Đường sắt Cát Linh-Hà Đông bị lùi tiến độ vì… đoàn tàu điện

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông có thể phải lùi “mốc” hoàn thành sang quý 1/2016 vì phụ thuộc vào chế tạo, thiết kế đoàn tàu.
Đường sắt Cát Linh-Hà Đông bị lùi tiến độ vì… đoàn tàu điện ảnh 1Đoạn công trình đường sắt Cát Linh-Hà Đông tại khu vực quận Hà Đông. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Mặc dù Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải đã nhiều lần “thúc” và điều chỉnh tiến độ, dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông vẫn bị chậm tiến độ do năng lực tổng thầu có tính chuyên nghiệp không cao khi nhiều lần cam kết nhưng đều không thực hiện xong.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, từ nay đến ngày 31/12/2015 cơ bản xong phần hạ tầng cơ sở đối với dự án này nhưng vẫn phải lùi “mốc” hoàn thành sang quý 1/2016 vì phụ thuộc vào chế tạo, thiết kế đoàn tàu.

Tại cuộc họp Sơ kết quý 1 và triển khai tiếp nhiệm vụ quý 2 tại Bộ Giao thông Vận tải vào chiều nay (3/4), theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông so với hợp đồng ký kết đã chậm gần 2 năm và tiến độ điều chỉnh lại phải hoàn thành vào 31/12/2015. Đặc biệt, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo quyết liệt nhưng thực tế dự án gặp nhiều khó khăn do năng lực nhà thầu, điều hành của Ban quản lý dự án, giải phóng mặt bằng...

Với Tổng thầu EPC, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu phải có mặt đúng đội hình nhân sự từ Tổng giám đốc điều hành tới nhân sự về quản lý liên quan, kỹ thuật, an toàn, chất lượng, nhân viên thiết kế… để đáp ứng dự án này không chậm.

“Phía Trung Quốc đã đồng tình với quan điểm của Bộ. Sắp tới đây, Công ty hữu hạn tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc sẽ tăng cường về năng lực, trang thiết bị và giải pháp thi công để đẩy nhanh tiến độ,” Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nhấn mạnh.

[Đường sắt trên cao: Tổng thầu Trung Quốc hứa rồi không làm]

Đề cập đến công tác thanh toán của Tổng thầu EPC cho các đơn vị thầu phụ còn rất chậm trễ, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, Bộ yêu cầu Tổng thầu phải đáp ứng khối lượng thanh toán cho các nhà thầu phụ, xấp xỉ 300 tỷ đồng. Phía Trung Quốc cam kết đến nay đã chuyển trên 100 tỷ đồng và nhà thầu đã có dấu hiệu tích cực trong thi công.

“Trong tháng Tư sẽ tập trung hoàn thiện xong khâu thiết kế kỹ thuật và dự toán đồng yêu cầu lấy một ga mẫu ở La Khê hay La Thành để tháng Chín này hoàn thàn nhà ga mẫu tạo điều kiện cho nhân dân chứng kiến đoàn tàu mẫu và xin ý kiến người dân,” lãnh đạo ngành giao thông nói.

Bàn về “mốc” tiến độ dự án, theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, Ban quản lý dự án đường sắt yêu cầu từ nay đến 31/12/2015 cơ bản xong phần hạ tầng cơ sở đối với dự án này. Bộ Giao thông Vận tải sẽ chỉ đạo hàng tháng đề ra tiến độ hoàn thành bao nhiêu, giải ngân bao nhiêu và tin tưởng cách làm đó cuối năm sẽ cơ bản hoàn thành phần bê tông, sắt thép.

“Riêng phần đoàn tàu điện còn phụ thuộc nhà chế tạo, thay đổi thiết kế nên dự án có thể sẽ chậm sang quý 1/2016 nhưng quyết tâm cao nhất có xê dịch cũng không được nhiều để đáp ứng chỉ đạo của Chính phủ đối với công trình này,” Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định.

Liên quan đến việc tổng mức đầu tư dự án phải điều chỉnh, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng, tuyến đường sắt này trước đây vốn đầu tư hơn 500 triệu USD nhưng hiện tại đã phải “đội” thêm 200 triệu USD. Bộ Giao thông Vận tải đang tiếp tục rà soát tăng ở hạng mục nào và đâu là nguyên nhân để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

“Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản báo cáo Chính phủ cho phép điều chỉnh tăng vốn để làm cơ sở đàm phán với Ngân hàng Eximbank Trung Quốc vay vốn bổ sung. Được biết, phía Eximbank đã thấy được nguyên nhân tăng vốn và yêu cầu phải tiêu hết số tiền đang có từ nay đến cuối năm sau đó mới tiếp tục đàm phán. Hiện, dự án mới giải ngân được 60%,” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải tiết lộ.

Trả lời câu hỏi về việc tích hợp các công nghệ giữa các tuyến đường sắt đô thị trong thời gian tới sau khi hoàn thành, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, các tuyến đường sắt đô thị đầu tư bằng nhiều nguồn vốn của nhiều nước. Để triển khai được việc đồng bộ, Bộ đã giao Vụ Khoa học Công nghệ trình tiêu chuẩn hợp nhất của công nghệ, để làm thế nào kết nối, dùng 1 thẻ vé có thể đi được tất cả các tuyến đường sắt.

Trước đó, ông Lê Kim Thành, Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, tiến độ tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông tiếp tục chậm trễ nghiêm trọng bởi Tổng thầu EPC của dự án để xảy ra nhiều tồn tại.

“Sau rất nhiều lần chấn chỉnh, phê bình, cảnh cáo nhưng đến nay, hầu hết các cam kết của Công ty hữu hạn tập đoàn Cục 6 đều không thực hiện xong, điều đó đã thể hiện năng lực, kinh nghiệm và tính chuyên nghiệp của Tổng thầu không cao,” ông Thành khẳng định.

Nhằm giải quyết triệt để các vấn đề còn tồn tại hiện nay, Ban Quản lý đường sắt đề nghị lãnh đạo Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 sang Việt Nam để trực tiếp họp bàn giải quyết tồn tại và chỉ đạo các công việc của dự án, đảm bảo hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra, đáp ứng được sự kỳ vọng của nhân dân./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục