Đức Tuấn với Live show toàn “hàng” ngoại

Tuy “xài” toàn đồ ngoại và dàn nhạc giao hưởng 60 người, nhưng chi phí cho live show đầu tiên của ca sĩ Đức Tuấn lại… rẻ bất ngờ.
Live show "Đức Tuấn On Broad way - Music Of The Night" của ca sĩ Đức Tuấn là một live show nhạc kịch broadway, hát toàn bằng tiếng nước ngoài, dàn dựng và chỉ huy dàn nhạc giao hưởng cũng là một nhạc sĩ nước ngoài nổi tiếng.

Khách mời ngoài giọng soprano Ngọc Tuyền còn có ca sĩ nước ngoài người Canada. Kỹ thuật âm thanh là chuyên gia người Ireland. Tuy “xài” toàn đồ ngoại và dàn nhạc giao hưởng 60 người, nhưng chi phí cho live show thì… rẻ bất ngờ.

Trình diễn toàn live show với dàn nhạc giao hưởng


Theo anh, điều đặc biệt của live show này là gì?


Đây là lần đầu tiên một ca sĩ nhạc pop Việt Nam làm live show mà hát hoàn toàn tiếng nước ngoài. Cũng là một ca sĩ nhạc pop đầu tiên trình diễn toàn live show của mình với dàn nhạc giao hưởng 60 nhạc công và hầu hết các ca khúc biểu diễn là trích từ các vở nhạc kịch broadway.

Hát ca khúc của nhạc kịch broadway (tức chỉ hát) và biểu diễn nhạc kịch broadway (gồm hát + hành động kịch + vũ đạo + hóa trang, trang phục, cảnh trí...) là hai việc khác nhau. Live show sắp tới của anh là loại nào, hay cả hai?


Chương trình gồm 4 phần, 3 phần đầu là các ca khúc được phân chia theo chủ đề và hát bình thường (nghĩa là hát ca khúc nhạc kịch broadway).

Phần cuối cùng gồm 3 ca khúc trong vở "The Fantom Of The Opera" sẽ được biểu diễn theo hình thức “musical concert”.

Hiện nay trên thế giới có 2 hình thức biểu diễn nhạc kịch broadway, hình thức biểu diễn nguyên vở với đầy đủ cảnh trí, dàn nhạc không lộ diện trên sân khấu mà chỉ có diễn viên diễn với đầy đủ những hành động kịch.

Ngoài ra còn có hình thức musical concert, hình thức này cũng biểu diễn nguyên cả vở, nhưng là “concert” (hòa nhạc), dàn nhạc ngồi trên sân khấu, ca sĩ ăn mặc giống như nhân vật trong vở kịch, nhưng chỉ đứng hát và diễn cảm cá nhân, hoặc có giao lưu khi hai người cùng hát chứ không phải là những hành động kịch trên sân khấu, không có cảnh trí.

3 ca khúc của vở "The Fantom Of The Opera" trong live show của tôi sẽ biểu diễn theo hình thức thứ hai này.

Dàn dựng âm nhạc và chỉ huy là nhạc sĩ người Anh Paul Bateman, cơ duyên nào mà nhạc sĩ này đến với live show của anh?


Tôi cũng nhờ một nhạc sĩ Việt kiều đó là anh Trần Lê Quỳnh, tác giả bản nhạc "Chân tình" mà nhiều người biết đến. Thật ra anh Trần Lê Quỳnh cũng không quen biết với Paul Bateman, nhưng với uy tín của Quỳnh, anh đã liên lạc và ngỏ lời mời, nhưng chỉ sau khi tôi gởi những đĩa demo sang cho Paul nghe, ông ta mới chính thức nhận lời tham gia live show của tôi.

Còn ca sĩ người Canada thì sao?


Ca sĩ Canada Genevieve Charest là do có mối quan hệ từ lúc tôi thực hiện đĩa "The Broadway Album - Music Of The Night" tại Canada. Nhạc sĩ - nhà sản xuất Việt kiều Ignace Lai đã mời Genevieve Charest song ca cùng tôi bản "The Fantom Of The Opera", nên khi làm live show cô đã vui vẻ nhận lời mời.

Giá rẻ bất ngờ

Anh có thể nói cátsê cho nhạc trưởng người Anh Paul Bateman nữ ca sĩ Canada Genevieve Charest là bao nhiêu?


Tôi không tiện nói cụ thể con số là bao nhiêu nhưng nói thật là rất ít so với cátsê thực của họ. Họ cũng nói là rất muốn đến Việt Nam để biểu diễn và để xem phản ứng của khán giả với dòng nhạc này như thế nào.

Còn chi phí cho toàn live show là khoảng bao nhiêu?


Điều này thì tôi chẳng giấu giếm, toàn bộ chi phí khoảng hơn 800 triệu đồng. Nếu tính phòng xa, có thể phát sinh thêm 100 triệu đồng nữa.

Như vậy làm live show này có lời không, hay cũng là “hy sinh vì nghệ thuật”?


Đúng là tổ chức live show trong thời điểm bây giờ, mà nhất là tổ chức tại Nhà hát với số lượng ghế hạn chế thì sẽ rất khó để lấy lại vốn. Tuy nhiên nếu tính hơn 800 triệu đồng (hoặc là 1 tỷ đồng), mà ca sĩ sẽ có một show diễn live với dàn nhạc giao hưởng, nhạc trưởng, ca sĩ khách mời nước ngoài, sau đó còn có thêm 2 sản phẩm CD và DVD từ live show, nếu tính ra thì rất rẻ. Bởi hiện nay có ca sĩ đầu tư vào 1 DVD cũng đã lên tới 1 tỷ đồng rồi.

Khi làm live show anh có suy nghĩ gì trước tình hình âm nhạc hiện nay?


Tôi cũng không suy nghĩ gì nhiều, từ trước đến nay tôi như đứng “ngoài luồng”, những CD của tôi cũng gần như... ngoài luồng. Tôi làm những gì mà tôi thích và biến những cái tôi thích thành cái để kiếm tiền.

Cảm ơn và chúc anh thành công trên bước đường khai phá nghệ thuật của mình./.
(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục