Trong hệ thống dài ngót nghét 1.726kilomet của đường sắt Bắc-Nam, cung qua đèo Hải Vân là một trong những cung heo hút vào bậc nhất. Nhìn từ trên cao, 20 cây số đường ray chỉ mỏng manh như một sợi chỉ, vắt vẻo giữa một bên là núi cao, một bên là vực thẳm và biển rộng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Để lên được Cung Hải Vân 2 có vị trí cao nhất đèo ở độ cao lên tới 500m so với mực nước biển chỉ có đúng hai cách: Hoặc xin quá giang tàu chậm từ Đà Nẵng hay Huế ngược lên hoặc đi ôtô lên lưng chừng đèo rồi cuốc bộ chừng vài cây số dốc rừng mà xuống. Đây cũng là một trong những ga đèo khó khăn và hiểm trở nhất của ngành đường sắt Việt Nam. Thế nhưng, từ cuối những năm 70, đầu 80 của thế kỷ trước, những “người lính” tiên phong của ngành đường sắt đã có mặt, cắm chốt trên dãy Thiên hạ đệ nhất hùng quan này. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Trưởng ga Hải Vân là anh Trịnh Văn Thành (34 tuổi). Thành là người dân gốc Thanh Hóa nhưng cả gia đình anh đã dọn vào Đà Nẵng sống từ lâu. Anh Thành đã là Trưởng ga Hải Vân gần 5 năm nay. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Chú Phan Viết Định (52 tuổi) là trực ban chạy tàu gần 30 năm nay. Công việc chính của chú Định là tổ chức chạy tàu, chống vượt, đảm bảo an toàn đường sắt. Công việc của chú Định đầy áp lực khi luôn luôn phải theo dõi sát sao lịch chạy của tàu nhằm đảm bảo các chuyến tàu được thông suốt không gặp trở ngại. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Cách ga Hải Vân chừng 300m là dãy nhà ở của các cán bộ, kỹ sư cầu đường trên đèo Hải Vân được xây quay lưng ra biển. Ba mặt còn lại chỉ toàn núi với núi. Trong những ngày xấu trời, mây mù có lúc sà sát xuống, luẩn quẩn ngay trên đầu người. Đấy là còn chưa kể tới gió, thứ đặc sản hãi hùng đặc trưng của Đệ nhất hùng quan. Gió bao vây tứ bề khu lưu trú, gió hằn học, xồng xộc muốn xô đẩy anh em. Nhìn từ trên cao, dãy nhà như bị thiên nhiên hùng vĩ nuốt gọn vào trong lòng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Từ đây có thể dễ dàng nhìn xuống thành phố Đà Nẵng đầy vẻ trẻ trung và năng động. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Anh Phạm Khắc Tuấn (58 tuổi) là Phân đoạn phó cung đường sắt Hải Vân. Anh Tuấn đã làm việc tại lưng chừng đèo này từ năm 1981. Gần 30 năm gắn bó với ngành, anh Tuấn đã nếm đủ thứ đắng cay ngọt bùi cùng những anh em tại ga. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Nhắc tới ngành đường sắt, hầu hết mọi người chỉ nhớ những con tàu đến và đi, những nhà ga được điểm tên trên địa đồ hành chính. Rất ít người biết đến “lính” cầu đường hay gác ghi, đơn vị có tầm quan trọng sống còn đảm bảo cho an toàn của mọi chuyến đi. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Từ hàng chục năm nay, nhiều thế hệ tuần đường, tuần hầm, gác cầu, gác ghi... vẫn cứ âm thầm tự đếm bước chân mình trên từng thanh ray. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Anh Nguyễn Văn Thái (42 tuổi) người gốc Nghệ An là 1 trong những người gác ghi cần mẫn tại khu nhà ga Hải Vân gần 15 năm nay. Anh Đá chia sẻ, trước đây thời huy hoàng của ngành đường sắt và cũng vì yêu ngành đường sắt nên anh quyết tâm đi làm. Điều kiện trên đèo khó khăn nhưng chỉ vì yêu nghề nên anh mới trụ lại đây. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Khổ, khó, cô độc, đó có lẽ là miêu tả chính xác nhất để hình dung về công việc của những cán bộ, công nhân ngành đường sắt trên một trong những điểm ga cao chót cùng đất nước. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Những cán bộ, công nhân thuộc cung đèo Hải Vân này vốn đã quen với việc thời tiết thay đổi nhanh chóng mặt đến khắc nghiệt, đang từ nắng chang chang rồi đột ngột chuyển mưa gió. Ấy vậy mà hàng ngày, hàng giờ họ vẫn bám trụ với vị trí quen thuộc của mình. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Toàn bộ đèo có ba cung đường: Hải Vân 1, Hải Vân 2 và Hải Vân 3. Trên phân đoạn này có tất cả sáu đường hầm (từ hầm số 9 đến hầm 14, tính từ phía bắc vào), tổng chiều dài 2.285m. Mỗi một công nhân tuần hầm trong ngày sẽ phải lên hai ban, mỗi ban đi liên tục trong vài giờ đồng hồ rồi mới được nghỉ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Nhưng, ở đỉnh cao của cô độc phải là những người làm nhiệm vụ tuần đường, tuần hầm, cái nghề được anh em tự trào phúng là nghề tự đi đếm bước chân. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Xét về tuổi đời và tuổi nghề, ông Nguyễn Xuân Định được xếp vào bậc lão làng của hệ tuần đường, tuần hầm của cả Phân đoàn Hải Vân. Tới thời điểm tháng 12/2017, ông đã có tới 34 năm công tác. Suốt mấy chục năm này, ông Định quen với việc tự đi đếm bước chân mình trên những ray xe lửa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Công việc của những người như ông Định thoáng qua thì vô cùng đơn giản. Hàng ngày khi lên ban, ông chuẩn bị quần áo, mũ nón, kèn, đèn, cờ cùng pháo hiệu chỉnh tề rồi lầm lũi.... đi. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Nhiệm vụ chính của các công nhân thuộc hệ đi tuần là kiểm tra, phát hiện các hỏng hóc trên ray để kịp thời sửa chữa. Trong trường hợp có sự cố nghiêm trọng như có đất sạt lở, lũ cuốn trôi đường, họ sẽ chạy bộ ra cách khu vực hiện trường khoảng 600-800m, đặt pháo vào ray để khi tàu chèn qua, pháo nổ làm hiệu lệnh cho tài xế dừng lại. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Tay trái cầm đèn pin, vai lủng lẳng túi đồ nghề, ông Định bắt đầu phăm phăm bước đi trên thanh ray nhỏ không đủ đặt trọn bàn chân người. Chỉ một quãng, cửa hầm số 12 đã hiện ra, sâu hun hút. Từ phía ngoài nhìn vào chỉ thấy bên trong đặc quánh bóng tối. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

“Quy định của ngành là khi đi phải đi một bên, về thì là bên còn lại. Chúng tôi buộc phải đi trên ray để kiểm tra xem có con ốc nào bị rời ra, hay có hỏng hóc gì không để còn kịp thời có phương án sửa chữa,” ông Định giải thích. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Tính trung bình, trong mỗi buổi lên ban, một công nhân tuần hầm, tuần đường di chuyển cả đi lẫn về cả mấy chục kilomet và phải đảm bảo độ chính xác cao. Cực hơn cả phải kể đến việc đi tuần trong mùa mưa. Thời điểm ấy, nhiệt độ trên đèo hạ thấp. Gió từ biển thốc ngược lên, chực xô đẩy ngã người. Anh em tuần tra có khi phải nằm rạp, bám chặt vào thanh ray để tiến tiếp. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Thương xuyên ở nơi thậm khó, thậm khổ, lại không dễ dàng vào được nên những chàng lính cầu đường vui như hội khi biết tin có người đến thăm. Thậm chí họ còn vào rừng, tìm chuối về ngâm rượu đãi khách. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Những chiếc dép cao su, đặc sản của lính cầu đường ngành đường sắt. Những đôi dép trông đơn giản nhưng rất bền và chắc chắn. Mưa gió đi không sợ trơn trượt. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Trong căn phòng nghỉ tập thể rộng chừng 20m2, đồ đạc trong phòng cũng được tối giản hết mức. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Đây là nơi nghỉ ngơi của các anh em công nhân sau ca trực. Phần lớn khi hết ca, họ về phòng tắm rửa và nằm ngủ gục luôn xuống. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Chị Trương Thị Hiến, là một trong 2 cấp dưỡng tại nhà ga Hải Vân. Công việc hàng ngày của chị là đi chợ nấu nướng cho các nhân viên tại đây. Hàng ngày chị vẫn nhảy tàu để mang thực phẩm lên khu nhà ga cho các đồng nghiệp. Công việc khá vất vả khi những ngày thời tiết xấu chị vẫn phải đi lên nhằm đảm bảo 2 bữa ăn hàng ngày cho đồng nghiệp. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Với khẩu phần ăn của mỗi nhân viên tại khu vực này hạn hẹp, thiếu thốn, chị Hiến lại trổ tài tháo vát, khéo léo làm sao để có được một bữa ăn ngon, đầy đủ dinh dưỡng cho các anh em. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Chú Trang Tú (46 tuổi) người gốc Bình Định đã làm việc tại đây từ năm 1991. Hàng ngày chú Tú phải đi tuần dọc tuyến đường ray gần 20 cây số để đảm bảo các đoạn đường được an toàn cho mỗi chuyến tàu qua. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Đến nay, chỉ nhẩm sơ qua, người đàn ông gốc Bình Định ấy cũng đã kịp “bỏ túi” mấy nghìn cây số cuốc bộ, kiểm ray. Chú bảo: Nghề tuần đường không sợ mưa, nắng, cũng không ngại vất vả. Điều khiến những người như chú cảm thấy ám ảnh nhiều hơn lại là sự cô đơn. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Buổi tối, khi công việc đã lắng xuống. Những "người lính" lại quây quần nghỉ ngơi trong căn phòng tập thể. Họ cười đùa, nói chuyện với nhau bằng những câu chuyện nghe đã nằm lòng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Những cán bộ công nhân trẻ lại trầm lắng hơn. Họ nằm dài ngồi xem thời sự để nắm bắt được những gì xảy ra ở ngoài cái con đèo heo hút chỉ có cây và gió. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Cô độc, có lẽ là từ chính xác nhất để nói về những cán bộ công nhân viên tại ga Hải Vân. Cô độc không chỉ vì không có ai thăm viếng mà còn bởi núi rừng mênh mông. Đến dày dặn như Cung trưởng Hải Triều nhưng cũng không tránh khỏi cảm giác rợn ngợp khi lần đầu đối diện với Hải Vân quan. Anh kể: Những ngày đầu mới lên đèo nhận nhiệm vụ, anh đã rất muốn bỏ về một phần vì nhớ nhà, một phần vì cảnh vật hoang vu quá. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Chú Trương Đá (52 tuổi) người dân gốc Đà Nẵng. Chú Đá đã làm công việc gác ghi gần 22 năm nay. Chú Đá tâm sự, làm nhân viên gác ghi là một công việc rất áp lực, lúc nào cũng phải trong trạng thái tỉnh táo để nhận thông báo cho việc tàu nào dừng tránh tàu nào đi qua. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Có khi mỗi tối chú Đá lại tự chơi bài một mình để giữ cho mình được tỉnh táo. Người đàn ông dù đã đến ngưỡng tuổi về hưu này vẫn đau đáu về một ngày nào đó khi không được làm công việc gác ghi nữa sẽ rất nhớ, vì làm lâu năm, tình yêu nghề đã ngấm vào máu lúc nào không hay. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Người trẻ nhất trong đội cầu đường của Cung 2 là Nguyễn Mậu Hân. Sinh năm 1990 nhưng chàng trai trẻ quê Quảng Nam cũng đã kịp có 7 năm gác ghi trên đỉnh đèo. “Ở đây, buồn nhất là những ngày Tết. Mấy năm đầu, em ứa nước mắt luôn, chỉ muốn bỏ về không làm nữa. Mãi đến vài năm sau mới bắt đầu quen dần được,” Hân thành thật. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Chàng trai 27 tuổi trong mỗi ca làm đêm thường hướng ra biển, nhìn những ánh đèn sáng rực rỡ từ Đà Nẵng hắt lên đèo cao: “Trông gần thế mà xa lắm anh ạ.” (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Vất vả và cô đơn là thế, nhưng điều kỳ lạ là hầu hết những người công nhân tại đây lại không nghĩ tới việc sẽ bỏ nghề. Họ bảo: Nếu ngày mai phải nghỉ, chắc chắn họ sẽ nhớ lắm những cung đường, những eo gió và cả tiếng còi tàu vào cua gấp gáp trên lưng đèo Hải Vân. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Bài trước Bài tiếp