Đức tước bỏ quyền công dân các tay súng khủng bố mang hai quốc tịch

Nội các Đức ngày 3/4 phê chuẩn một dự luật sửa đổi cho phép tước bỏ quyền công dân Đức với những người mang 2 quốc tịch nếu như họ từng chiến đấu trong hàng ngũ của các tổ chức khủng bố nước ngoài.
Đức tước bỏ quyền công dân các tay súng khủng bố mang hai quốc tịch ảnh 1Các thành viên của Lực lượng Dân chủ Syria bảo vệ một tòa nhà trong cuộc pháo kích của IS tại Baghouz.(Nguồn: AFP)

Phóng viên TTXVN tại Đức cho biết, Nội các Đức ngày 3/4 đã phê chuẩn một dự luật sửa đổi cho phép tước bỏ quyền công dân Đức đối với những người mang hai quốc tịch nếu như họ từng chiến đấu trong hàng ngũ của các tổ chức khủng bố nước ngoài.

Theo dự luật sửa đổi, những công dân Đức mang hai quốc tịch từng gia nhập các tổ chức khủng bố ở nước ngoài sẽ bị tước quyền công dân trong tương lai.

Trong một tuyên bố, Chính phủ Liên bang Đức nhấn mạnh những ai đã ra nước ngoài và tham gia các tổ chức khủng bố đều có nghĩa họ đã quay lưng lại với Chính phủ và người dân Đức, cũng như các giá trị cơ bản của dân tộc để chuyển sang một thế lực nước ngoài dưới hình thức chiến binh khủng bố.

Chính phủ Đức cho biết việc thay đổi luật công dân này sẽ chỉ áp dụng đối với người trưởng thành mang quốc tịch thứ hai. Những người trong độ tuổi vị thành niên sẽ không bị ảnh hưởng. Đạo luật mới cũng sẽ không có hiệu lực hồi tố để tránh vi phạm luật "án lệ" của Đức.

[Đức cho phép công dân Anh ở lại nếu Brexit không thỏa thuận]

Bộ Nội vụ Đức ước tính, kể từ năm 2013 đến nay, đã có khoảng hơn 1.000 người Đức ra nước ngoài tham gia các nhóm khủng bố thánh chiến ở Syria và Iraq. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 1/3 trong số này trở về Đức và một vài người đã bị truy tố hoặc đưa vào các trung tâm cải tạo.

Nội các Đức sửa đổi luật công dân sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đề nghị các quốc gia châu Âu, trong đó có Anh, Pháp và Đức, tiếp nhận và xét xử hơn 800 tay súng tham gia tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng, vốn là công dân của những nước này và bị quân đội Mỹ bắt giữ tại Syria.

Đề nghị này đã gây ra một cuộc tranh luận "gay gắt" ở châu Âu về việc phải làm gì và xử lý thế nào đối với các tay súng khủng bố từ nước ngoài trở về./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục