 1Ông Peter Beyer. (Ảnh: Wikimedia)

Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters ngày 15/2, Điều Phối viên xuyên Đại Tây Dương của Chính phủ Đức Peter Beyer cho biết Chính phủ liên bang Đức nhận định đây là thời điểm tốt để dỡ bỏ các rào cản thuế quan trong thương mại xuyên Đại Tây Dương, đặc biệt đối với các mặt hàng công nghiệp.

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, trong cuộc phỏng vấn, ông Beyer nhấn mạnh thời điểm hiện nay rất thích hợp để châu Âu và Mỹ cùng đưa ra một gói chính sách kinh tế và thương mại dưới thời chính phủ của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden, trong đó liên quan việc hướng tới một hiệp định thương mại tự do toàn diện và đầy tham vọng giữa Mỹ và châu Âu.

Theo ông Beyer, giai đoạn đầu tiên có thể là việc ký kết một hiệp định mà Mỹ và châu Âu bãi bỏ tất cả thuế quan đối với hàng hóa công nghiệp và ở bước thứ hai, châu Âu và Mỹ sẽ thảo luận các lĩnh vực gây tranh cãi, như vấn đề nông nghiệp.

Điều phối viên của Chính phủ Đức cũng mong muốn chính quyền mới của Mỹ đặt mục tiêu cho một lịch trình tham vọng dựa trên các giá trị chung và lợi ích chung. Ông Beyer nhấn mạnh: "Sau nhiều năm khó khăn dưới thời (cựu Tổng thống) Donald Trump, Đức và châu Âu giờ đây có cơ hội lịch sử đem lại sức sống mới cho quan hệ đối tác chiến lược và cải thiện quan hệ với Mỹ."

[Đức, Pháp, Anh, Mỹ nhất trí khôi phục mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương]

Ông kỳ vọng chính quyền mới của Mỹ sẽ thực hiện các bước đi nhằm khôi phục niềm tin đã bị sói mòn với châu Âu, dù thừa nhận vẫn còn sự phản đối và e dè trong việc hợp tác chặt chẽ hơn đối với các vấn đề kinh tế và thương mại ở cả hai bờ Đại Tây Dương.

Theo ông Beyer, dù hai bên vẫn còn những khác biệt trong nhiều vấn đề, như việc châu Âu nhập khẩu khí đốt của Nga, song những điều như vậy sẽ không thể ngăn cản Đức và Mỹ thiết lập quan hệ chặt chẽ trong các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, thuế quan và biến đổi khí hậu.

Ông Beyer kêu gọi một "lộ trình chung" nhằm cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), điều sẽ buộc tất cả các nước thành viên tuân thủ các quy tắc thương mại quốc tế và nếu vi phạm sẽ bị trừng phạt. Để thực hiện bước đi đầu tiên nhằm khôi phục niềm tin, ông Beyer cho rằng chính quyền của Tổng thống Biden cần rút lại các biện pháp thuế quan được đơn phương áp đặt nhằm trừng phạt vào hàng nhôm và thép nhậu khẩu của châu Âu do cựu Tổng thống Trump áp đặt trước đây.

Sau khi ông Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, Thủ tướng Angela Merkel và các thành viên nội các khác của Đức đã tích cực vận động cho việc đạt được một thỏa thuận kinh tế xuyên Đại Tây Dương.

Ngoài mong muốn hợp tác về thương mại, Berlin cũng kỳ vọng vào sự phối hợp ở hai bờ Đại Tây Dương trong chính sách bảo vệ khí hậu, trong đó đánh giá quyết định của Tổng thống Biden đưa Mỹ quay trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu là một tín hiệu quan trọng. Đức cũng đánh giá rằng về trung hạn, châu Âu và Mỹ cần nỗ lực hướng tới một hệ thống buôn bán khí thải xuyên Đại Tây Dương mà các nước công nghiệp lớn khác đều có thể tham gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục