Đường sắt Bỉ thiệt hại tới 40 triệu euro mỗi ngày vì đình công

Cuộc đình công của công nhân viên ngành đường sắt Bỉ trong hai ngày 6-7/1 khiến nước này thiệt hại khoảng 40 triệu euro/ngày.
Đường sắt Bỉ thiệt hại tới 40 triệu euro mỗi ngày vì đình công ảnh 1Cảnh vắng vẻ ở khu vực đường sắt nhà ga trung tâm Brussels, ngày 6/1. (Nguồn: Reuters)

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, cuộc đình công của công nhân viên ngành đường sắt Bỉ trong hai ngày 6-7/1 khiến nước này thiệt hại khoảng 40 triệu euro/ngày.

Số liệu ước tính của Liên đoàn các công ty của Bỉ (FEB) cho thấy các chuyến tàu liên tỉnh và liên vận quốc tế không hoạt động đã khiến 40% lượng hành khách thường xuyên của Công ty đường sắt Bỉ (SNCB) phải sử dụng phương tiện xe cá nhân, làm mật độ giao thông tăng thêm 12%, kéo theo ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Thiệt hại do ùn tắc ước tính khoảng 16 triệu euro.

Đình công không chỉ gây ảnh hưởng cho việc vận chuyển hành khách mà còn tác động tới hoạt động vận tải hàng hóa.

Theo ước tính của FEB, sự chậm trễ trong quá trình vận chuyển này khiến nền kinh tế Bỉ thiệt hại gần 2 triệu euro (2,19 triệu USD), đồng thời làm gần 15% người lao động không thể đi làm trong ngày 6/1 – việc này cũng gây thiệt hại khoảng 14 triệu euro (15,35 triệu USD).

Bên cạnh đó, việc 45% hành khách thường xuyên đi làm bằng tàu hỏa đến công sở chậm trễ do tác động của cuộc đình công cũng khiến Bỉ mất thêm 2 triệu euro.

Còn rất nhiều thiệt hại kinh tế chưa thể thống kê hết, chẳng hạn việc các doanh nghiệp mất lợi nhuận, hay hoạt động liên vận quốc tế bị tê liệt dẫn tới hao hụt doanh thu từ 4 đến 8 triệu euro (4,38 đến 8,77 triệu USD).

Trước đó, Nghiệp đoàn công nhân đường sắt (CGSP) và Nghiệp đoàn vận chuyển đường sắt (CSC) đã tổ chức cuộc đình công của công nhân viên trong ngành, nhằm phản đối chính sách cải cách ngành do Bộ trưởng Giao thông Jacqueline Galant đưa ra trong bối cảnh khu vực này hiện nợ khoảng 4 tỷ euro (4,38 tỷ USD).

Các nghiệp đoàn yêu cầu ban lãnh đạo SNCB bảo đảm việc làm cho toàn bộ công nhân viên, đồng thời bỏ kế hoạch tăng hiệu suất lao động và tái cơ cấu công ty - điều mà họ cho rằng có thể phải cắt giảm bớt lao động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục