Dừng thỏa thuận, lãi suất huy động về "trần" 14%

Ngay sau khi có chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng đã dừng thỏa thuận lãi suất với khách hàng, chỉ huy động đúng 14%/năm.
Chiều 8/9, chị Nguyễn Thu Hồng ở Khu tập thể Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, vừa bán 12 cây vàng được hơn 500 triệu đồng, gọi cho một nhân viên ngân hàng thương mại cổ phần trên đường Bà Triệu, (nơi mà chị vẫn gửi tiết kiệm thường xuyên) để hỏi về mức lãi suất thỏa thuận cho số tiền này. Thế nhưng, chị Hồng đã rất ngạc nhiên khi nhân viên này cho biết từ ngày hôm nay, lãi suất huy động chỉ đúng 14%.

Chị Hồng ngẩn người ra vì mới hôm qua thôi, chính nhân viên này gọi điện chào mời chị gửi tiền với lãi suất 17,5%, nhưng vì đang có chút việc bận ở xa Hà Nội nên chị không đến gửi được.

Cùng nhau dừng thỏa thuận

Không chỉ riêng chị Hồng "chậm chân" mà chị Trần Thị Thanh ở Tập thể K10, phường Bồ Đề, quận Long Biên cũng trong tình trạng tương tự như vậy. Ngày 6/9, gia đình có việc nên chị đã đến rút tiền tại một ngân hàng thương mại cổ phần trên đường Nguyễn Văn Cừ, chị có ướm hỏi nếu gửi 50 triệu đồng thì lãi suất là bao nhiêu, nhân viên ở đây cho biết, nếu gửi 50 triệu đồng thì trên sổ vẫn ghi 14% nhưng sẽ được cộng thêm 100.000 đồng/tháng và trả lãi sau. Sáng 8/9, chị mang tiền đến ngân hàng này gửi thì nhân viên ở đây cho biết là lãi suất chỉ có 14%.

Tất tả chạy sang chi nhánh ngân hàng Sacombank trên đường Nguyễn Văn Cừ những mong sẽ có mức lãi suất tốt hơn, nhưng chị Thanh cũng chỉ nhận được cái lắc đầu và mức lãi suất cho số tiền gửi của chị chỉ còn 13,9%/năm.

Dạo một vòng qua các ngân hàng chiều ngày 8/9 như VietinBank, Dong A Bank, Sacombank, VPBank, BIDV trong vai người đi gửi tiền nhưng phóng viên đều nhận được câu trả lời: Lãi suất chỉ đúng 14%.

Một cán bộ của VietinBank cho biết, sáng 8/9, tất cả các phòng giao dịch của VietinBank đã nhận được chỉ thị không được huy động quá 14%, nếu phòng giao dịch nào không chấp hành thì sẽ bị xử lý theo quy định.

Như vậy, sau khi Ngân hàng Nhà nước vào cuộc và đạt được cam kết giữa các thành viên, lãi suất huy động VND đã có mặt bằng mới tương đối đồng đều. Trước mắt, những xáo trộn mạnh trong tuần qua đã được hạn chế.

Các chuyên gia nhận định, tốc độ giảm khá nhanh của lãi suất ngày hôm nay là do hiệu ứng từ chính sách quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước. Tại cuộc họp sáng 7/9, lần đầu tiên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã phải ví "trong thời gian qua hệ thống ngân hàng diễn ra như cái chợ". Tất cả các ngân hàng trong hệ thống đều vượt rào lãi suất huy động 14%/năm.

Thế nhưng chỉ 1 ngày ngay sau khi thông điệp "cứng rắn" được phát đi, các ngân hàng không ai bảo ai đều răm rắp tuân thủ. Là một tỏng "bốn ông lớn" của hệ thống, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ngay lập tức đã có nhiều cuộc họp nội bộ và phát đi thông báo toàn hệ thống, từ này 7/9, BIDV sẽ thực hiện mức trần lãi suất huy động 14% với VND, 0,5% đối với USD của các tổ chức và 2% đối với dân cư. Đi cùng đó là các chính sách về hạ lãi suất cho vay, kiểm soát tốt các quy định an toàn.

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch BIDV cho biết, ngay sau thông báo này, BIDV đã làm việc với tất cả các giám đốc chi nhánh tại miền Bắc và trong ngày 11, 12/9 sẽ làm việc tiếp với các giám đốc chi nhánh tại miền Trung và miền Nam. Ngoài quy định của Ngân hàng Nhà nước, BIDV cũng có những biện pháp xử lý kỷ luật riêng của mình để thực hiện nghiêm.

Ông Hà nhấn mạnh, tình trạng trước đây có thể nói là như “chợ”, cạnh tranh không lành mạnh. Các biện pháp kỷ luật chưa đủ nghiêm nên mới có hiện tượng như vừa qua. Bây giờ chính là thời điểm lập lại trật tự.

Trước lo ngại việc hạ lãi suất sẽ khiến các ngân hàng này bị rút vốn, ông Hà cho rằng với 12 ngân hàng lớn với 80% thị phần sẽ thống nhất thực hiện nghiêm lãi suất 14%/năm thì khách hàng cũng sẽ không có nhiều lựa chọn đối với tiền gửi của mình, vì các kênh đầu tư khác như bất động sản, vàng, chứng khoán hiện đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. Và nếu trần lãi suất 14% được triệt để thực hiện thì việc giảm lãi suất cho vay xuống 17%-19%/năm như Ngân hàng Nhà nước đề cập là hoàn toàn có thể thực hiện được trong thời gian tới.

Kiểm soát từ nâng chế tài


Tại Hội nghị ngành ngân hàng ngày 7/9, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, từ ngày 8/9, lãi suất trần huy động bằng tiền đồng Việt Nam sẽ chỉ còn 14%. Nếu như ngân hàng nào vi phạm "đi đêm" sẽ bị xử lý nghiêm minh.

Thông điệp này mặc dù đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trước đây nhưng có vẻ như không mấy hiệu quả khi nhiều ngân hàng vẫn phải thỏa thuận, đi đêm với người gửi tiền để hút tiền về. Tuy nhiên, lần này giới chuyên môn cho rằng đi kèm với thông điệp mạnh mẽ của tân Thống đốc, một loạt những biện pháp mà cơ quan này triển khai ngay tức thì chính là những cơ sở để "hậu thuẫn" cho chính sách đi vào thực tiễn.

Thêm vào đó, các ngân hàng thương mại có thể kiểm tra chéo lẫn nhau và thông tin với Ngân hàng nhà nước về những sai phạm của ngân hàng bạn để ngân hàng nhà nước xử lý cùng với các chế tài được áp dụng nghiêm khắc hơn... cũng là "điểm tựa" cho Ngân hàng Nhà nước đưa mặt bằng lãi suẩt về quỹ đạo.

Chính các biện pháp kỷ luật mạnh mẽ buộc các ngân hàng phải tính thiệt hơn khi quyết định làm sai. Nói như ông Trần Bắc Hà: với các biện pháp ký luật mạnh như: cách chức lãnh đạo, cấm làm việc trong ngành… đối với cá nhân; cấm mở rộng chi nhánh, kiểm soát chặt… đối với tổ chức thì không ai dám làm "dại". "Mà thực chất, hạ lãi suất là có lợi cho cả ngân hàng và doanh nghiệp thì tại sao lại không làm?" ông Hà nhấn mạnh.

Đặc biệt, giải quyết vẫn đề khúc mắc nhất trong chạy đua lãi suất huy động để ngân hàng bé không còn làm loạn thị trường là phải giải quyết khó khăn thanh khoản cho các ngân hàng này. Chính vì thế, một trong những biện pháp đi cùng với các mệnh lệnh hành chính là Ngân hàng Nhà nước sẽ dành một khoản hỗ trợ thanh khoản có điều kiện cho các ngân hàng nhỏ. Và khi đã có hỗ trợ thông qua tái cấp vốn để giải quyết khó khăn thanh khoản thì các ngân hàng sẽ không còn vượt trần.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng có cơ chế điều hòa trong hệ thống để các ngân hàng lớn còn vốn hỗ trợ ngân hàng nhỏ thông qua thi trường liên ngân hàng. Nhờ vậy, đồng vốn sẽ được sử dụng hiệu quả nhờ linh hoạt hơn.

Thế nhưng, như vậy cũng chưa hẳn là đã hết băn khoăn. Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng Giám đốc Maritime Bank, trong ngắn hạn, việc thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước đương nhiên sẽ ảnh hưởng trực tiếp về mặt lợi nhuận của các ngân hàng do giảm nhanh lãi suất cho vay nhưng vẫn bị áp lực giữ các khách hàng huy động truyền thống. Tuy nhiên, ông Linh tin rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm có các biện pháp đồng bộ đối với vấn đề này./.

Thúy Hà (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục