Đường tồn kho nhiều nhưng thị trường vẫn thiếu

Trong khi Hiệp hội Mía đường khẳng định không thiếu đường cho sản xuất nhưng nhiều doanh nghiệp lại đang thấp thỏm lo âu bởi phải mua đường trong nước với giá cao hơn từ 2.500 - 3.000 đồng/kg so với giá đường nhập khẩu và nguồn cung này chỉ đủ trong ngắn hạn.

Ông Doãn Minh Dũng, Tổng giám đốc Công ty Kotobuki than thở, giá đường mà Kotobuki lấy của nhà cung cấp trong nước chênh lệch 4.000 đồng/kg so với giá nhập khẩu.

Trong khi Hiệp hội Mía đường khẳng định không thiếu đường cho sản xuất nhưng nhiều doanh nghiệp lại đang thấp thỏm lo âu bởi phải mua đường trong nước với giá cao hơn từ 2.500 - 3.000 đồng/kg so với giá đường nhập khẩu và nguồn cung này chỉ đủ trong ngắn hạn.

Găm hàng để trục lợi?

Theo ghi nhận của phóng viên, giá đường bán lẻ tại các siêu thị, chợ đang dao động ở mức 14.400 - 16.800 đồng/kg. So với thực tế thì giá đường trong nước đang cao hơn giá đường nhập khẩu từ 2.500 - 3.000 đồng/kg.

Ông Doãn Minh Dũng, Tổng giám đốc Công ty Kotobuki than thở, giá đường mà Kotobuki lấy của nhà cung cấp trong nước chênh lệch 4.000 đồng/kg so với giá nhập khẩu.

"Tính trung bình, mỗi tháng Kotobuki sử dụng khoảng 200 tấn đường làm nguyên liệu sản xuất, như vậy công ty đã bỏ ra khoảng 800 triệu đồng/tháng để mua đường với giá đắt", ông Dũng nói.

Trong khi đó, đại diện của Vinamilk thì cho hay, riêng tháng 9/2009, chỉ có hai nhà cung cấp nội địa chào bán đường với số lượng sử dụng cho sản xuất của Vinamilk. Các nhà cung cấp nội địa khác cho biết, họ đã hết hàng hoặc chỉ còn rất ít để bán lẻ.

Số liệu của Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho thấy, bắt đầu từ tháng 5/2009 giá đường trắng tinh luyện liên tục tăng, từ 9.000 đồng lên 10.500 đồng/kg. Đến tháng 8/2009, giá đường bất ngờ vọt lên 13.000 - 14.000 đồng/kg (tăng 33,3%). Và từ đầu tháng 8 đến nay, giá bán lẻ đường trắng tinh luyện luôn ở mức 15.000 - 16.000 đồng/kg. Nếu so với giá đường đầu năm 2009 thì giá đã tăng khoảng 50 - 65%.

Lý giải giá đường tăng lên trong những ngày qua, ông Hà Hữu Phái, Tổng Thư ký Hiệp hội mía đường Việt Nam phân tích: Do sản lượng đường toàn cầu vụ 2008 - 2009 thiếu hụt 4,2 triệu tấn so với nhu cầu tiêu dùng đã thúc giá đường hiện nay tăng 60,2% so với đầu năm 2009 và tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm trước.

Trong vụ 2008 - 2009, Việt Nam sản xuất được 951.000 tấn đường các loại (bao gồm đường thô, đường RS và đường RE), nhưng sản lượng đường RS là chủ yếu và đây là sản lượng đạt được thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

"Chính diễn biến này đã kéo giá đường trong nước tăng theo", ông Phái khẳng định.

Ông Phái cũng cho biết thêm, niên vụ 2009 - 2010, diện tích trồng mía tại Đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn 52.500 ha, giảm 12.500 ha so với niên vụ trước. Dự kiến sản lượng mía trong niên vụ 2009 - 2010 đạt khoảng 3,8 triệu tấn, chỉ đủ cho 10 nhà máy đường trong vùng (tổng công suất 23.000 tấn /ngày) hoạt động trong thời gian 165 ngày trong năm, ít hơn niên vụ 2008 - 2009 là 35 ngày.
 
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tuấn Khải, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế (IDP) lại cho rằng: Trên thị trường hiện nay có hàng nghìn doanh nghiệp sử dụng lượng đường lớn, trong khi đó chỉ có trên 30 doanh nghiệp trong nước sản xuất đường.

"Vấn đề của ngành mía đường hiện nay là nằm ở hệ thống phân phối chưa hợp lý. Bên cạnh đó việc ký hợp đồng giao hàng kỳ hạn với các nhà máy đường đôi khi cũng không hề dễ do các doanh nghiệp nhiều khi cũng không dám cam kết vì chưa rõ năm nay có được mùa hay không ?", ông Khải đặt câu hỏi.

Còn ông Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương lại cho rằng: Từ trước đến nay Hiệp hội luôn khẳng định không thiếu đường, nhưng trên thực tế lại không có đủ đường để bán cho các nhà máy trong khi giá đường cao ngất ngưởng.

"Hiệp hội Mía đường nói còn tới 100.000 tấn đường tồn kho thì vậy số đường đó đâu mà lại để doanh nghiệp kêu khó mua", ông Xuân nhấn mạnh.

Nhập khẩu để "cắt cơn" khát

Theo các chuyên gia, mặc dù có sự chênh lệch về giá nhập khẩu và giá trong nước, nhưng khả năng để các doanh nghiệp nhập khẩu đường cũng không nhiều, bởi đã cận kề vụ thu hoạch mía và thủ tục xin quota cho nhập khẩu đường cũng chẳng dễ dàng.

Bên cạnh đó, nếu Việt Nam nhập khẩu ồ ạt một số lượng lớn đường chắc chắn sẽ gây tác động lớn tới các nhà sản xuất đường trong nước, thương lái sẽ không thu mua mía của người dân.

Việc giá đường trong nước cao hơn giá đường nhập khẩu, hẳn nhiên là niềm vui với nhà cung cấp đường, song cũng khiến các doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu đầu vào là đường đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là "cần phải làm rõ xem, liệu có hành vi găm hàng trục lợi của doanh nghiệp hay không ?"

Đánh giá về tình hình cung ứng đường thời gian qua, ông Hoàng Thọ Xuân cho rằng: Với trách nhiệm quản lý của mình thì Bộ Nông Nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và Hiệp hội Mía đường có trách nhiệm trong việc cung ứng, đảm bảo cho doanh nghiệp đủ nguyên liệu để sản xuất đồng thời xem xét cấp thêm hạn ngạch nhập khẩu để đảm bảo cung ứng cho thị trường trong nước, giải tỏa bức xúc hiện nay.

"Bộ Công Thương dự kiến cho phép các doanh nghiệp lớn nhập thêm 10.000 tấn đường trong thời gian tới để làm dịu cơn sốt đường trong nước", ông Xuân cho biết./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục