Đừng để đường sắt là hình ảnh trì trệ

"Đừng để người dân nghĩ đường sắt là hình ảnh trì trệ"

Ngành đường sắt cần đổi mới, thay đổi hình ảnh để có thể bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt với các loại hình vận tải khác.
"Đừng để người dân nghĩ đường sắt là hình ảnh trì trệ" ảnh 1Ngành đường sắt cần có những bước đột phá để thu hút hành khách đi tàu. (Ảnh: TTXVN)

Giá thành cao, thiếu thân thiện

Dù trong năm 2013, ngành đường sắt báo cáo doanh thu tăng so với năm 2012, song theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, với tình trạng kinh doanh còn lạc hậu, thiếu thân thiện và đặc biệt lá giá thành cao như hiện nay, ngành đường sắt đang bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt với các loại hình vận tải khác.

"Do đó, ngành đường sắt cần đổi mới, quyết liệt, tăng tốc và phát triển hơn nữa để tạo hình ảnh mới thân thiện và đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa," Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2014 của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam ngày 3/1.

Theo báo cáo của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, năm 2013, toàn ngành đường sắt đạt doanh thu hơn 11,3 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9% so với năm trước. Tuy nhiên một số chỉ tiêu về sản lượng lại đạt thấp hơn so với kế hoạch, tỷ lệ tầu đến đúng giờ thấp hơn năm 2012 do mưa bão gia tăng và tổ chức nhiều điểm thi công trên tuyến tầu khách Thống Nhất, tuyến Hà Nội-Lào Cai.

Bên cạnh đó, luồng hành khách cũng không tăng, mật độ đi rải đều trong các ngày nghỉ lễ, Tết; dịp hè khách đi đoạn ngắn tăng 15-20% nhưng đi đường dài lại giảm so với năm 2012.

Ông Trần Phúc Tiến, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, ngành đường sắt hiện nay đang trong thực trạng lạc hậu về công tác bán vé thủ công, dịch vụ trên tàu còn nghèo nàn, đắt đỏ, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, yếu kém, tàu thường chậm giờ và đặc biệt, giá vé không hề rẻ so với các loại hình vận tải khách hiện nay.

Tại hội nghị, đại diện Công ty vận tải hành khách Đường sắt Sài Gòn cũng nhìn nhận, trong năm 2013, hành khách đi đường dài giảm rất mạnh, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sự chậm giờ, giá thành cao.

Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, mặc dù ngành đường sắt đã có nhiều cố gắng, thay đổi để linh hoạt hơn với thị trường nhưng hình ảnh về một ngành đường sắt trong mắt người dân vẫn chưa thực sự đổi mới, thay đổi nhưng rất chậm.

"Đang nghĩ mình là Bộ Đường sắt"

“Tổng Công ty đường sắt dường như không nghĩ mình là doanh nghiệp kinh doanh mà đang nghĩ mình là Bộ Đường sắt, quản lý Nhà nước về đường sắt hay gì đó nên rất chậm thay đổi,” Bộ trưởng Đinh La Thăng bày tỏ quan điểm.

Người đứng đầu ngành giao thông ví von, với con số gần 40.000 nhân viên, lương của nhân viên ngành đường sắt đang ở mức rất thấp. Trong khi ngành hàng không mang lại doanh thu hơn 70.000 tỷ đồng trong năm 2013 và lương trung bình tháng của nhân viên ngành hàng không gấp đôi ngành đường sắt.

Ngoài ra, theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt vẫn còn chậm, nhất là những dự án lớn mang tính đổi mới căn bản như hiện đại hóa công tác bán vé tàu, điều hành, rồi chất lượng dịch vụ, công trình kiến trúc trong và ngoài ga còn lạc hậu, kém thân thiện. Đặc biệt, giá thành đường sắt còn cao so với các loại hình vận tải hiện nay.

Chứng minh cho điều này, Bộ trưởng Đinh La Thăng đưa ra so sánh, giá vé giường nằm từ Hà Nội-Sài Gòn hiện khoảng 1,9 triệu đồng/vé, trong khi vé máy bay giá rẻ chỉ khoảng 1,2 triệu đồng. Đi máy bay người dân chỉ mất khoảng 3-4 tiếng, nhưng ngồi tàu mất đến 30 giờ đồng hồ. Như vậy, người dân sẽ đi lại bằng máy bay giá rẻ mà bỏ đường sắt.

“Dù biết so sánh vậy là khập khiễng nhưng nếu không khắc phục được chất lượng dịch vụ thì ngành đường sắt vấp phải sự cạnh tranh tranh rất cao về chất lượng, giá thành dịch vụ của nhiều loại hình kinh doanh vận tải khác. Hơn nữa, các tuyến đường cao tốc sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác như Hà Nội- Lào Cai, Hà Nội- Thái Nguyên, Hà Nội- Hải Phòng…, người dân sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn và ngành đường sắt sẽ còn vấp phải sự cạnh tranh gay gắt nếu không tự đổi mới,” Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định.

Để thực hiện nhiệm vụ và chỉ tiêu được giao năm 2014, Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo, Tổng Công ty Đường sắt cần phải cố gắng thực hiện theo 10 chữ “Thuận tiện, đúng giờ, an toàn, hiệu quả, hài lòng”, tách bạch quản lý nhà nước với kinh doanh giống mô hình ngành hàng không hiện nay.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Thăng cũng yêu cầu ngành đường sắt phải tái cơ cấu toàn diện, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, cải thiện tốc độ chạy tàu đạt 80-90km/h; hiện đại hóa công tác bán vé, làm mái che nhà ga, rà soát các đường ngang gác chắn hệ thống đèn và có sự phối hợp với các cơ quan Bộ, ngành địa phương trong công tác đảm bảo an toàn giao thông.

“Tái cơ cấu là sự sống còn của ngành đường sắt mà trước tiên phải tập trung tháo gỡ các điểm ‘nghẽn’ các dự án. Đừng để người dân nghĩ đến đường sắt là nghĩ đến một hình ảnh trì trệ. Do vậy, cần phải thay đổi chủ trương, hành động quyết liệt chất lượng, hiệu quả, tăng tốc phát triển hơn nữa đáp ứng yêu cầu mục tiêu của kinh tế xã hội, đất nước,” Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo./.

Theo chỉ tiêu đề ra của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, năm 2014 sản xuất kinh doanh toàn ngành đường sắt phấn đấu đạt doanh thu tăng 6% trở lên; giảm ít nhất 7% tai nạn giao thông vận tải đường sắt về cả ba tiêu chí: số vụ tai nạn, số người bị chết, số người bị thương; giảm 10% sự cố chạy tầu so với năm 2013.

Riêng với vận tải hành khách, tăng 2% hành khách lên tầu, tăng 3% số hành khách.Km, với doanh thu tăng 5% trở lên. Tổng Công ty cũng phấn đấu đạt 98% tầu khách đi đúng giờ và 72% đến đúng giờ trở lên.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục