Từ 4 năm trở lại đây, Ban An toàn giao thông thành phố Đà Nẵng đã duy trì mô hình người dân tham gia gác chắn tại các đường ngang dân sinh. Đây cũng là một trong những địa phương đi đầu trong việc vận động nhân dân địa phương chung tay cùng chính quyền địa bảo đảm an toàn đường sắt.

Ở quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) có một đội gác tàu tình nguyện. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Nhưng rất ít người biết rằng, nguồn cảm hứng cho phong trào ấy lại được bắt đầu từ một gã tật nguyền. Trong suốt hàng chục năm trời, một người đàn ông vừa câm vừa điếc, lại dở mù ở quận Liên Chiểu đã bất kể mưa nắng tự nguyện trần mình ra gác chắn và chỉ dừng công việc ấy khi đôi mắt đã không thể thấy đường.

Người đàn ông đặc biệt ấy tên là Lê Ngọc Quý (sinh năm 1965, ngụ tổ 124, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng).

Bây giờ, đến phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng hỏi chuyện ông điếc chắn tàu ngày nào không ai là không biết. Thậm chí, cư dân địa phương còn tận tình dẫn chúng tôi vào tận ngôi nhà nằm nép mình ngay bên xóm đường tàu lúp xúp, đồng thời không quên chép chép miệng: “Giờ ổng không thấy, không nghe, không nói được nữa rồi. Chỉ ú ớ ngồi trước cửa cả ngày nhìn ra ray xe lửa thôi.”

Từ khi mới sinh ra, ông Lê Ngọc Quý đã mắc hội chứng câm, điếc bẩm sinh, chân lại bị di tật cong vòng nên việc đi lại vô cùng khó khăn. Không đầu hàng số phận, khi lớn lên, Quý xin vào làm bốc vác thuê cho một người hàng xóm.

Những tưởng, từ đây, cuộc sống của ông sẽ bình lặng trôi qua. Thế nhưng những bất hạnh lại liên tiếp đổ về. Trong một lần làm việc quá sức, Quý bị chấn thương cột sống. Chỉ vài năm sau, đến lượt con mắt trái của ông bị cành cây đâm vào và dần dần mất hoàn toàn ánh sáng. Đang tuổi lao động, người đàn ông xóm nghèo ven đường tàu bỗng trở thành tàn phế...

Năm 1995, sau một thời gian khủng hoảng, ông Quý bắt đầu gượng dậy theo một cách... chẳng ai có thể tưởng tượng được: Ông đi gác chắn tàu tự nguyện. Anh Lê Ngọc Quang, em trai ruột của ông Quý đến tận bây giờ vẫn nhớ như in “cái sự lạ” mà anh mình đã làm ngày ấy. Anh kể: “Ban đầu, cả nhà tui thấy ảnh lọ mọ đi xin mấy bộ quần áo cũ của một nhân viên bảo vệ về rồi lúi húi sửa lại thì cũng không nghĩ gì. Đến lúc, ảnh tự may cờ hiệu vàng, đỏ, mua còi hiệu rồi ra ray đứng canh tàu thì mọi người mới phát hoảng.”

Khi ấy, cả nhà anh Quang xúm vào can ngăn nhưng không làm thay đổi được quyết tâm của người đàn ông tật nguyền. Ông thậm chí còn lấy giấy viết nguệch ngoạc: “Tôi không muốn làm người vô dụng.”

Cũng từ ngày ấy, người dân Hiệp Hoà Nam sống ven theo đường sắt bắt đầu bắt gặp cảnh ông điếc ngày ngày mặc áo tự chế, đem theo cờ hiệu tự may ra đứng tại góc ngã tư đường dân sinh giao cắt với đường tàu làm gác chắn sống.

Do bị câm điếc bẩm sinh, thị lực lại suy giảm nên khi “lên ban”, ông Quý phải bám ray theo đúng nghĩa nhất. “Gã khùng”, như cách gọi lúc bấy giờ của cả xóm ngồi bám chặt mặt đường, mắt liên tục ngó về hai phía để quan sát. Mỗi lần có tàu đến, ông lại vội vã chặn những chiếc xe đang cố vượt qua, ú ớ ra hiệu cảnh báo mọi người.

Anh Lê Ngọc Quang, em ruột ông Quý đã thay anh trai mình làm công việc gác tàu thầm lặng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Một ca gác của ông điếc phường Hiệp Hoà Nam thường kéo dài từ sáng sớm đến tận đêm khuya bất kể mưa hay nắng. Có những khi đang ăn cơm, nhìn đồng hồ biết tàu sắp đến, ông lại bỏ dở chạy vội ra gác đường.

“Còn có bữa, ảnh chặn không cho xe một người say rượu vượt đường ray lúc tàu sắp đến. Đợi tàu đi qua, người ta còn lùa đánh ảnh. Còn việc bị mắng, chửi là điên, khùng thì ảnh cũng không nghe được mà cự lại. Lúc ấy, tôi phải bảo: Người ta đã làm không lương, không hướng gì, đáng ra phải thương lấy ổng chứ lại còn chửi,” anh Quang khẽ nhăn mặt kể.

Suốt gần 20 năm, bóng ông Quý câm bên ray xe hoả dần dần trở nên thân quen với cả xóm đường tàu. Số vụ tai nạn cũng giảm đi trông thấy. Và người ta bỏ dần cách gọi Quý khùng, Quý dở để chuyển thành ông đường tàu, bác gác ghi.

Năm 2013, thấy việc làm của ông Quý phát huy hiệu quả, Ban An toàn giao thông thành phố Đà Nẵng đã quyết định thành lập các đội gác chắn tự quản tại địa phương, lấy quận Liên Chiểu làm thí điểm. Từ một việc làm được coi là điên rồ, ông Quý đã trở thành niềm cảm hứng chính cho cả một phong trào nhiều năm về sau.

Tính đến nay, chỉ riêng tại quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng đã có cả chục chốt gác tàu mà các “nhân viên” chính là người dân địa phương.

Ông Đoàn Ngọc Thuần năm nay 65 tuổi đã có 4 năm gác chắn tại trạm bến Bà Tâm. Vừa lúi húi sắp xếp đồ đạc để chuẩn bị vào ca, ông Thuần cho hay: "Sau khi Ủy ban Giao thông có chủ trương, tôi cùng một số anh em cựu chiến binh đã xin ra đây gác tàu. Đặc điểm của khu vực này là hệ thống đường ngang dân sinh giao cắt dày đặc, có độ dốc lớn nên nếu không có trạm canh thì rất nguy hiểm."

Một buổi trực của những gác ray không chuyên như ông Thuần kéo dài 12 tiếng, luân phiên cho đến hết 24 giờ. Trong khoảng thời gian này, họ có nhiệm vụ trực, đón tàu để hạ rào chắn, không cho các phương tiện vượt qua. Công việc nghe qua có vẻ đơn giản và nhàm chán nhưng cũng không kém phần nhọc nhằn.

Ông Lê Thú, một "nhân viên từ dân" khác chia sẻ thành thật: "Áp lực lớn nhất đối với chúng tôi chính là phản ứng của người qua đường. Nhiều cô bác thấy chúng tôi làm việc thì quay ra càm ràm: 'Tàu chưa đến mà các chú đã gác cây'. Thậm chí không thiếu người chửi mắng. Trong khi theo nguyên tắc: Tàu cách điểm gác 500m, chúng tôi đã phải hạ chắn rồi."

Lê Ngọc Quang, em trai của "dị nhân" gác tàu tự nguyện Lê Ngọc Quý từ nhiều năm nay cũng nối gót anh mình ra trạm chắn trước nhà. Theo anh Quang, theo nghiệp này, tất cả đều phải tập chịu quen dần với mưa nắng. Bởi mặc dù không chuyên, nhưng theo quy định họ vẫn phải đảm bảo đúng và đủ quy định của ngành đường sắt. Họ không được bỏ chốt, bỏ trực cho tới khi có lệnh dừng tàu.

"Như cơn bão vừa rồi, mọi người đều phải mặc áo tơi, hứng gió cả ngày lẫn đêm để làm việc. Dù mưa mấy cũng phải đứng sát rệ đường ngóng tàu vì lúc này tầm nhìn rất hạn chế," anh Quang kể.

Hình ảnh những người gác tàu tình nguyện khiến chúng ta thêm tin vào giá trị cuộc sống này. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Khi được hỏi về mức trợ cấp, anh Quang cho biết: Hiện tại, mỗi một người làm nhiệm vụ gác như anh sẽ nhận lương theo quý, cứ 3 tháng phát một lần.

"Đồng lương thì không đáng mấy, nhưng tôi nghĩ việc mình làm cũng là vì bà con nên vẫn ráng," anh cười vui vẻ nói.

Với anh Quang, khoảng thời gian vui vẻ nhất cũng gắn chặt với trạm chắn Hiệp Hòa Nam. Đó là những buổi trực đêm, vợ và hai đứa con còn nhỏ của anh cũng lẽo đẽo theo bố ra cái chòi gác ọp ẹp. Cả nhà cùng nhau thức, cùng nhau đón đợi những chuyến tàu. Ngày đẹp trời, lũ trẻ chơi chán với ray, với tà vẹt còn ngủ luôn tại tấm phản kê ngay ngắn sát đấy.

Tàu, tiếng còi vào cua, tiếng bánh sắt xiết rền rĩ vào đường ray... cứ thế theo nhau vào giấc ngủ của chúng....