Đường không hề thiếu, giá vẫn “leo thang”

Giá đường trong nước bị ảnh hưởng bởi giá đường thế giới, đặc biệt trước “cơn lốc giá” của mặt hàng này tại thị trường thế giới mấy ngày gần đây.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, chiều 12/8, Tiến sĩ Hà Hữu Phái, Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam nhận định lượng đường hiện không thiếu, có khả năng đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng.

Tuy nhiên, theo ông giá đường trong nước vẫn bị ảnh hưởng bởi giá đường thế giới, đặc biệt trước “cơn lốc giá” của mặt hàng này tại thị trường thế giới trong mấy ngày gần đây.

Theo khảo sát của phóng viên tại một số cửa hàng bán lẻ đường ăn ở Hà Nội, giá bán đường trắng dao động ở mức 15.000 - 15.500 đồng/kg. Tại các cửa hàng lớn trên phố Đào Duy Từ: đường xuất khẩu được bán với giá 15.500 đồng/kg; đường Biên Hòa là 16.000 đồng/kg; đường trắng và đỏ của Nhà máy đường Lam Sơn, tỉnh Thanh Hóa, ở mức 14.000 - 14.500 đồng/kg.

Theo một chủ cửa hàng bán lẻ đường, sữa, bánh kẹo trên phố Yên Lạc, giá bán lẻ đường đã tăng 2.000 đồng/kg so với tháng trước; trong khi đó, hồi đầu năm nay, giá đường chỉ ở mức 8.000 - 8.500 đồng/kg, giá đường tăng dần từ tháng 3 với mức 9.500 - 9.700 đồng/kg và đến đầu tháng 7 là 12.000 đồng/kg.

Báo cáo mới đây của Hiệp hội Mía đường cho thấy giá đường trắng tại London ngày 4/8 ở mức 512,2 USD/tấn, ngày 6/8 là 518,9 USD/tấn và tới ngày 11/8 đã có lúc đường trắng giao cùng kỳ hạn được giao dịch với giá 561,9 USD/tấn - mức cao kỷ lục từ trước tới nay.

Giá bán buôn đường trong nước có thuế VAT tại các trung tâm bán buôn ở Hà Nội từ ngày 4 đến 10/8: đường kính trắng từ 12.900 - 13.700 đồng/kg; đường kính tinh luyện 13.500 - 14.500 đồng/kg; miền Trung từ 13.000 - 13.500 đồng/kg và Thành phố Hồ Chí Minh từ 12.200 - 13.200 đồng/kg.

Đại diện Hiệp hội Mía đường cho rằng, nguyên nhân chính khiến giá đường trong nước tăng là do niên vụ 2008 - 2009, người dân nhiều nơi đã bỏ trồng mía sang trồng các cây mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Một nguyên nhân nữa là có một số nơi như Nghệ An (nơi có nhà máy mía đường lớn) cây mía đã bị sâu bệnh tàn phá, gây ảnh hưởng lớn đến sản lượng mía và do bị ảnh hưởng trực tiếp từ sự tăng giá của đường thế giới.

Tổ Điều hành thị trường trong nước dự báo tháng 8, lượng đường tại kho nhà máy còn là 158.600 tấn và lượng đường nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan còn 21.000 tấn, như vậy tổng lượng cung về đường trong nước còn 179.600 tấn. Trong khi đó, theo dự báo của Hiệp hội Mía đường trong các tháng 7, 8 và 9, lượng đường tiêu thụ trong nước ước khoảng 182.700 tấn.

Vì vậy, lượng đường trong nước có khả năng đáp ứng tới cuối tháng 9. Đó là chưa kể lượng đường 40.000 tấn được nhập khẩu bổ sung (theo Thông tư của Bộ Công thương ngày 3/7/2009) để dự phòng giáp vụ 2009 - 2010 và tháng 9 tới sẽ có đường sản xuất của vụ mới 2009 - 2010 ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo ông Hà Hữu Phái, do giá đường thế giới vẫn theo chiều hướng tăng, sản xuất trong nước cũng bước vào thời kỳ giáp vụ nên các công ty, nhà máy đường lưu ý phối hợp chặt chẽ, tổ chức bán ra đều đặn với giá hợp lý để giữ ổn định thị trường, không để xảy ra thiếu đường cục bộ, dẫn đến “sốt” giá và ngăn chặn tình trạng đầu cơ trục lợi.

Các thành viên của Hiệp hội khi phát hiện đường lậu qua biên giới hoặc tiêu thụ trong nội địa thông báo với Văn phòng Hiệp hội Mía đường để báo cáo cơ quan chức năng can thiệp; đẩy mạnh sản xuất trồng mía cho năng suất cao, chất lượng tốt./.

(Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục