Đường cao tốc dài nhất Việt Nam sẽ sửa xong hằn lún trước ngày 31/10

Các vị trí hằn lún vệt bánh xe của đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai sẽ được khắc phục sửa chữa, hoàn thành trước ngày 31/10 này, theo đúng chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng.
Đường cao tốc dài nhất Việt Nam sẽ sửa xong hằn lún trước ngày 31/10 ảnh 1Dự án đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Trao đổi với phóng viên VietnamPlus, ông Đào Quang Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý dự án Nội Bài-Lào Cai cho biết, các vị trí hằn lún vệt bánh xe của đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai sẽ được khắc phục sửa chữa, hoàn thành trước ngày 31/10 theo đúng chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng.

Theo ông Tuấn, tổng diện tích hằn lún vệt bánh xe hơn 90.000m2 nằm dải rác trên tuyến cao tốc tại 9 vị trí của gói thầu từ A2-A6. Hiện tại, các nhà thầu đã xử lý thảm bê tông nhựa xong tại 8 điểm. Ngày hôm nay (23/10), nhà thầu sẽ khắc phục nốt vị trí hằn lún vệt bánh xe cuối cùng để đảm bảo tiến độ.

“Trong quá trình sửa chữa, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC)-chủ đầu tư dự án luôn quan tâm sát sao đến tiến độ, chất lượng. Nhà thầu ý thức rất cao về hằn lún vệt bánh xe nên chất lượng thi công thực hiện nghiêm túc theo các tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn ngành và chỉ dẫn mới nhất của Bộ Giao thông Vận tải về điều chỉnh bê tông nhựa và bổ sung các chất phụ gia vào để tăng cường hơn nữa cường độ bê tông nhựa chống hằn lún vệt bánh xe,” vị Giám đốc Ban Quản lý dự án Nội Bài-Lào Cai khẳng định.

Về trách nhiệm bảo hành tuyến đường này, ông Tuấn cho rằng, trong quá trình đưa công trình vào sử dụng và khai thác thì không thể tránh khỏi các khiếm khuyết có thể xảy ra nên các dự án đều có thời gian bảo hành.

“Hằn lún vệt bánh xe là một trong các khiếm khuyết thuộc trách nhiệm bảo hành và chi phí nhà thầu sửa chữa rất tốn kém. Tuy nhiên, kinh phí khắc phục thì nhà thầu phải tự bỏ ra bởi các gói thầu vẫn đang nằm trong thời gian bảo hành là 24 tháng. Hiện, VEC vẫn đang giữ 3% tiền giá trị bảo hành gói thầu của các nhà thầu tham gia thi công cao tốc Nội Bài-Lào Cai,” ông Tuấn cho biết.

Trả lời câu hỏi nhà thầu chính Keangnam của 2 gói thầu A4, A5 cao tốc Nội Bài-Lào Cai có kiến nghị khi tuyến đường được sửa xong hằn lún vệt bánh xe mà vẫn tái diễn hằn lún do xe quá khổ, quá tải lưu thông thì đơn vị không chịu trách nhiệm sửa chữa, ông Tuấn khẳng định, giữa chủ đầu tư và nhà thầu phải thực hiện theo quy định của hợp đồng.

“Phía Keangnam có ý kiến như vậy đó là quan điểm từ phía họ. Nhà thầu phải có viện dẫn để chứng minh rằng việc xảy ra hằn lún vệt bánh xe là không thuộc lỗi thi công. Trách nhiệm có phải sửa hay không thì phải thực hiện trên nguyên tắc của hợp đồng. Nếu không sửa thì sẽ có các chế tài của hợp đồng để xử lý,” vị này kiên quyết nói.

Ngoài ra, trên tuyến cao tốc Nội Bài-Lào Cai, các đơn vị thi công cũng tiến hành xử lý hiện tượng lún võng mặt đường tại các vị trí nền đất yếu được cắm biển theo dõi lún.

Lý giải vấn đề này, ông Tuấn cho rằng, dự án có 9 vị trí, trong quá trình thi công qua khu vực cần xử lý nền đất yếu, nhà thầu được phép gia tải cao độ mặt đường để tăng tải trọng đường. Khi nền đường lún đến 90%, nhà thầu được phép dỡ tải để thi công móng và nền đường.

“VEC sẽ thanh toán khối lượng kinh phí sửa chữa cho nhà thầu thực hiện bởi đây là công việc còn dở dang khi tham gia thi công dự án từ đầu,” ông Tuấn cho hay./.

Dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai dài 245km được chia làm 8 gói thầu xây lắp từ A1-A8 và được thông xe vào ngày 21/9/2014 nhưng sau đó đã xảy ra hiện tượng lún theo hình vòng cung, trên hướng từ Lào Cai về Hà Nội. Một số đoạn tuyến cũng bị lún tại các gói thầu A2, A3 và A4.

Tổng mức đầu tư của dự án đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai đã được điều chỉnh tại quyết định số 3008/QĐ-BGTVT ngày 07/8/2014 của Bộ Giao thông Vận tải là 1,46 tỷ USD (giai đoạn 1) bao gồm vay ưu đãi ADF (ADB) 236,21 triệu USD, vay thông thường OCR (ADB) 1,03 tỷ USD và vốn đối ứng là 170,31 triệu USD cho giải phóng mặt bằng.
(VIetnam+)

Tin cùng chuyên mục