Đức: Trưng cầu dân ý về cải cách có thể là “lối thoát” cho Hy Lạp

Bộ trưởng Tài chính Đức cho rằng Hy Lạp có thể để người dân nước này quyết định về kế hoạch cải cách cũng như thắt lưng buộc bụng mà các chủ nợ yêu cầu để có thể nhận được các khoản vay tiếp theo.
Đức: Trưng cầu dân ý về cải cách có thể là “lối thoát” cho Hy Lạp ảnh 1Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble. (Nguồn: Ilja C. Hendel)

Ngày 11/5, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble cho rằng Hy Lạp có thể để người dân nước này quyết định về kế hoạch cải cách cũng như thắt lưng buộc bụng mà các chủ nợ yêu cầu để có thể nhận được các khoản vay tiếp theo.

Phát biểu trước cuộc họp của Bộ trưởng Tài chính nhóm các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup) ở Brussels (Bỉ), ông Schäuble nói: “Việc để người dân Hy Lạp quyết định có thể là một giải pháp đúng đắn.”

Theo ông Schäuble, người Hy Lạp có thể tự xem xem liệu họ đã sẵn sàng chấp nhận những gì là cần thiết chưa, hay là muốn một hướng đi khác.

Bộ trưởng Schäuble cũng cho biết ý tưởng tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân như thế này ở Hy Lạp đã có từ năm 2011 và quyết định hiện nay “nằm ở phía Hy Lạp.”

Hồi cuối tháng 4/2015, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã bóng gió về khả năng tiến hành một cuộc trưng cầu như vậy nếu các chủ nợ đưa ra những đòi hỏi vượt ngoài sứ mệnh của chính quyền Athens. Tuy nhiên, Chính quyền Athens cho biết hiện tại họ chưa có kế hoạch gì cho vấn đề này.

Trước thềm cuộc họp của nhóm Eurogroup nêu trên, ông Schäuble đã có cuộc gặp với người đồng cấp Hy Lạp Gianis Varoufakis.

Trong cuộc gặp song phương này, Bộ trưởng Schäuble nói rằng khó có thể đạt được một quyết định trong ngày 11/5 do đàm phán chưa đạt được nhiều tiến triển.

Hầu hết các chuyên gia đều không kỳ vọng Hy Lạp và các chủ nợ có thể đạt được đồng thuận trong cuộc họp tại Brussels.

Cuộc họp của 19 bộ trưởng nhóm Eurogroup diễn ra một ngày trước khi Hy Lạp phải trả nợ 750 triệu euro cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong tình trạng gần như cạn tiền.

Kể từ khi xảy ra khủng hoảng năm 2010, Hy Lạp đã phải hai lần xin cứu trợ từ các thể chế quốc tế, song nguy cơ Hy Lạp trở thành quốc gia đầu tiên phải rời khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vẫn luôn hiện hữu.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Varoufakis cho biết ông tin rằng cuộc gặp ở Brussels có thể mang lại một kết quả tích cực cho Athens, qua đó giúp nước này nhận được khoản giải ngân tiếp theo trị giá 7,2 tỷ euro trong chương trình cứu trợ.

Ông bày tỏ hy vọng các bên đàm phán “có thể trong vài ngày tới” sẽ thông qua một thỏa thuận cuối cùng cho Athens để bổ sung nguồn tài chính quý giá cho nước này. Hy Lạp sẽ phải trả 1,5 tỷ euro cho IMF trong tháng Sáu tới và 3 tỷ euro cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong tháng 7-8/2015./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục