Đức phản đối những biện pháp EU trả đũa Thụy Sĩ

Thủ tướng Đức kêu gọi EU kiềm chế và phản đối các biện pháp trả đũa của EU sau cuộc trưng cầu dân ý vừa qua ở Thụy Sĩ.
Đức phản đối những biện pháp EU trả đũa Thụy Sĩ ảnh 1Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) và Tổng thống Thụy Sĩ Didier Burkhalter. (Nguồn: AP)

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) kiềm chế sau cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi vừa qua ở Thụy Sĩ nhằm ngăn chặn dòng người nhập cư vào nước này.

Tuyên bố của nhà lãnh đạo Đức được đưa ra sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Đức và Tổng thống Thụy Sĩ Didier Burkhalter tại Berlin ngày 18/2.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp trên, Thủ tướng Merkel cảnh báo các nước EU về các phản ứng "nóng vội" với Thụy Sĩ sau cuộc trưng cầu dân ý vừa qua ở nước này. Bà Merkel cho rằng việc cần làm lúc này là tìm kiếm những giải pháp phù hợp sao cho vừa tôn trọng kết quả cuộc trưng cầu, lại vẫn duy trì được mối quan hệ tích cực giữa EU và Thụy Sĩ.

Thủ tướng Đức phản đối những biện pháp trả đũa Thụy Sĩ liên quan cuộc trưng cầu trên, đồng thời cho biết Berlin trông đợi cách thức áp dụng luật mới này của Thuỵ Sĩ sau giai đoạn quá độ trong 3 năm tới.

Trong khi đó, Tổng thống Thụy Sĩ Burkhalter khẳng định cuộc trưng cầu tuy được tiến hành dân chủ và có tính ràng buộc ở Thụy Sĩ, song vẫn chưa có hiệu lực và cũng sẽ "không có gì thay đổi" sau cuộc trưng cầu này. Ông cũng cho biết Thụy Sĩ sẽ có những cân nhắc cụ thể trong quan hệ với Croatia để đảm bảo việc thực thi luật mới không xảy ra "phân biệt đối xử" với thành viên mới nhất của EU này.

Trước đó, ngày 9/2, hơn 50% cử tri Thụy Sĩ đã bỏ phiếu ủng hộ việc ngăn chặn dòng người nhập cư ồ ạt đổ vào nước này. EU đã lập tức bày tỏ quan ngại với quyết định của Thụy Sĩ - quốc gia không thuộc EU, song có số dân gốc nhập cư chiếm tới 25%.

Sau cuộc trưng cầu này, EU đã hoãn các cuộc đàm phán về một thỏa thuận điện và gần đây nhất là đàm phán về chương trình trao đổi nghiên cứu và học thuật.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso đã cảnh báo về sự vi phạm thỏa thuận tự do đi lại tìm kiếm việc làm của EU, cho rằng kết quả cuộc trưng cầu có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho quan hệ giữa EU và Thụy Sĩ.

Theo kết quả cuộc thăm dò do Viện điều tra Emnid tiến hành sau cuộc trưng cầu ở Thụy Sĩ, có tới 2/3 số người Đức muốn tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý tương tự ở Đức và 39% trong tổng số 501 người được hỏi muốn hạn chế người nhập cư vào Đức. Chỉ 8% có ý kiến ngược lại./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục