Dừng chạy 5 đôi tàu khách địa phương vì lỗ 90 tỷ đồng

Từ ngày 1/1/2014, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sẽ dừng hoạt động 5 đôi tàu khách địa phương do kinh doanh thua lỗ, kém hiệu quả.
Dừng chạy 5 đôi tàu khách địa phương vì lỗ 90 tỷ đồng ảnh 1Nhiều hành khách vẫn chọn phương tiện đi lại bằng tàu hỏa vì mức giá rẻ. (Ảnh: TTXVN)

Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, từ ngày 1/1/2014 tới đây, ngành đường sắt sẽ dừng hoạt động 5 đôi tàu khách địa phương do kinh doanh kém hiệu quả.

5 đôi tàu được đề nghị dừng hoạt động thuộc các tuyến Vinh-Đồng Hới (VĐ 31/32), Đồng Hới-Huế (ĐH 41/42), Gia Lâm-Đồng Đăng (ĐĐ 3/4), Yên Viên-Hạ Long (R 157/158) và Long Biên-Quán Triều (91/92).

Theo thống kê về kết quả kinh doanh trong năm 2012 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, ngành đã phải “gánh” lỗ cho 5 đôi tàu này là tới 90 tỷ đồng trong đó, nhiều nhất là đôi tàu Yên Viên-Hạ Long lỗ 19,5 tỷ đồng (năm 2011) và 23,5 tỷ đồng (năm 2012); đôi tàu Vinh-Đồng Hới lỗ hơn 19 tỷ đồng (năm 2011) và 22,6 tỷ đồng (năm 2012).

Bên cạnh đó, tính toán của ngành đường sắt cũng cho thấy, đôi tàu R157/158 từ ga Yên Viên (Hà Nội) đến ga Hạ Long (Quảng Ninh) dài 106km có doanh thu chưa tới 4 triệu đồng/ngày, chỉ bằng 5% so với chi phí chạy tàu. Đôi tàu Đồng Hới-Huế cũng chạy trên đường sắt Thống Nhất, nối hai trung tâm du lịch-di sản thế giới là Huế và Phong Nha-Kẻ Bàng nhưng doanh thu chỉ khoảng 14 triệu đồng/ngày, bằng 22-28% chi phí bỏ ra.

Lý giải cho thực tế này, đại diện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, đặc điểm chung của các đôi tàu này là cự ly vận chuyển ngắn, giá thành vận tải cao trong khi sản lượng vận tải thấp và bị cạnh tranh gay gắt bởi các phương tiện khác. Vì vậy, 5 đôi tàu này có hiệu quả kinh doanh thấp nhất trong tổng số 180 đôi tàu đang khai thác của ngành đường sắt.

“Hơn nữa, tàu chạy tuyến này chủ yếu gom khách trên những chặng ôtô khó vào. Tuy nhiên, lượng khách này không nhiều, chủ yếu là con lao động nghèo dọc tuyến đường sắt Thống Nhất với giá rất rẻ nên doanh thu không cao. Có khách chỉ đi khoảng chục km nên giá vé chỉ 10.000 đồng,” đại diện ngành đường sắt đánh giá.

Để có thể duy trì hoạt động, từng bước giảm dần kinh phí phải bù đắp cho các đoàn tàu này, ngành đường sắt đã cố gắng giảm lỗ bằng một loạt biện pháp như: tổ chức lại biểu đồ chạy tàu hợp lý, gia tăng dịch vụ và nâng cao chất lượng các dịch vụ hiện có đồng thời điều chỉnh tăng giá vé nhằm tăng doanh thu nhưng vẫn phải đảm bảo hút thêm khách.

Thế nhưng, với khoản lỗ hơn 90 tỷ đồng, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã gửi văn bản tới các địa phương có các đoàn tàu này chạy qua, các đơn vị thành viên và bạn hàng thông báo kế hoạch dự kiến dừng chạy tàu.

“Để giảm bớt gánh nặng trong sản xuất kinh doanh, ngành sẽ tạm ngưng chạy tàu và mong các cơ quan, bạn hàng thông cảm,” đại diện Tổng Công ty Đường sắt chia sẻ.

Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Doanh, Phó Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) cho rằng, 5 đoàn tàu này bằng mọi giá phải duy trì hoạt động, không thể cứ lỗ là bỏ.

“Mặc dù đối với doanh nghiệp đây là việc đương nhiên cần phải tính toán nhưng đối với đường sắt, ngoài tính chất kinh doanh còn mang ý nghĩa phục vụ an sinh xã hội, an ninh quốc phòng rất lớn. Hơn nữa, nếu bỏ các đôi tàu này chẳng khác nào ngành đường sắt tự co hẹp thị trường, trong khi để đầu tư được một tuyến đường sắt rất tốn kém,” ông Doanh bày tỏ quan điểm.

Nhằm "cứu" những đoàn tàu tiếp tục lưu thông trên tuyến này, ông Doanh đưa ra giải pháp, Tổng Công ty Đường sắt cần phải có cơ chế cân bằng vận chuyển giữa các loại hình vận tải. Hàng hóa nên được vận chuyển bằng đường sắt để chia lửa cho đường bộ, từ đó cũng tránh được hư hỏng kết cấu hạ tầng đường bộ và tạo nguồn khách hàng ổn định cho đường sắt.

“Muốn làm được việc này cần có cơ chế của Nhà nước và nỗ lực của doanh nghiệp đồng thời phải hạch toán tuyến rõ ràng, tính toán giá cước vận tải đường sắt hợp lý để thu hút khách hàng ổn định,” ông Doanh nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục