Dương Bích Liên của 'Nghiêm Liên Sáng Phái': Tài năng nhưng cô độc giữa đời

Dương Bích Liên sống cách biệt cùng những khoảng trống mênh mang trong tranh của mình. Ông chọn một đời cô độc, chết cô độc và bảo toàn phẩm giá nghệ thuật của mình trong thầm lặng.

Picture1.jpg
Bức "Hào" của Dương Bích Liên. (Ảnh tư liệu)

Ngày 17/7/2024 tới đây sẽ là mốc tròn 100 ngày sinh danh họa Dương Bích Liên (1924-1988). Dẫu được đặt cùng bộ tứ với Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng và Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên có nhiều nét lạ đi ra từ một số phận và tính cách kỳ lạ.

Bức tranh lận đận, “tốn” của Trần Dần 8 trang giấy

Vào thập niên 1970, Dương Bích Liên đã là cái tên tài năng và quen thuộc của giới trí thức Hà Nội. Ông có một bức tranh về đường hào của quân ta trong cuộc kháng chiến. Ông đặt tên là “Hào,” vẽ cuối năm 1972, giữa những ngày Mỹ ném bom dữ dội xuống Thủ đô và vùng ngoại ô.

Trong ký ức của Nguyễn Hào Hải, một trí thức cùng thời và bạn vong niên trẻ tuổi với Dương Bích Liên, khi biết ông đang vẽ “Hào” thì nhà văn Nguyễn Tuân và nhạc sỹ Văn Cao đều hứng thú. Đến lúc xem tranh, hai ông đi cùng đạo diễn Phạm Văn Khoa (Lửa trung tuyến), ai nấy đều trầm trồ trước vóc dáng của “Hào.” Một bức sơn dầu trên toan khổ lớn hiếm thấy: 1,47m x 2m.

Nhà văn Trần Dần cũng được khơi gợi. Xem tranh, ông rút giấy vở ra viết liền 8-9 trang giấy học trò, ghi tiêu đề là “Hào một tột” với ý nói tác phẩm là một đỉnh cao tột độ.

Để hiểu cho đúng thì “Hào” không chỉ lớn về kích thước vật lý, mà nó thực sự mang tầm vóc ở mặt thẩm mỹ nghệ thuật. Họa sỹ Lê Thiết Cương phân tích thông qua khoảng trống trong tranh Dương Bích Liên:

Picture2.jpg
Danh họa Dương Bích Liên. (Ảnh: Đỗ Huy)

Nếu ở những bức nổi bật nhất nhì như “Mùa lúa chín” hay bảo vật Quốc gia “Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc,” khoảng trống có tính hiện thực, thì ở “Hào” khoảng trống mới được nghiêng về tính ước lệ. Toàn bộ tranh toát lên sự tĩnh lặng giống như chính cuộc đời Dương Bích Liên. Nhưng theo họa sỹ Lê Thiết Cương, sự tĩnh lặng ấy phải hiểu theo cách nói Văn Cao với đại ý: Bây giờ không còn tiếng nổ lớn, nhưng vẫn còn tiếng rạn vỡ; hay như nhà Phật gọi là: Sự im lặng sấm sét.

Picture4.jpg
Picture5.jpg
"Mùa lúa chín" (trái) và "Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc" - hai trong cụm tác phẩm được trao giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000. (Ảnh Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam)

Tuy nhiên khi đưa tranh vào một cuộc triển lãm bấy giờ, giá trị của “Hào” bỗng trở nên chông chênh. Theo ông Hải Hào, trong ban giám khảo khi đó xuất hiện các ý kiến trái chiều về cách thể hiện người lính: Không thấy người lính hiên ngang giương cao súng, cờ, không thấy những du kích nhảy phắt khỏi chiến hào… mà ngược lại, trông họ lờ mờ, khom khom. Tác phẩm bị cho là “có vấn đề,” bị treo vào một phòng riêng ở Đại học Mỹ thuật để nhiều người tới phê bình, góp ý kiến tiếp.

Đến khi bức tranh được phép trả về thì Dương Bích Liên không tài nào nhờ được ai vì tranh quá lớn. Một hành trình “sang tay” dài của “Hào” bắt đầu. Ban đầu tranh được một nhà sưu tầm ở Hàng Buồm mượn, sau đó Tô Hoài biết và thích tranh nên muốn mua về. Nhưng vì không treo vừa ở đâu, ông lại trao tiếp cho Nguyên Hồng vì thấy bạn thích.

Nhưng Nguyên Hồng đem về quê thì thời tiết ẩm thấp, tranh bị ải ra từng mảng. Ông lại đem tranh trở lại Hà Nội nhờ Dương Bích Liên sửa. Không sửa được, Dương Bích Liên giấu tranh trong nhà kho. Sau đó tranh tiếp tục được trao tay hai người chơi tranh khác ở Hà Nội, rồi suýt thuộc về một tùy viên văn hóa Cuba nhưng không thành. "Hào" tiếp tục được bán ra nước ngoài với giá 15.000 USD. Mãi đến 2015, tranh mới được trở lại với khán giả Hà Nội

Hiện nay, “Hào” thuộc sở hữu của một nhà sưu tầm ở Việt Nam, người này cũng đang sở hữu bức “Thiếu nữ bên hoa huệ” của Tô Ngọc Vân.

Thầm lặng vẽ, thầm lặng sống

Trong tọa đàm có tên “Dương Bích Liên: Ánh chớp thầm lặng” do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thực hiện ngày 13/7, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn nhận xét Nghiêm-Liên-Sáng-Phái không chỉ là bộ tứ nối tiếp sau Trí-Vân-Lân-Cẩn, mà đã góp phần tạo nền tảng cho hội họa Việt Nam, góp nhiều dấu ấn đặc trưng vào hội họa Đông Dương bấy giờ.

Picture3.png
Dương Bích Liên năm 1983 tại nhà riêng ở 55 Bà Triệu. (Ảnh tư liệu gia đình)

Sau Đổi mới, Hội Mỹ thuật Việt Nam đã nỗ lực làm triển lãm tranh cho các ông nhưng chỉ riêng Dương Bích Liên không tỏ rõ thái độ. Hai lần phía hội tha thiết mời, Dương Bích Liên chỉ im lặng hoặc cười trừ. Từ đó tới nay, tranh ông còn rất ít và bị phân tán nhiều nơi, hiện cố họa sỹ vẫn chưa có một triển lãm riêng.

Những nỗ lực tổ chức triển lãm khi đó, theo ông Đoàn, chính là để bảo vệ các ông khỏi những đánh giá một chiều, những thiên kiến sai lệch làm tổn thương tới tâm hồn các ông. Ngược lại khi nhìn từ cuộc đời thầm lặng và đơn độc của Dương Bích Liên, ông Đoàn nói: “Bài học Dương Bích Liên để cho hậu thế là sự bảo trọng phẩm cách nghệ thuật của mình trong im lặng, trước những cái nhìn không đúng của thời cuộc.”

Giới yêu mỹ thuật thường nói “Phố Phái, gái Liên” ý chỉ hai trường phái vẽ nổi bật bấy giờ - Bùi Xuân Phái vẽ phố Hà Nội, còn Dương Bích Liên vẽ phụ nữ Hà Thành. Bức nào Dương Bích Liên vẽ cũng chan chứa tình cảm cho đối tượng trong tranh. Trong những bức vẽ nữ giới ấy hẳn chứa đựng cái nhìn trìu mến lắm, như họa sỹ Lương Xuân Đoàn kể về ánh mắt biết ơn, tha thiết mà Dương Bích Liên dành cho một cô người mẫu khi cô giúp đơm cúc áo cho ông.

Dương Bích Liên có tính cách kỳ lạ, khi trưởng thành ông chọn sống đơn độc và thầm lặng trong ngôi nhà ở số 55 Bà Triệu. Trong ký ức của bà Đặng Thị Khuê, nguyên lãnh đạo Hội Mỹ thuật Việt Nam, ông và Bùi Xuân Phái từng đùa nhau về chuyện người có vợ con thì không cô đơn, nhưng người cô đơn thì lại có sự tự do.

Picture9.jpg
Thiếu nữ và hoa cúc trắng (Sơn dầu)
Picture8.jpg
Chân dung cô Yến (sơn dầu)
Picture6.jpg
Cô Mai (sơn dầu)
Picture71.jpg
Dương Bích Liên với nguyên mẫu cô Mai. (Ảnh tư liệu)

Đến cái chết Dương Bích Liên chọn cũng khiến người ta phải trăn trở. Trong 20 ngày cuối đời, ông chọn chết bằng cách nhịn ăn và chỉ uống rượu. Trước khi ra đi, ông chỉ thông báo cho đúng một người bạn thân để nhờ lo hậu sự theo ý nguyện riêng. Ông luôn yêu mến trẻ con và từng muốn trong đám tang không có người lớn, chỉ cần người đưa tiễn là một đứa trẻ ăn mặc đúng điệu. Di nguyện của ông về sau được hiện thực hóa khi những người bạn nghệ sỹ thân thiết làm một bộ phim tái hiện mong muốn ấy. Hiện nay Hội Mỹ thuật vẫn còn giữ một số kỷ vật đặc biệt của ông.

Nhà nghiên cứu Thái Bá Vân từng nhận xét nghệ thuật của Dương Bích Liên là một thế giới sang trọng, miên man trí thức, "và như vậy, nó là một tồn tại trang nghiêm."

"Ở đây chúng ta nhận ra một nhân cách thẩm mỹ có uy quyền, tự trọng, mà sự yêu thương con người là cuồng nhiệt. Ở đây, tranh chấp và thù hận được từ bỏ. Ở đấy, có sự chinh phục của cuộc sám hối bình an, có cái im lặng cao thượng," nhà nghiên cứu Thái Bá Vân từng viết.

Dương Bích Liên (17/7/1924 - 12/12/1988) sinh tại Hà Nội nhưng quê quán ở Hưng Yên. Ông lớn lên trong gia đình có cha là quan tri phủ, nhiều người trong họ hàng là trí thức đỗ đạt cao, chí sỹ yêu nước. Ông sống hòa đồng với anh chị em trong nhà, dưới sự dạy dỗ của gia đình và đặc biệt là người bác ruột - Giáo sư Dương Quảng Hàm.

Năm 17 tuổi ông bỏ đi "bụi" với họa sỹ Hoàng Lập Ngôn - một học trò của bác. Ông lên chiếc xe ngựa để "du họa," định vừa đi vừa vẽ từ Bắc tới Nam thì bị lính của quan phủ truy tìm và áp giải về. Sau đó ông thi vào Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam). Dương Bích Liên sinh đúng 1 năm trước khi trường này chính thức đi vào hoạt động, và là khóa học trò cuối cùng của trường.

Họa sĩ Dương Bích Liên được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học, nghệ thuật năm 2000.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục