Sử dụng bằng giả để tiến thân: Chu trình “sinh sôi nảy nở” của tham nhũng

banggiacov-1582701503-65.png

Lời tòa soạn

 

Năm 2020 là một dấu mốc quan trọng khi diễn ra Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2010-2025, là đợt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Một trong hai nhiệm vụ quan trọng nhất của Đại hội Đảng là công tác nhân sự. Nhân sự các cấp ủy Đảng cũng gắn chặt chẽ với công tác chuẩn bị nhân sự các cơ quan Nhà nước ở các cấp nhiệm kỳ 2021-2016 và nhân sự lãnh đạo đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV của tỉnh, thành phố. Theo đó, việc làm tốt công tác nhân sự có vai trò chiến lược, quyết định cho sự ổn định và phát triển, sự sống còn của Đảng, của đất nước trong giai đoạn tới.

Vì vậy, trong bài viết quan trọng “Chuẩn bị và tổ chức thật tốt Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng,” ngày 12/6/2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu Đảng bộ các cấp “làm tốt hơn nữa công tác cán bộ và tích cực, chủ động chuẩn bị nhân sự cấp ủy, bảo đảm cho sự thành công của đại hội.”

Trong bài viết này, Tổng Bí thư đã nhắc lại lời dạy của Bác Hồ: “Cán bộ là gốc của mọi việc,” “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém” đồng thời khẳng định “Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy các cấp đã dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác cán bộ, coi đây  là khâu ‘then chốt’ của nhiệm vụ ‘then chốt’.”

Tổng Bí thư nhấn mạnh công tác nhân sự phải thật sự đúng người, đúng việc, coi trọng cả đức và tài, trong đó đức là gốc, kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người có tham vọng quyền lực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa,” quan liêu, tham nhũng; bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói không đi đôi với làm…

Để có thể lựa chọn tốt nhân sự, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu phải “rà soát kỹ, bổ sung đầy đủ thông tin, nắm chắc cán bộ.” Đây cũng là bài học được rút ra từ thực tiễn khi trong thời gian qua đã có hàng loạt vụ việc sai phạm trong bố trí nhân sự do không nắm rõ thông tin về cán bộ bổ nhiệm bị phanh phui.

Tiêu biểu có thể kể đến như thời gian vừa qua, dư luận cả nước đã rúng động về trường hợp bà Trần Thị Ngọc Ái Sa, Trưởng phòng Hành chính-Quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, sử dụng văn bằng giả, tên giả trong suốt 20 năm.

Bà Sa tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo, từng là một nhân viên làm nghề cắt tóc và gội đầu tại thành phố Buôn Mê Thuột với trình độ chưa tốt nghiệp cấp 2. Để tồn tại được trong bộ máy công quyền, bà Thảo đã dùng tên và bằng tốt nghiệp cấp 3 của chị gái là Trần Thị Ngọc Ái Sa, sau đó học liên thông đại học và hiện nay đã là thạc sỹ, từng bước thăng tiến trên con đường quan lộ. Bà Thảo ngoài là Trưởng phòng Hành chính-quản trị văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk còn nằm trong danh sách Ban chấp hành đảng bộ Tỉnh ủy.

Trong 20 năm, với rất nhiều lần thăng tiến, nhiều lần thẩm định hồ sơ nhưng sai phạm của bà Thảo không bị phát hiện, cho đến tận tháng 10/2019, khi có đơn thư tố cáo, sự việc mới bị phanh phui.

Trường hợp của bà Ái Sa không phải là cá biệt. Gần đây nhất, qua điều tra, công an đã phát hiện khoảng 600-700 người đã được cấp văn bằng 2 theo kiểu ‘đi mua’ tại Đại học Đông Đô, trong đó có nhiều người là cán bộ, công chức nhà nước. Ngay đến cán bộ điều tra cũng phải “choáng” vì không thể ngờ việc mua bằng tiếng Anh lại dễ và nhanh như thế, một số sinh viên thậm chí chỉ đóng tiền và có mặt trong 1-2 ngày là được cấp bằng.

Đến lúc này, dư luận cả nước mới ngỡ ngàng về mức độ nghiêm trọng của vấn nạn bằng giả, hay bằng thật nhưng chất lượng giả trong một bộ phận cán bộ, công chức cũng như về sự tha hóa của một số nhà giáo đã biến trường học thay vì đào tạo nhân tài cho đất nước lại trở thành nơi in bằng giả để kiếm tiền, là nơi lợi dụng chức vụ quyền hạn để tham nhũng. Vụ án Út trọc Đinh Ngọc Hệ là điển hình cho thấy những hệ lụy khôn lường từ việc cất nhắc cán bộ có sử dụng bằng giả.

Chính những tấm bằng giả hay bằng thật-chất lượng giả được cấp cho một số cán bộ công chức như bà Ngọc Thảo (Ái Sa), Út trọc Định Ngọc Hệ lại là “bảo bối” giúp họ tiến thân trên nấc thang danh vọng và từ đó, tiếp tục tham nhũng vật chất và quyền lực.

Một vòng “sinh sôi nảy nở” của tham nhũng bắt đầu từ những chiếc bằng giả, hay bằng thật-chất lượng giả đã làm hỏng bộ máy giáo dục, làm hỏng một bộ phận cán bộ khi tiền bạc và quyền lực thay thế cho kiến thức, cho khả năng và cho trình độ. Cái giá mà đất nước phải trả khi “tham nhũng mẹ đẻ tham nhũng con” không chỉ là niềm tin của người dân hôm nay mà còn là niềm tin vào tương lai của đất nước.

Báo Điện tử VietnamPlus xin giới thiệu độc giả loạt bài phản ánh về thực trạng đáng buồn này và ý kiến của các chuyên gia trong ngành giáo dục xung quanh việc trả lời câu hỏi: Làm thế nào để chặn chu trình “sinh sôi nảy nở” của tham nhũng từ những chiếc bằng giả?

Bài 1: Bằng giả

Thị trường sôi động nhờ giới công chức?

Chị Th., cán bộ của một cơ quan Nhà nước chuẩn bị thi nâng ngạch từ chuyên viên hạng III lên hạng II. Với thâm niên 15 năm trong nghề, chị có nhiều kinh nghiệm và là một cán bộ “cứng” trong lĩnh vực mình theo dõi nhưng theo quy định mới, để đủ điều kiện thi nâng ngạch, chị phải có bằng tiếng Anh B2.

“Cực chẳng đã,” chị Th. search Google tìm địa chỉ mua bằng để đủ điều kiện dự thi. Với từ khóa “mua chứng chỉ tiếng Anh,” chưa đầy 1 giây, chị Th. tìm được hơn 91.000 kết quả, trong đó có tới hàng chục trang quảng cáo các loại văn bằng giá rẻ phôi gốc thật chuẩn 100% với mức giá 3-4 triệu đồng/chiếc, tùy loại.

Nhộn nhịp thị trường bằng giả

Trái ngược với thời gian học thật, phải ít nhất từ 4-5 năm mới có thể sở hữu được một tấm bằng thì việc “cấp bằng trên mạng” diễn ra nhanh gọn, chỉ cần tin nhắn báo họ, tên, ngày tháng năm sinh, nơi sinh, năm tốt nghiệp, xếp loại, số điện thoại và địa chỉ nhận, hai ngày sau, người mua có thể sở hữu một tấm bằng đại học trong tay.

Trong vai một người cần mua chứng chỉ tiếng Anh cấp tốc, theo một số điện thoại quảng cáo trên web, phóng viên báo VietnamPlus liên hệ với L.M.

Hàng loạt trang quảng cáo làm chứng chỉ giá rẻ.
Hàng loạt trang quảng cáo làm chứng chỉ giá rẻ.

M. tự tin giới thiệu là người chuyên cung cấp bằng giả có uy tín tại Thành phố Hồ Chí Minh và khẳng định chỉ cần báo thông tin cá nhân cụ thể, trong vòng 2 ngày, anh ta sẽ cung cấp chứng chỉ phôi gốc thật chuẩn 100%, mộc đóng và mộc nổi giáp lai giống thật 100%. Khi làm xong, giao bằng, M. mới nhận tiền mà không cần đặt cọc.

Tuy nhiên, do M. ở Thành phố Hồ Chí Minh nên M. yêu cầu gửi mẫu bằng ngoài Hà Nội vào để làm cho chuẩn.

Lấy cớ khá rắc rối, chúng tôi cám ơn và hẹn M. dịp khác.

Khác với M., H.P, một tay chuyên cung cấp bằng giả ở Hà Nội lại tỏ ra khá rành các loại bằng, chứng chỉ từ trong Nam ra ngoài Bắc. Trang web và zalo của P. liên tục cập nhật các mẫu bằng cấp, chứng chỉ với slogan “uy tín-chất lượng-giá rẻ-bảo mật.”

P. cam kết “bao soi,” “bao công chứng” đối với các loại văn bằng, chứng chỉ do anh ta cung cấp. Thậm chí, có thể mượn bằng thật ra so sánh, nếu bằng giả không giống sẽ không lấy tiền.

Thấy phóng viên vẫn còn phân vân, P. trấn an: “Em yên tâm, phôi từ chính trường đại học ra, với lại chứng chỉ không ai kiểm tra đâu mà em lo!”

Với chứng chỉ tiếng Anh B1, P. phát giá 2 triệu đồng, còn các loại văn bằng giả cấp đại học và cao đẳng từ 3,5-4 triệu đồng, bằng trung cấp 3 triệu đồng, bằng trung học phổ thông 2,5 triệu đồng

Với chứng chỉ tiếng Anh B1, P. phát giá 2 triệu đồng, còn các loại văn bằng giả cấp đại học và cao đẳng từ 3,5-4 triệu đồng, bằng trung cấp 3 triệu đồng, bằng trung học phổ thông 2,5 triệu đồng. Trường hợp muốn lấy nhanh trong ngày giá sẽ cao hơn. P. cam kết các loại bằng này đều là phôi gốc thật, mộc nổi và giáp lai giống thật, tem 7 màu 6 cánh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khi nào giao bằng mới nhận tiền và có thể mang bằng thật theo để đối chiếu xem có giống thật không rồi mới nhận bằng và trả tiền.

Đó chỉ là hai trường hợp mà chúng tôi liên hệ để tìm hiểu trong số hơn 91.000 kết quả do “giáo sư Google” làm cầu nối. Không thể phủ nhận, thời gian qua, cơ quan công an đã triệt phá và gỡ bỏ rất nhiều trang web chuyên cung cấp bằng giả đủ loại. Những trang http://lambangchuan24-7.com, https://lambanggiasoc.com, https://lambanggiatot.com… đã bị gỡ bỏ, nhưng vẫn còn đó rất nhiều trang khác tương tự như lambangchuan, lambangcapviet, lambangnhanhpro… vẫn còn ngang nhiên quảng cáo: “Bằng giống thật 100%, bao công chứng nên các bạn không bao giờ lo rằng tấm bằng giả của mình liệu có bị phát hiện được hay không nhé” kèm theo số điện thoại liên hệ hay đơn giản hơn là kèm chatbox, chỉ cần một cú kích chuột là người mua sẽ được tư vấn từ A-Z tận tình, kỹ lưỡng.

“Bằng lậu” cạnh tranh với “bằng giả”

Có một thực tế “cười ra nước mắt” là bằng giả – một “sản phẩm” được mua bán công khai trên thị trường phi giáo dục lại không phải “một mình một chợ” và vẫn phải chịu áp lực cạnh tranh gay gắt từ những chiếc “bằng lậu,” vốn được cấp ra bởi những cơ sở giáo dục chính thống.

Nghe thì có vẻ lạ kỳ, bởi lâu nay chỉ có “hàng lậu” chứ có “bằng lậu” bao giờ! Nhưng sau vụ Trường Đại học Đông Đô bị cơ quan công an phát hiện và khởi tố, bắt giam Chủ tịch Hội đồng quản trị cùng 3 thành viên ban Giám hiệu vì đã “đào tạo và cấp chui” văn bằng hai mới thấy: chẳng có gì là không thể!

Tháng 8/2019, cơ quan công an phát hiện cả bộ máy lãnh đạo Trường Đại học Đông Đô đã đồng tình cấu kết để thực hiện mua bán văn bằng hai đại học. Kết quả điều tra xác định có khoảng 600-700 người đã được cấp văn bằng hai theo kiểu “đi mua” tại Đại học Đông Đô. Ngoài số bằng đã cấp, còn có 3.800 học viên đã và đang theo học văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh tại Đại học Đông Đô.

Trớ trêu là hơn 4.000 bằng 2 đã cấp và sắp được cấp (nếu không bị công an phát hiện) nói trên đều là “bằng lậu” vì Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa cho phép trường Đại học Đông Đô đào tạo hệ văn bằng 2. Và không chỉ ở chuyên ngành tiếng Anh, trường Đại học Đông Đô còn “đào tạo chui” tới 17 mã ngành!

Những sai phạm tương tự như Trường Đại học Đông Đô không phải là cá biệt. Theo kết quả của thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Chu Văn An cũng đã “đào tạo và cấp bằng chui” văn bằng hai. Riêng trong năm 2018, có 2 đại học vùng, 50 trường đại học, học viện báo cáo có hoạt động liên kết đào tạo hoặc đào tạo ngoài trụ sở chính mà không có hoặc không có đủ văn bản cho phép của cơ quan có thẩm quyền; một số trường có nhiều lớp liên kết đào tạo, dù chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép.

Không chỉ dừng lại ở hệ đại học văn bằng hai, việc đào tạo và cấp bằng dễ dãi, không đúng quy định còn diễn ra ở những bậc học cao như thạc sỹ, tiến sỹ. Năm 2017, Học viện Khoa học Xã hội gây sốt dư luận với biệt danh “lò đào tạo tiến sỹ” khi “sản xuất” 350 tiến sỹ mỗi năm.

Thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong đào tạo tiến sỹ tại đây như phân công hướng dẫn không đúng chuyên ngành, tiến sỹ Kinh tế nhưng được phân công hướng dẫn nghiên cứu sinh ngành Quản lý giáo dục, tiến sỹ ngành Nhân học hướng dẫn nghiên cứu sinh ngành Dân tộc học. Chương trình đào tạo trình độ tiến sỹ của Học viện cũng không đảm bảo khối lượng kiến thức tối thiểu, bớt xén chỉ còn 16 tín chỉ trong khi quy định là từ 90-120 tín chỉ. Có hiện tượng tẩy xóa, sửa chữa trên sổ cấp phát văn bằng…

Tháng 1/2018, ngành giáo dục gây “bão” với những “lùm xùm” trong xét danh hiệu giáo sư, phó giáo sư khi công bố số ứng viên đủ điều kiện xét danh hiệu năm 2017 lên tới 1.226 người, tăng 60% so với năm 2016 và là con số kỷ lục trong lịch sử. Chính phủ đã phải yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát. Kết quả rà soát cho thấy có 41 ứng viên chưa đủ tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư. Sai sót này do một số ứng viên kê khai hồ sơ thiếu chuẩn xác, thiếu minh chứng cụ thể; một số cơ sở giáo dục đại học xác nhận thông tin do ứng viên kê khai chưa chặt chẽ; một số hội đồng chức danh giáo sư cơ sở, hội đồng chức danh giáo sư ngành/liên ngành thẩm định hồ sơ ứng viên chưa kỹ càng. Một số trường đại học, viện và học viện đã xác nhận không chuẩn xác về giờ giảng cho các ứng viên để xét giáo sư, phó giáo sư.

Đáng chú ý, trong thời gian qua còn có những vụ dùng bằng tiến sỹ do các trường nước ngoài cấp qua các khóa học cấp tốc, không được công nhận. Điển hình như vụ bằng tiến sỹ của cựu Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh.

Việc mua bán bằng giả, “bằng lậu” ngày càng trở nên sôi động và tinh vi ở cả các loại học hàm, học vị, từ thấp đến cao

Ông Xuân Anh đã được cấp bằng tiến sỹ tại trường California Southern University (Mỹ), một trường chỉ chuyên đào tạo và cấp bằng cho các chương trình đào tạo online, không có chứng nhận kiểm định chất lượng, dù đã được cấp giấy phép từ năm 1978. Đối chiếu quy định chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo về công nhận văn bằng, những bằng được cấp từ những trường chưa được kiểm định chất lượng sẽ không được công nhận tại Việt Nam. Ngay cả tại Mỹ, bằng cấp của một cơ sở giáo dục đại học không có chứng chỉ kiểm định cũng bị coi là vô giá trị.

Điểm qua các vụ việc để thấy việc mua bán bằng giả, “bằng lậu” ngày càng trở nên sôi động và tinh vi ở cả các loại học hàm, học vị, từ thấp đến cao, không chỉ giới hạn trong lãnh thổ Việt Nam mà còn “vươn vòi” ra thị trường quốc tế.

Các chủ thể mua-bán trên thị trường này ngày càng trở nên đa dạng, người bán không còn chỉ là những kẻ vô công rỗi nghề chuyên sản xuất hàng giả kiếm sống mà còn là những thầy giáo đáng kính ngày ngày đứng trên bục giảng; người mua không chỉ là những đứa trẻ mới chập chững vào đời cần một chứng chỉ để làm đẹp hồ sơ xin việc mà “chủ yếu là cán bộ công chức nhà nước để phục vụ đầu ra nghiên cứu sinh, học thạc sỹ, tiến sỹ hoặc thăng hạng, chuyên viên chính, nâng lương, thăng chức,” như một cán bộ điều tra vụ Trường Đại học Đông Đô cho biết.

Điều gì khiến thị trường này trở nên sôi động và vẫn diễn ra khi thì công khai, lúc rút vào bí mật, bất chấp sự điều tra, dẹp bỏ gắt gao từ các ngành chức năng? Điều gì khiến cho nhiều người sẵn sàng bỏ một số tiền lớn, vài triệu, thậm chí vài trăm triệu đồng để sở hữu một tấm bằng giả; khiến người mua và kẻ bán liều lĩnh bất chấp mọi nguy hiểm, thiệt hại có thể đến khi bị các ngành chức năng phát hiện?

Câu trả lời chỉ có thể là: nguồn lợi từ những chiếc bằng giả, “bằng lậu” quá lớn đã khiến họ mờ mắt!

Bài 2: Nhận diện tham nhũng từ những tấm bằng giả

Cuối tháng 4/2019, lực lượng chức năng đã triệt phá đường dây làm bằng, chứng chỉ giả cực lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh, thu tới hơn 1 tấn phôi bằng, chứng chỉ các loại và 1.200 con dấu giả của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên cả nước cùng nhiều máy móc, vật dụng phục vụ việc sản xuất bằng, chứng chỉ giả.

Theo Lê Văn Hoàng – kẻ cầm đầu đường dây làm giả giấy tờ này, với mỗi chiếc bằng giả, đối tượng này thu về từ 3-5 triệu đồng. Chỉ trong khoảng một năm, hàng nghìn bằng các loại đã được đường dây của Hoàng sản xuất, vận chuyển đến nhiều tỉnh, thành trên cả nước, thu về hàng tỷ đồng.

Đó chỉ là một vụ triệt phá đường dây làm bằng, chứng chỉ giả trong hàng chục vụ mà cơ quan công an xử lý mỗi năm trên thị trường tự do. Mức lợi nhuận vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng đã khiến các đối tượng này bất chấp các mức phạt, thậm chí phải ngồi tù nhiều năm để thu lợi bất chính.

Tuy nhiên, con số này không “nhằm nhò” gì so với “lợi nhuận khủng” từ việc cấp bằng thật nhưng học giả tại các trường đại học hay việc nâng điểm tại một số sở giáo dục – nơi chấm bài thi Trung học Phổ thông Quốc gia.

Nếu trên thị trường tự do chỉ là những đường dây đơn lẻ thu lợi bất chính thì đây lại là cả một tập thể cấu kết để nâng điểm hoặc đào tạo giả, cấp bằng, chia chác những đồng tiền tham nhũng; rồi nhờ những chiếc bằng đó, nhiều bộ hồ sơ đã được phê duyệt để nâng lương, cất nhắc lên vị trí cao hơn, tiền của Nhà nước lại bị “rút ruột” chảy vào túi những người sử dụng bằng giả.

Thầy bán bằng, quan chức nâng điểm, thu tiền tỷ

Năm 2018, dư luận cả nước choáng váng khi cơ quan công an công bố có tới 347 bài thi Trung học Phổ thông Quốc gia của 222 thí sinh ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình đã được các quan chức tác động và sửa điểm.

Đây là vụ gian lận nghiêm trọng nhất từ xưa đến nay, sau nhiều năm Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức các kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia. Thí sinh được nâng điểm nhiều nhất lên tới 26,55 điểm/3 môn, có bài thi môn Toán chỉ đạt điểm 1 nhưng được nâng lên thành điểm 9!

Trong quá trình điều tra, 31 cán bộ ngành giáo dục và phụ huynh thí sinh bị bắt tạm giam và khởi tố (Hà Giang: 5, Sơn La: 11 và Hòa Bình: 15). Hầu hết các bị can đều là trưởng–phó phòng Phòng Khảo thí-Quản lý chất lượng giáo dục và Phòng An ninh chính trị nội bộ; nguyên phó giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo các tỉnh Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình.

Các bị cáo trong vụ gian lận điểm thi THPT Quốc gia 2018. (Ảnh Nguyễn Chiến/TTXVN)
Các bị cáo trong vụ gian lận điểm thi THPT Quốc gia 2018. (Ảnh Nguyễn Chiến/TTXVN)

Các bị can trong vụ án trên đều bị khởi tố và xét xử với tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ,” một số bị can có thêm tội danh đưa hối lộ và nhận hối lộ.

Trong quá trình điều tra, một số quan chức đã khai để rút bài sửa nâng điểm 3 môn đạt đến mức tổng điểm yêu cầu trong tổ hợp xét tuyển đại học, trung bình mỗi trường hợp họ nhận khoảng 500 triệu đồng.

Đơn cử như ở tỉnh Sơn La, bị can Lò Văn Huynh, nguyên Trưởng phòng Khảo thí và Quảng lý, Sở Giáo dục và Đào tạo đã đút túi 1 tỷ đồng để nâng điểm cho 2 thí sinh; bị can Cẩm Thị Bun Sọn (nguyên Phó trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Công an tỉnh Sơn La) nhận 440 triệu đồng để sửa điểm cho 1 thí sinh; nguyên chuyên viên Phòng khảo thí và quản lý chất lượng Nguyễn Thị Hồng Nga nhận của gia đình 4 thí sinh 1,04 tỷ đồng. Nhưng khoản tiền tỷ mà các bị can nói trên thu được từ việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để làm việc phi pháp vẫn chưa thấm vào đâu so với vụ Trường Đại học Đông Đô đào tạo giả, cấp bằng thật được cơ quan điều tra phát giác vào giữa năm 2019. Tổng số tiền trường này thu được từ việc “cấp bằng chui,” “đào tạo chui” tới hơn 100 tỷ đồng!

Tham nhũng trong ngành giáo dục không còn là cá biệt mà đã mang tính hệ thống, không chỉ còn là một trường ở một địa phương mà đã lan thành nhiều trường, nhiều địa phương  

Từ vụ việc trường Đại học Đông Đô, Bộ Giáo dục và Đào tạo còn thanh tra và phát giác ra những sai phạm tương tự ở các trường đại học như Nông lâm Thái Nguyên, Đại học Chu Văn An, Đại học Công nghiệp Hà Nội, Kinh tế Quốc dân… Sự việc đã khiến Bộ Giáo dục và Đào tạo phải ra văn bản dừng đào tạo các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học ở 48 cơ sở.

Các vụ án nói trên cho thấy tham nhũng trong ngành giáo dục không còn là cá biệt mà đã mang tính hệ thống, không chỉ còn là một trường ở một địa phương mà đã lan thành nhiều trường, nhiều địa phương cùng sai phạm giống nhau.

Điều đó cũng cho thấy mức độ tham nhũng trong hệ thống giáo dục ngày càng trở nên trắng trợn, tinh vi với nhiều biến tướng, sắc thái mới, số tiền mà các đối tượng lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để tham nhũng nói chung hay từ tệ mua-bán bằng cấp nói riêng ngày càng lớn.

Quan chức “thò tay” vào điểm thi: Tham nhũng quyền lực lộ diện

Trước tham nhũng trong hệ thống giáo dục thường được nhận diện bởi việc sai phạm trong mua sắm thiết bị giáo dục và xây dựng trường; trong việc lạm thu; cất nhắc giáo viên đứng lớp, nơi này nơi kia biếu xén để xin vào trường điểm, lớp chọn … nghĩa là nó chỉ gói gọn trong khuôn viên trường học, đơn lẻ từng trường và thường là những tham nhũng vật chất.

Nhưng các vụ án nói trên ngoài việc phô bày bộ mặt tham nhũng vật chất, còn vạch trần bộ mặt tham nhũng quyền lực, có tổ chức trong ngành giáo dục vốn hiếm khi lộ diện. Vụ án nâng điểm tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình khiến dư luận cả nước bàng hoàng khi kết quả xét xử được công bố vào giữa năm 2019 cho thấy hàng loạt quan chức, lãnh đạo cấp tỉnh “thò tay” vào vụ việc.

Bị cáo Nguyễn Thanh Hoài, nguyên Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang, người chủ mưu trong vụ án gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018. (Ảnh Nguyễn Chiến/TTXVN)
Bị cáo Nguyễn Thanh Hoài, nguyên Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang, người chủ mưu trong vụ án gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018. (Ảnh Nguyễn Chiến/TTXVN)

Tại Hà Giang nơi có 114 thí sinh với 330 bài thi được nâng điểm, một loạt các quan chức địa phương đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tác động nhờ nâng điểm thi cho con, cháu mình. Trong danh sách cán bộ nhờ nâng điểm được hội đồng xét xử đưa ra có thể kể tới bà Nguyễn Thị Nga, cán bộ Sở Tài chính, vợ Chủ tịch tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn; Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Trần Đức Quý, Trưởng ban chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tỉnh Hà Giang; Phó chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Chúng Thị Chiên; em gái của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh, bà Triệu Lệ Giang, Phó trưởng phòng Kinh tế đối ngoại–Sở Kế hoạch Đầu tư; nguyên các Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang Triệu Thị Chính và Phạm Văn Khuông; nguyên Phó đội trưởng thuộc Phòng Bảo vệ Chính trị nội bộ (Công an tỉnh Hà Giang) Lê Thị Dung.

Kết quả điều tra cũng cho thấy vụ án được chủ mưu bởi Nguyễn Thanh Hoài, nguyên Trưởng phòng Khảo thí, được thực hiện bởi Vũ Trọng Lương, nguyên Phó phòng Khảo thí, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang. Thậm chí còn có sự “nhúng tay” của Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang, Trưởng ban chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý.

Tại tỉnh Sơn La, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lê Trọng Bình cho biết ông chỉ “nhờ xem điểm” cho con nhưng cả con và cháu ông đều được nâng điểm. Tương tự, em gái ông Triệu Tài Vinh (nguyên Bí thư tỉnh Hà Giang) chỉ “đánh tiếng”, quan chức Sở Giáo dục Đào tạo Hà Giang tự khắc nâng điểm thi cho con ông!

Nhìn vào những phụ huynh có con, cháu được nhờ nâng điểm, xem điểm nói trên thì thấy toàn là những lãnh đạo cao cấp tại Hà Giang, Sơn La (thời điểm năm 2018). Các trường đại học mà những quan chức này nhắm tới cho con, cháu mình toàn là những trường tốp 1 với các ngành học “hot” như: Học viện An ninh, Học viện Cảnh sát, Học viện Kỹ thuật quân sự, Học viện Quân y, Đại học Y Hà Nội, Đại học Ngoại thương, Đại học Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân và Đại học Điện lực.

Sử dụng quyền lực, uy tín để sắp đặt con em, người quen biết không đủ năng lực vào những vị trí quan trọng là một dạng tham nhũng quyền lực đang diễn ra phổ biến trong thời gian gần đây.

Bằng cấp giả: Giấy thông hành bước lên nấc thang danh vọng

Điều gì sẽ xảy ra nếu các vụ mua-bán bằng giả, bằng thật-chất lượng giả, các vụ nâng điểm thi Trung học phổ thông Quốc gia không bị cơ quan công an phát hiện và triệt phá? Câu hỏi này rất dễ trả lời.

Hiển nhiên những người bỏ ra từ vài triệu đồng đến cả tỷ đồng mua chứng chỉ tiếng Anh, tin học, hay bằng đại học, bằng tiến sỹ, giáo sư không phải để mang về treo tường khoe mẽ. “Miệng nhà quan” không phát lệnh đưa con, cháu mình vào trường đại học để chơi hay tìm người trông nom cho những đứa trẻ lớn. Cái họ cần là những tấm bằng giả, “bằng lậu” để tiến thân trong cuộc sống!

Trong hệ thống công chức, viên chức, bằng cấp là một thứ không thể thiếu được. Nó là một tiêu chuẩn để xét chọn, ưu tiên.

Khi xét duyệt vào một cơ quan hay khi cất nhắc công chức, viên chức lên một vị trí cao hơn, các ứng cử viên đều có sức khỏe, nhân thân tốt, đều hoàn thành tốt xuất sắc nhiệm vụ… thì người nào có bằng cấp cao hơn sẽ có ưu thế hơn. Chính vì thế mà người ta chạy, mua bằng cấp đủ kiểu để có tiêu chí hơn người hòng chiến thắng trong cuộc chạy đua chức-quyền. Và một khi đã vào hệ thống rồi, được lựa chọn vào vị trí rồi thì rất dễ thu được nhiều lợi ích nên người ta tìm mọi cách để kiếm ghế và giữ ghế.

Các bằng cấp giả này là tiền đề để nhiều cán bộ công chức, viên chức học lên các bậc học cao hơn nhằm củng cố vị trí và từng bước leo cao trên con đường quan lộ. Trường hợp bà Trần Thị Ngọc Ái Sa, Trường phòng Hành chính-Quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, sử dụng văn bằng giả, tên giả bị phát giác vào tháng 10 năm 2019 là trường hợp điển hình.

Bà Sa tên thật là Trần Thị Ngọc Thêm (còn gọi là Ngọc Thảo) với trình độ tốt nghiệp cấp 2 đã dùng tên và bằng tốt nghiệp trung học phổ thông của chị gái là Trần Thị Ngọc Ái Sa để học trung cấp kế toán rồi liên thông lên đại học và học thạc sỹ. Không phải ngẫu nhiên mà bà Thêm lại chịu khó học hành như thế, những tấm bằng này là giấy thông hành để bà bước chân vào Tỉnh ủy Đắk Lắk và từng bước thăng tiến trên đường quan lộ.

Bằng giả là tiền đề để nhiều cán bộ công chức, viên chức học lên các bậc học cao hơn nhằm củng cố vị trí

Trường hợp “con voi chui lọt lỗ kim” của bà Trần Thị Ngọc Thêm không phải là cá biệt. Chỉ với 2,5 triệu đồng, tấm bằng đại học Kinh tế quốc dân rởm đã giúp “Út trọc” Đinh Ngọc Hệ bước chân vào một công ty thuộc Bộ Quốc phòng rồi từng bước tiến lên hàm Thượng tá, giữ chức Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng. Cũng dùng bằng giả của Đại học Kinh tế Quốc dân, ông Nguyễn Trọng Điều “leo” lên vị trí Phó chánh thanh tra tỉnh Hải Dương. Ông Nguyễn Xuân Anh dùng bằng tiến sỹ “siêu tốc” của một trường đại học chất lượng kém đến mức không được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam thừa nhận để làm đẹp hồ sơ, “ngồi vào ghế” Bí thư Đà Nẵng.

Đó là việc gian lận bằng cấp của các quan chức cấp cao, tại vị trí cán bộ thấp hơn việc gian lận này còn trở nên dễ dàng và phổ biến hơn nhiều. Chỉ riêng trong năm 2019 đã có hàng chục cán bộ cấp xã, huyện tại các tỉnh Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Quảng Trị, Đồng Nai và Đắk Nông bị kỷ luật vì dùng bằng giả. Chỉ riêng tỉnh Đắk Nông, các ngành chức năng đã kỷ luật trên 30 cán bộ đã sử dụng bằng cấp giả.

Tất cả các cán bộ này đều cho biết sử dụng bằng cấp giả để vào biên chế, thăng tiến trong vị trí công tác. Do đó, bằng cấp đối với họ như là “bùa hộ mệnh,” giấy thông hành để bước lên nấc thang danh vọng và vì thế, họ phải sở hữu và bảo vệ nó bằng mọi giá.

Khi bị phát hiện sử dụng bằng giả, có người thậm chí sẵn sàng vi phạm pháp luật để lấp liếm, nhằm bảo vệ vị trí của mình, như trường hợp ông Phạm Văn Công, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Ea Pô, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông đã sử dụng con dấu giả, làm tới hai văn bản thể hiện kết quả xác minh lý lịch, nguồn gốc bằng tốt nghiệp của mình!

Chạy trường-chạy lớp-chạy điểm rồi đến chạy bằng-chạy chức-chạy quyền đã trở thành vấn nạn không chỉ của riêng ngành giáo dục mà còn là vấn nạn chung của toàn xã hội. Nó làm băng hoại đạo đức xã hội, nguy hiểm đến mức người ta mặc nhiên coi việc chạy chức, chạy quyền như một yếu tố bình thường trong cuộc sống. Và khi nhiều cá nhân không xứng đáng và không đủ phẩm chất nhưng lại chiếm giữ nhiều cương vị quan trọng trong bộ máy công quyền, họ tất yếu sẽ dùng quyền lực đó để thu lợi cho bản thân và mưu cầu quyền lực cao hơn.

Tham nhũng đang làm lũng đoạn xã hội, là nguyên nhân chính gây xói mòn lòng tin của nhân dân vào các giá trị xã hội, vào vai trò lãnh đạo Đảng và bộ máy Nhà nước, đưa lại những di hệ lụy khó lường.

Bài 3: Sử dụng văn bằng giả

Những hệ lụy khó lường

Việc sử dụng văn bằng giả để thăng tiến trong sự nghiệp của các cán bộ quan chức đã và đang dẫn đến những hệ lụy khó lường. Đó không chỉ là sự tham nhũng về vị trí công tác, chiếm chỗ của những người xứng đáng mà còn tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng kinh tế, nhũng nhiễu trong quản lý, là tiền đề cho sự tha hóa của con người, tập thể và đặc biệt là làm cản trở sự phát triển của đất nước, làm mất niềm tin của nhân dân.

Chức vụ càng cao, sức cản trở càng lớn

Theo ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cán bộ khi sử dụng bằng giả để tiến thân là đã lừa dối các cơ quan có chức năng nơi tuyển dụng, lừa dối Đảng, Nhà nước, làm cho công tác đánh giá cán bộ bị méo mó.

“Trước tiên, xét về mặt phẩm chất đạo đức anh không đủ tiêu chuẩn vì anh không trung thực. Thứ hai là anh đã chiếm chỗ và cản đường những người khác xứng đáng hơn, những người thực sự có đạo đức, có tâm, có tầm và có tài. Thứ ba, khi sử dụng bằng cấp giả, hoặc mua bằng thật thì có nghĩa anh không có kiến thức thực sự, vì thế không thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, từ đó cản trở sự phát triển,” ông Tiến nói.

Phân tích cụ thể hơn, phó giáo sư Trần Xuân Nhỉ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng sự yếu kém về tri thức của người dân thường chỉ hại bản thân họ nhưng người giả dối bằng cấp để ngồi vào bộ máy công quyền thì sự thiếu tri thức của cán bộ, quan chức sẽ ảnh hưởng rất lớn đến xã hội. “Bất cứ chức vụ nào cũng có quyền nhất định. Càng lên cao thì quyền càng lớn, phạm vi tác động càng rộng, một quyết định ảnh hưởng đến càng nhiều người. Người gian dối, không đủ năng lực thì sẽ quyết bậy. Vì thế, người thiếu năng lực ở vị trí càng cao thì mức nguy hại, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội càng lớn, càng cản trở sự phát triển của đất nước,” ông Nhĩ nói.

“Việc đầu tiên anh đã giả dối thì làm sao đảm bảo việc làm sau này không giả dối? Tham nhũng, lộng quyền sẽ đi theo. Từ tham nhũng về vị trí kích thích sự tham nhũng về lợi ích” (Nguyên đại biểu Quốc hội khóa 13 Bùi Thị An)

Đây cũng là nhận định của bà Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa 13. Theo bà An, cán bộ thăng tiến từ bằng cấp giả không chỉ làm nguy hại cho đất nước bằng sự thiếu năng lực mà còn bởi sự suy thoái đạo đức.

“Việc đầu tiên anh đã giả dối thì làm sao đảm bảo việc làm sau này không giả dối? Tham nhũng, lộng quyền sẽ đi theo. Từ tham nhũng về vị trí kích thích sự tham nhũng về lợi ích,” bà An phân tích.

Bà Bùi Thị An. 
Bà Bùi Thị An. 

Bà An dẫn minh chứng cụ thể như vụ Út trọc Đinh Ngọc Hệ. Sử dụng bằng giả của Đại học Kinh tế quốc dân, Đinh Ngọc Hệ từng bước leo cao trên con đường quan lộ, lên đến hàm Thượng tá, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng. Trong quá trình công tác, Hệ đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, tham ô hàng tỷ đồng. Hệ mượn danh Bộ Quốc phòng để được trúng thầu các dự án trọng điểm và làm giả hồ sơ giấy tờ để không bị phạt khi buôn bán xăng kém chất lượng, gây thiệt hại 1,4 tỷ đồng. Ngoài ra, Hệ còn sai phạm trong sử dụng xe biển xanh làm thất thoát 3,1 tỷ đồng, trốn thuế trong dự án đấu thầu và thu phí tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương.

Suy thoái giáo dục, giảm niềm tin của nhân dân

Theo Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Đại học FPT, gian lận vì lợi ích nếu không xử lý nghiêm sẽ lây lan rất nhanh, tác động theo hệ thống dây chuyền. Khi một cán bộ, quan chức có thể sử dụng văn bằng giả để tiến thân trót lọt thì những người khác cũng sẽ làm theo, hình thành thứ “văn hóa” gian lận văn bằng.

Khi nhu cầu về văn bằng giả tăng thì theo quy luật cung-cầu, sẽ có những nơi đáp ứng yêu cầu này. Chỉ cần gõ cụm từ “bán bằng đại học” trên google sẽ cho ra 216 triệu kết quả trong vòng 0,5 giây với các trang như banbangcaohcm.com, lambanggiare.top, lambangchuan24-7.com, lambangphoithat247.com… Việc mua bán các chứng chỉ tin học, ngoại ngữ… còn sôi động hơn nhiều.

Đây cũng là tiền đề kéo theo sự suy thoái, gian lận trong hệ thống giáo dục, nơi cung cấp văn bằng thật, là cơ hội để một số cán bộ trong ngành giáo dục tha hóa tìm cách trục lợi như các vụ tổ chức thi chứng chỉ tin học, ngoại ngữ sai quy định xảy ra ở các trường đại học trong thời gian qua. Cá biệt, có trường hợp tha hóa có tính hệ thống khi cả bộ máy lãnh đạo nhà trường đồng lòng gian lận như vụ mua bán văn bằng hai tại Đại học Đông Đô, trường Đại học Chu Văn An.

Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ cho rằng sự gian lận, suy thoái trong giáo dục là vô cùng nghiêm trọng khi đây là chiếc nôi để đào tạo không chỉ tri thức mà còn là nơi nuôi dưỡng, vun đắp phẩm chất đạo đức cho người học. Nếu người học nhận được bài học về sự gian lận, mua bán văn bằng ngay từ khi còn trên ghế nhà trường thì họ sẽ coi đó là việc bình thường và có thể sử dụng việc gian lận trong cuộc sống sau này. Những người thiếu trung thực, thiếu công tâm được giao trách nhiệm quản lý một đơn vị hay lãnh đạo một công tác đòi hỏi cao tính trung thực, sáng tạo thì làm sao tránh được đạo đức giả? Khi mà cấp trên (trong bộ máy công quyền) không đàng hoàng thì làm sao giáo dục được cấp dưới đàng hoàng?

Cũng theo ông Nhĩ, những vụ việc gian lận bằng cấp sẽ làm suy giảm niềm tin của xã hội vào công tác tuyển dụng cán bộ, vào bộ máy công quyền và vào cả hệ thống giáo dục. Khi mất niềm tin, rào cản cho sự phát triển sẽ càng lớn.

Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ cho rằng sự gian lận, suy thoái trong giáo dục là vô cùng nghiêm trọng. 
Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ cho rằng sự gian lận, suy thoái trong giáo dục là vô cùng nghiêm trọng. 

Tiêu biểu như trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 tháng 7/2019 vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng muốn đổi mới, giảm áp lực thi cử bằng việc miễn thi môn Ngoại ngữ cho những học sinh có chứng chỉ quốc tế. Tuy nhiên, thị trường mua bán chứng chỉ quốc tế lập tức trở nên sôi động đến mức học sinh học lực yếu tiếng Anh vẫn dễ dàng có trong tay các loại chứng chỉ này. Đà Nẵng đã buộc phải thông báo hủy bỏ quy định miễn thi ngoại ngữ khi kỳ thi đã cận kề, chấp nhận xin lỗi phụ huynh, học sinh toàn tỉnh. Sự đổi mới vừa manh nha đã lập tức bị dập tắt bởi nạn gian dối văn bằng.

Thế nhưng, hệ lụy từ việc mua bán, sử dụng bằng giả, “bằng lậu” không chỉ dừng lại ở địa phương này hay địa phương kia phát hiện tiêu cực nên tạm hoãn các cuộc đổi mới, làm chậm sự phát triển của địa phương. Sự việc gian dối điểm thi ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình; vụ trường Đại học Đông Đô “đào tạo và cấp bằng chui” hay vụ Út trọc Đinh Ngọc Hệ dù đã bị phát hiện sử dụng bằng giả nhưng vẫn được cất nhắc lên vị trí cao hơn, tạo điều kiện cho Hệ lợi dụng chức vụ, quyền hạn, tham ô hàng tỷ đồng… đã cho thấy hiện tượng tham nhũng mang tính tập thể, có sự cấu kết, đồng tình để tiến hành hành vi tham nhũng trên quy mô lớn hơn. Đó là gì nếu không phải là mầm mống tội phạm có tổ chức? Đó là gì nếu không phải là sự tha hóa cán bộ, tham nhũng quyền lực và vật chất có thể lan tràn trên diện rộng, nếu chúng ta không có biện pháp phòng, chống hữu hiệu?

Cái giá mà đất nước phải trả cho tham nhũng vật chất có thể tính được bằng tiền, nhưng giá để trả cho tham nhũng quyền lực bằng cách ban phát chức tước cho người nhà, cho các nhóm đặc quyền với những người không đủ năng lực, đạo đức và lý tưởng lại là những di hại lâu dài.

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII nhận định: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước… Những hạn chế, khuyết điểm đã làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.”

Niềm tin đó không chỉ ở hôm nay mà còn là niềm tin vào tương lai của đất nước mai sau!

Bài 4: Chặn dòng tham nhũng ‘đẻ’ tham nhũng

Hành trình thăng tiến của Út trọc Đinh Ngọc Hệ bắt đầu từ tấm bằng đại học kinh tế “rởm” đã cho thấy chu trình “sinh sôi nảy nở” của tham nhũng.

Năm 2000, Hệ bỏ ra 2,5 triệu đồng mua bằng để làm đẹp hồ sơ. Từ tấm bằng này, Hệ được bổ nhiệm, thăng tiến, nâng ngạch và nâng lương nhiều lần. Nhờ bằng giả, Hệ đã lên được tới chức Thượng tá trong khoảng thời gian từ 2003-2014.

Cựu thượng tá quân đội Đinh Ngọc Hệ bị bắt ngày 21/12/2017 trong vụ án kinh tế liên quan đến Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn và bị Tòa án quân sự Quân khu 7 tuyên án 12 năm về các tội: “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và hai năm tội “Sử dụng giấy tờ, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.”

Theo cáo trạng, Đinh Ngọc Hệ lợi dụng chức vụ Chủ tịch Công ty Thái Sơn để đề nghị cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cho mua ôtô rồi đăng ký biển số quân sự, biển xanh 80A để được miễn nhiều tỷ đồng thuế đăng ký trước bạ. Hệ sau đó chỉ đạo cấp dưới thế chấp, cho thuê, mượn xe cho cá nhân, tổ chức ngoài ngành sử dụng trái quy định, thu lợi bất chính.

Ngoài ra, Đinh Ngọc Hệ còn bị truy tố thêm tội danh: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” và đang chờ thời gian xét xử.

Có thể thấy tấm bằng giả là tiền đề để Hệ bước chân lên những nấc thang quyền lực. Khi đã có địa vị, Hệ nghiễm nhiêm hưởng thụ những đãi ngộ cao của tổ chức, xã hội và thu lợi bất chính từ những cơ hội do quyền lực tạo ra. Rồi từ chính đồng tiền tham nhũng, Hệ lại tìm cách “leo lên” những cương vị quyền lực cao hơn.

Từ chính đồng tiền tham nhũng, Đinh Ngọc Hệ lại tìm cách “leo lên” những cương vị quyền lực cao hơn

Theo chuyên gia Nguyễn Trần Bạt, tham nhũng quyền lực là yếu tố mở đầu để tham nhũng phát triển lên quy mô lớn hơn. Tham nhũng quyền lực là cơ cấu bảo trợ về chính trị cho tham nhũng vật chất, còn tham nhũng vật chất làm ô nhiễm đời sống tinh thần của toàn xã hội, tạo điều kiện cho tham nhũng tinh thần phát triển.

Để chặn dòng tham nhũng “đẻ” tham nhũng này, theo các chuyên gia, trước tiên phải đổi mới cơ chế tuyển dụng đồng thời siết chắt những quy định lỏng lẻo, xử phạt nghiêm minh các trường hợp cung cấp và sử dụng văn bằng giả, kém chất lượng.

Bằng cấp: cần nhưng chưa đủ

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, nguyên nhân của việc gian lận bằng cấp giả nhằm thăng tiến trong bộ máy nhà nước là do cách tuyển dụng, cất nhắc cán bộ hiện nay còn phụ thuộc quá nhiều vào hồ sơ, giấy tờ, các văn bằng mà chưa chú trọng đúng mức đến năng lực thực sự của ứng viên.

Cũng theo ông Tiến, bằng cấp là cần thiết trong bất kỳ hồ sơ tuyển dụng nào, không chỉ nước ta mà ở các nước khác. Nhưng ở nước ngoài, bằng cấp chỉ là yếu tố tham khảo. Ứng viên phải trải qua các cuộc phỏng vấn, được yêu cầu giải các bài toán gắn với các vấn đề đang gặp của tổ chức, doanh nghiệp. Việc tuyển dụng gắn thực tiễn vì kiến thức thực tiễn gấp trăm lần bằng cấp. Bằng cấp có thể mua được nhưng khi yêu cầu xử lý tình huống thực tế sẽ bộc lộ năng lực thực sự của ứng viên, từ đó tuyển được người tài.

“Nhưng chúng ta đôi khi đẩy bằng cấp là yếu tố duy nhất, quan trọng nhất. Khi chúng ta cực đoan hóa và nhấn mạnh quá bằng cấp thì chúng ta sẽ có cử nhân, tiến sỹ, thậm chí giáo sư giả, có danh nhưng không có thực lực và không có cả đạo đức. Tôi cho rằng chúng ta phải có cái nhìn khác đi, tại sao không học các nước tiên tiến, phải thi, cạnh tranh, không chỉ dựa vào bằng cấp,” ông Tiến đề xuất.

Là một người hoạt động trong môi trường tư, ông Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Đại học Phú Xuân cho biết, câu chuyện tuyển dụng ở doanh nghiệp khác rất nhiều. “Hầu như các doanh nghiệp hiện nay tuyển dụng không cần chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Ở một số vị trí, theo quy định của pháp luật, cần có bằng cấp, như vị trí hiệu trưởng trình độ thấp nhất là tiến sỹ. Tuy nhiên, đơn vị tuyển dụng sẽ coi đó chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ và quan trọng nhất vẫn là năng lực thực tế của ứng viên. Ngay cả khi đã được tuyển dụng, nếu không đáp ứng yêu cầu công việc sẽ bị sa thải ngay,” ông Minh chia sẻ.

Đẩy mạnh thi tuyển

Trên thực tế, tháng 5/2015, Bộ Chính trị đã thông qua Đề án Thí điểm tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, sở, phòng. Đây là một chủ trương lớn của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa X và Hội nghị Trung ương 4 khóa XI nhằm đẩy mạnh chiến lược công tác cán bộ, thu hút, trọng dụng nhân tài. Tuy nhiên, việc triển khai chủ trương này rất chậm. Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, hiện mới có 9 bộ thực hiện với 30 vị trí và 13 tỉnh thực hiện với 76 vị trí.

Vấn đề này đã được đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành, đoàn Lạng Sơn, chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trước Quốc hội ngày 7/11 vừa qua.

Trả lời đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết trên thực tế, Bộ Nội vụ đã ban hành văn bản yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đăng ký Đề án nhưng số đăng ký rất ít, chỉ có 14 trên tổng số 28 bộ và 22 trên 63 địa phương đăng ký. Trong đó, chỉ có hai đơn vị hoàn thành kế hoạch thi tuyển là Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ. Các đơn vị khác làm rất chậm, thậm chí chưa làm, mới chuẩn bị. Vấn đề này, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương phê bình tôi hai lần,” Bộ trưởng Tân phân trần.

Một kỳ thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp vụ và tương đương của Bộ Nội vụ. (Nguồn: Moha.gov.vn) 
Một kỳ thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp vụ và tương đương của Bộ Nội vụ. (Nguồn: Moha.gov.vn) 

Ông Tân cho biết theo quy định của Ban Bí thư, cuối năm 2019, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương sơ kết thực hiện đề án.

“Đây là một hình thức tôi thấy cần khuyến khích. Nên có cơ chế chức vụ nào phải thi. Chúng tôi sẽ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương cố gắng duy trì chứ không dừng lại ở chỗ chỉ thí điểm trong hai năm. Phương thức này sẽ cố gắng làm tốt hơn trong thời gian sắp tới. Đây cũng là cách giảm quy trình, thủ tục hành chính và thực sự chọn được người tài, cấp trên chọn được người để bổ nhiệm,” ông Tân nói.

Cũng theo ông Tân, trong lần sửa đổi Luật công chức, viên chức sắp tới, Bộ Nội vụ sẽ xem xét bỏ quy định yêu cầu về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ. “Chủ trương của chúng tôi sắp tới là tập trung đào tạo về vấn đề kỹ năng, đào tạo công việc theo vị trí việc làm, không nặng về vấn đề đào tạo văn bằng, chứng chỉ để đề bạt, bổ nhiệm,” ông Tân cho hay.

Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Tân cho biết sai phạm trong tuyển dụng là chiếm nhiều nhất trong các sai phạm khác, có tỉnh đã sai phạm trên 1.700 trường hợp. “Gốc của vấn đề là chỗ tuyển dụng. Không giải quyết được cái gốc của tuyển dụng thì các bước tiếp theo đều vướng. Tôi đề nghị, các địa phương làm việc, chỉ đạo đối với các sở nội vụ, các ban tổ chức và cán bộ tổ chức quản lý hồ sơ cán bộ là phải kiểm tra hồ sơ chứ không phải chỉ cất hồ sơ. Thấy hồ sơ tất cả cái gì cũng đẹp, học hành đàng hoàng, khi đề bạt bổ nhiệm rồi, lật ra mới thấy có vấn đề, mới thấy khai gian lý lịch… Tôi nghĩ vấn đề quản lý hồ sơ là vấn đề hết sức quan trọng,” ông Tân nói.

Đánh giá cao những chủ trương, đề xuất, giải pháp của Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa 13 bày tỏ hy vọng sẽ có những chuyển biến tích cực trong công tác tuyển dụng cán bộ trong thời gian tới, từ đó giảm thiểu tình trạng dùng văn bằng, chứng chỉ giả để chui vào bộ máy nhà nước.

Siết chặt quản lý văn bằng, chứng chỉ

Cùng đề cập đến vấn đề quản lý hồ sơ cán bộ, ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học FPT cho rằng Bộ phận nhân sự của các cơ quan nhà nước phải chịu trách nhiệm nếu để lọt văn bằng giả.

“Nếu chỉ cá nhân gian lận bị xử lý thì cá nhân đó sẵn sàng mạo hiểm để mưu cầu các lợi ích khác, nhưng nếu gắn trách nhiệm cho cán bộ nhân sự thì khi nhận một người họ phải kiểm tra văn bằng rất kỹ. Cách thẩm định cũng rất đơn giản là liên hệ với đơn vị cấp văn bằng. Như tại Đại học FPT, chúng tôi nhận được khá nhiều đề nghị xác nhận văn bằng và đã phát hiện khoảng chục văn bằng giả,” ông Tùng cho hay.

Cũng theo ông Tùng, việc để tình trạng mua bán văn bằng giả tràn lan, thậm chí công khai như hiện nay chứng tỏ cơ quan chức năng liên quan chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này và chế tài xử phạt chưa đủ mạnh.

“Nhà nước phải xử lý nghiêm cả ba bên: người gian lận; cán bộ nhân sự khi phát hiện văn bằng giả; tổ chức, cá nhân cấp văn bằng giả. Khi đó, không ai dám nộp bằng giả nữa vì sợ bị phát hiện. Khi không có nhu cầu bằng giả thì thị trường bằng giả cũng sẽ tự mất. Người bán văn bằng cũng trả giá rất lớn, giống như Đại học Đông Đô,” ông Tùng nói.

Ông Lê Trường Tùng
Ông Lê Trường Tùng

Để việc quản lý văn bằng, chứng chỉ hiệu quả hơn, mới đây Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành quy chế mới có hiệu lực từ ngày 15/1/2020, thay thế cho các quy chế hiện hành. Quy chế mới đưa ra 4 nguyên tắc trong quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ, gồm: Nguyên tắc quản lý thống nhất đồng thực hiện phân cấp cho các sở giáo dục và đào tạo và giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở đào tạo giáo viên, giáo dục đại học; văn bằng chứng chỉ được cấp một lần (trừ trường hơp bị ghi sai nội dung); nghiêm cấm mọi hành vi gian lận; bảo đảm công khai, minh bạch trong cấp phát, văn bằng chứng chỉ.

Phân tích kỹ hơn về vấn đề này, ông Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Đại học Phú Xuân cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trao quyền tự chủ cho các trường, các trường được tự in phôi bằng và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về vấn đề này thay vì Bộ sẽ quản lý phôi và các trường phải đến mua như trước đây.

“Đó là một sự tiến bộ và xu hướng tất yếu. Giao quyền tự chủ thì chấp nhận có những trường hợp sai phạm như Đại học Đông Đô, nhưng quan trọng là cơ chế kiểm soát và chế tài xử lý mạnh. Vì có cơ chế kiểm soát nên chúng ta đã phát hiện được sai phạm. Vụ việc cần được xử lý nghiêm, nhanh chóng, dứt điểm và đủ tính răn đe để làm gương cho các đơn vị khác,” ông Minh nói.

Nâng cao đạo đức cán bộ, mạnh tay xử lý những trường hợp sai phạm

Sử dụng bằng cấp giả để chui vào bộ máy Nhà nước là chuyện thời sự và các bộ, ngành luôn tuyên bố là sẽ khắc phục sau mỗi sự việc bị phát giác nhưng cuối cùng đâu vẫn còn đó. Năm nào, cũng thấy địa phương này địa phương kia phải xử lý cán bộ vì đã sử dụng bằng giả. Nhu cầu cao khiến thị trường cung cấp bằng giả cũng rất khó dẹp dứt điểm, việc xử lý của các ngành chức năng vì thế mà như “bắt cóc bỏ đĩa.”

Ông Lê Như Tiến đặt câu hỏi: “Nếu không còn ai mua bằng giả nữa thì những người làm bằng giả bán cho ai?” Chính vì vậy, theo ông Tiến, các ngành chức năng bên cạnh việc phanh phui, tìm ra những nơi cung cấp bằng giả thì đồng thời cũng phải giáo dục, răn đe công chức của mình không được sử dụng bằng giả để phục vụ việc tiến thân, cất nhắc vào vị trí này, vị trí kia.

Ông Lê Như Tiến đặt câu hỏi: “Nếu không còn ai mua bằng giả nữa thì những người làm bằng giả bán cho ai?” 
Ông Lê Như Tiến đặt câu hỏi: “Nếu không còn ai mua bằng giả nữa thì những người làm bằng giả bán cho ai?” 

Ông Tiến cho rằng một khi đã phát hiện rồi thì phải xử lý nghiêm. Đây là hiện tượng lừa dối chính quyền, lừa dối cấp trên. Đã lừa dối trước hết phải hủy bỏ bằng giả, hủy bỏ quyết định đề bạt, cất nhắc, nâng lương, luân chuyển… Phải kiên quyết thanh lọc đội ngũ cán bộ, đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ đã sử dụng bằng giả.

Thực tế cho thấy thời gian gần đây, Đảng đã kiên quyết thanh lọc đội ngũ cán bộ, đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ đã sử dụng bằng giả, coi đây là một trong những biện pháp mạnh trong công cuộc chống tham nhũng của Đảng.

Việc cách chức và đưa ra khỏi Đảng đối với những cán bộ gian dối như Nguyễn Xuân Anh (Bí thư Tỉnh ủy Đà Nẵng), Trần Thị Ngọc Ái Sa (nguyên Trưởng phòng Hành chính- Quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk), Út trọc Đinh Ngọc Hệ… cho thấy Đảng đã không còn chấp nhận “sự đã rồi” và để cho những người sai phạm được “hạ cánh an toàn”, công cuộc chống tham nhũng đã không còn giới hạn trong phạm vi vật chất mà mở rộng sang cả chống tham nhũng quyền lực.

Ông Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng cho rằng việc sắp xếp, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vẫn còn tình trạng đúng quy trình nhưng chưa đúng người, đúng việc. Tình trạng bổ nhiệm không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân cán bộ lãnh đạo xảy ra ở một số nơi như Bộ Công Thương, Thanh tra Chính phủ, tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Yên Bái…

Theo ông Chính, một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng trên là do công tác giáo dục chính trị, tư tưởng chưa được coi trọng đúng mức.Từ đó dẫn đến việc một số cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên chưa nhận thức thực sự sâu sắc về vai trò, yêu cầu của công tác cán bộ; mối quan hệ giữa xây dựng đội ngũ cán bộ với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đổi mới cơ chế tổ chức, vận hành của hệ thống chính trị và đổi mới quản lý kinh tế…

Ông Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng cho rằng việc sắp xếp, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vẫn còn tình trạng đúng quy trình nhưng chưa đúng người, đúng việc. 
Ông Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng cho rằng việc sắp xếp, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vẫn còn tình trạng đúng quy trình nhưng chưa đúng người, đúng việc. 

Tuy nhiên, “có thể nói, công tác đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí thời gian vừa qua đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ với nhiều biện pháp và đã mang lại những kết quả tích cực, nhiều vụ án lớn đã được đưa ra xét xử, không có vùng cấm, nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, trong đó có cán bộ cấp cao đã bị kỷ luật, thậm chí bị truy tố. Việc xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm đã góp phần cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe và ngăn chặn tiêu cực để tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng và tính tôn nghiêm của pháp luật Nhà nước,” ông Chính nhận định.

Bên cạnh việc xử lý cán bộ sai phạm, Đảng cũng đổi mới công tác cán bộ, đưa ra những yêu cầu đối với cán bộ trong thời kỳ mới; trách nhiệm nêu gương của cán bộ, Đảng viên; những tiêu mới trong việc đánh giá cán bộ, hoàn thiện quy trình bổ nhiệm…

Phó Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính khẳng định các quy trình trong công tác cán bộ ngày càng chặt chẽ, đồng bộ và dân chủ hơn, từng bước đáng ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Trong đó, công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bầu cử, bổ nhiệm, luân chuyển có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng mở rộng dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, chính xác, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Các quy trình trong công tác cán bộ ngày càng chặt chẽ, đồng bộ và dân chủ hơn, từng bước đáng ứng yêu cầu của thời kỳ mới

Điều này thể hiện rõ qua việc sửa đổi, bổ sung quy trình bổ nhiệm cán bộ theo 5 bước nhằm khắc phục những lỗ hổng trong công tác bổ nhiệm cán bộ (theo quy trình 3 bước) trước đây; nâng cao trách nhiệm của cấp uỷ, Ban Thường vụ trong việc bổ nhiệm cán bộ, giúp ban chấp hành, ban thường vụ xem xét nguyện vọng, tín nhiệm một cách kỹ lưỡng.

Bên cạnh đó, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cũng cho biết, để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công tác cán bộ, công tác đánh giá cán bộ đã, đang và sẽ tiếp tục được đổi mới theo hướng: xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí cụ thể, đánh giá bằng sản phẩm cụ thể thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương.

Trong bối cảnh mới, Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng đã ban hành Kết luận số 55-KL/TW về tiếp tục chấn chỉnh công tác cán bộ để chuẩn bị tốt nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng.

Kết luận đã yêu cầu rõ việc quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, thăng cấp bậc hàm, chỉ định, giới thiệu, điều động, luân chuyển và thực hiện chính sách đối với cán bộ phải căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện (cơ cấu, số lượng, độ tuổi, tín nhiệm…), quy trình, chế độ, chính sách theo đúng quy định hiện hành; kiên quyết không đề xuất, quyết định những nhân sự không bảo đảm tiêu chuẩn về độ tuổi, uy tín…; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mất đoàn kết, “cục bộ,” “lợi ích nhóm;” thiếu gương mẫu, không sẵn sàng chấp hành sự phân công, điều động của cấp có thẩm quyền; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, gây thất thoát tiền bạc, tài sản của Nhà nước; phẩm chất, năng lực hạn chế, có biểu hiện “chạy chọt, vận động, tranh thủ lẫn nhau;” thiếu tích cực trong công tác, sợ trách nhiệm…/.

Thuận Mai

(VietnamPlus)