Đức ủng hộ ý tưởng thành lập quân đội chung của châu Âu

Ngày 9/3, Thủ tướng và Ngoại trưởng của Đức cùng bày tỏ ủng hộ ý tưởng của Chủ tịch EC về thành lập quân đội chung của châu Âu.
Đức ủng hộ ý tưởng thành lập quân đội chung của châu Âu ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AP)

Ngày 9/3, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cùng bày tỏ ủng hộ ý tưởng của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker về thành lập quân đội chung của châu Âu.

Tuy nhiên theo các nhà phân tích, ý tưởng này khó có thể trở thành hiện thực.

Phó phát ngôn viên Chính phủ Đức Christiane Wirtz cho biết về cơ bản, việc hợp tác quân sự sâu rộng ở châu Âu là điều rất tốt và nên làm nhằm giúp đối phó các thách thức toàn cầu trong chính sách an ninh của châu Âu khi cần có một câu trả lời chung của khối.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Steinmeier cảnh báo về những mối nguy hiểm và đe dọa mới đối với trật tự hòa bình châu Âu, đòi hỏi phải có "sự phù hợp nhanh chóng" trong chiến lược an ninh.

Theo bà Wirtz, ý tưởng thành lập quân đội chung châu Âu không thể thực hiện một sớm một chiều. Bà cho rằng ý tưởng đó có thể được đưa ra thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh EU vào tháng Sáu tới.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen cũng cho rằng dự án này là một "mục tiêu dài hơi."

Phát biểu với báo chí Đức, ông Juncker cho rằng việc thành lập quân đội chung của châu Âu sẽ gửi thông điệp tới Nga rằng "Liên minh châu Âu (EU) nghiêm túc với việc bảo vệ các giá trị của mình."

Ý tưởng này sẽ được EU tiếp tục thảo luận, bởi đây là điều khá bất ngờ, trong khi một số nước như Anh phản đối ý tưởng này.

Đề xuất của ông Juncker không phải là điều mới lạ, bởi từ những năm 1950, Đức, Pháp, Italy và các nước thuộc Liên minh hải quan Benelux đã muốn thành lập Cộng đồng Quốc phòng châu Âu để phản ứng với cuộc Chiến tranh Thế giới Thứ hai. Tuy nhiên, ý tưởng hồi đó đã đổ vỡ do không vượt qua được rào cản tại Quốc hội Pháp.

Từ đó tới nay, kế hoạch này còn được nhiều lần nhắc lại. Gần đây nhất, năm 2004, EU đã quyết định thành lập một lực lượng quân sự luân chuyển giữa các nước thành viên để sẵn sàng triển khai can thiệp vào các khu vực khủng hoảng, song thực tế lực lượng này chưa bao giờ được triển khai./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục