"Dứt khoát thu hồi đất sử dụng sai mục đích"

Tiếp tục phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII, chiều 12/6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường Phạm Khôi Nguyên đã trả lời chất vấn trực tiếp của 14 đại biểu tập trung vào lĩnh vực quản lý đất đai; liên quan đến sân golf và trách nhiệm của Bộ cùng các bên liên quan; lĩnh vực môi trường, chủ yếu là xung quanh dự án khai thác quặng bauxite Tây Nguyên...

Tiếp tục phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XII, chiều 12/6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường Phạm Khôi Nguyên đã trả lời chất vấn trực tiếp của 14 đại biểu tập trung vào lĩnh vực quản lý đất đai; liên quan đến sân golf và trách nhiệm của Bộ cùng các bên liên quan; lĩnh vực môi trường, chủ yếu là xung quanh dự án khai thác quặng bauxite Tây Nguyên...

Không sử dụng nguồn nước ngầm phục vụ cho khai thác, chế biến khoáng sản

Đại biểu Nguyễn Thị Mai (Ninh Thuận) đặt câu hỏi là Bộ Tài nguyên-Môi trường có chiến lược khai thác và sử dụng nước để phát triển cây công nghiệp và nền nông nghiệp bền vững ở khu vực Tây Nguyên? Nước thải công nghiệp khai thác bauxite đi về đâu?

Bộ trưởng cho biết, nguyên tắc chung sử dụng nước tại các dự án này là phương pháp tuần hoàn, nước thải qua xử lý sẽ được sử dụng lại. Về cơ bản nước thải không ảnh hướng xuống vùng Tây Nam Bộ và Trung Nam Bộ. Dự án Nhà máy Tân Rai hiện đang xây dựng hồ Cai Bản với công suất 17,5 triệu m3, không chỉ để giải quyết nước cho Nhà máy mà còn để phục vụ nhu cầu nước dân sinh. Giai đoạn đầu, Nhà máy Tân Rai sẽ sử dụng khoảng 14 triệu m3, còn lại phục vụ cho dân sinh ở khu vực xung quanh. Qua nghiên cứu, Bộ nhận thấy vấn đề sử dụng nước cho Nhà máy Tân Rai hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến nguồn nước ngầm, vì hồ chứa sẽ tích nước trong mùa mưa.

Dự án Nhân Cơ cũng đang chuẩn bị xây dựng hồ chứa nước khoảng 20 triệu m3. Giai đoạn đầu của nhà máy cũng chỉ sử dụng khoảng 14 triệu m3, phần còn lại sẽ được sử dụng cho nhu cầu dân sinh và tưới tiêu phục vụ sản xuất cho khu vực xung quanh Nhà máy.

Liên quan đến dự án khai thác quặng titan, Bộ trưởng khẳng định hiện Bộ chưa nhận được Tờ trình xin khai thác quặng titan nào của tỉnh Ninh Thuận. Tuy nhiên, đây là tài nguyên khoáng sản vô cùng quý giá, nếu khai thác sâu từ 23 - 25m sẽ có khoảng 20 - 40 triệu tấn titan, nên nếu các doanh nghiệp xin khai thác phải thực hiên đúng các thủ tục xin cấp phép. Quan điểm của Bộ không khai thác sử dụng nguồn nước ngầm cho hoạt động khai thác khoáng sản tại đây.

41/63 tỉnh, thành phố trong cả nước có dự án sân golf

Trả lời những câu hỏi của đại biểu Nguyễn Minh Hà (Hà Nội), Nguyễn Minh Thuyết ( Lạng Sơn) liên quan đến các dự án xây dựng sân golf, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên và Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết, hiện nay 41/63 tỉnh, thành phố có dự án sân golf, trong đó địa phương có nhiều dự án nhất là Bình Thuận và Hà Nội với 19 dự án. Trong tổng số 166 dự án sân golf đang hoạt động, đã triển khai và đang nằm ở diện ý tưởng đã có 145 dự án đã được cấp đất, 84 dự án nhận được giấy chứng nhận đầu tư. Tổng diện tích các dự án sân golf khoảng 52.000ha (hơn 300ha/sân).

Theo Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, hiện vẫn chưa có quy hoạch tổng thế về sân golf. Bộ Tài nguyên Môi trường kiến nghị Chính phủ sớm hoàn thành quy hoạch tổng thể sân golf; yêu cầu các địa phương dừng cấp phép các dự án sân golf để chờ quy hoạch tổng thể.

Quan điểm của Bộ Tài nguyên Môi trường là tất cả các sân golf không được sử dụng quỹ đất dành cho du lịch, các công trình văn hóa thể thao, cây xanh, đất nông nghiệp, đặc biệt là đất trồng lúa. Cần kiểm tra điều chỉnh lại việc sử dụng đất của các dự án sân golf với mức tối đa 100ha/sân. Các sân golf sử dụng đất được giao để xây dựng các công trình mang tính chất bất động sản thì phải làm đúng thủ tục sử dụng đất bất động sản thì mới được phép sử dụng.

Trả lời đại biểu Nguyễn Đăng Vang (Bình Định) về việc việc hai trung tâm khoa học có thể phải di dời vì dự án sân golf tại Hà Tây, cả Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên và Bộ trưởng Võ Hồng Phúc đều khẳng định việc gìn giữ những trung tâm nghiên cứu khoa học về giống cây trồng, vật nuôi là rất cần thiết, vì việc xây dựng những trung tâm khoa học là một công việc khó khăn cần nhiều thời gian và công sức.

Theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, việc quyết định cấp đất cho dự án sân golf là thuộc thẩm quyền của Chủ tịch tỉnh, thành phố, nên Bộ Tài nguyên Môi trường hay Bộ Kế hoạch Đầu tư chỉ có thể có đưa ra những kiến nghị trong thẩm quyền cụ thể của mình.

Dứt khoát thu hồi đất mà các tổ chức nhà nước sử dụng sai mục đích

Theo đại biểu Lê Minh Tiến (Quảng Trị) hiện công tác quản lý, sử dụng đất đai đang bị buông lỏng, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế xã hội, hàng ngàn ha đất bị hoang hoá do các dự án treo... Bộ Tài nguyên Môi trường đã có giải pháp gì để xử lý vấn đề này?

Bộ trưởng cho rằng Bộ đã tiến hành nhiều cuộc hội thảo trong nước và quốc tế xung quanh đến việc quản lý đất đai. Để sửa được Luật đất đai năm 2003 phải có chuẩn bị kỹ. Sau 5 lần sửa đổi Luật đất đai nhưng lại sửa trong thời ngắn nên đã nảy sinh nhiều vấn đề. Lần này Bộ đã kiến nghị 5 vấn đề cần sửa đổi là quyền sử dụng đất; thời hạn giao đất; có chia lại ruộng đất hay không?; về chuyển nhượng và tích tục ruộng đất; về kinh tế tài chính đất đai. Đây là những vấn đề lớn nên Bộ phải có thời gian nghiên cứu kỹ để trình Bộ Chính trị.

Bộ trưởng nhấn mạnh vấn đề quản lý quỹ đất giao cho các tổ chức nhà nước là vấn đề rất lớn. Hiện cả nước có khoảng 145.000 tổ chức được Nhà nước giao đất với diện tích gần 8 triệu ha nhưng đất này lại giao không thu tiền. Những mảnh đất này đều có giá trị kinh tế cao, chủ yếu nằm ở các khu đô thị và thành phố. Khi chuyển sang cơ chế thị trường, các cơ chế chính sách quản lý vùng đất này vừa thiếu lại yếu nên xảy ra tiêu cực, lãng phí đất.

Từ năm 2003 khi có Luật đất đai thì Chính phủ đã ban hành 6 chỉ thị và nghị định liên quan đến lĩnh vực này, nhằm kiểm tra, xử lý các vi phạm. Hiện trong số 145.000 tổ chức giao đất (khoảng 7,8 triệu ha) có 157ha giao đất không thu tiền, thu tiền chỉ có 0,1 triệu ha, cho thuê đất 1,3 triệu ha. Như vậy sau khi rà soát hiện có 90% số doanh nghiệp thực hiện đúng luật đất đai, 10% sai luật mà giá trị rất lớn, còn cho thuê trái phép, mượn chiếm 2%, sử dụng không đúng mục đích 2 - 3%, để hoang hoá gần 3%.

Để giải quyết tình trạng này, Bộ trưởng cho biết Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, giao cho Bộ tập trung rà soát lại toàn bộ diện tích đất, tập trung vào 7,8 triệu ha đất giao cho các tổ chức. Bộ sẽ đề xuất nếu nơi nào sử dụng đất không có hiệu quả, để hoang hóa dứt khoát phải thu hồi đất.

Không bằng lòng với câu trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Tiến tiếp tục chất vấn về các giải pháp, lộ trình cụ thể để giải quyết tình trạng này. Bộ trưởng cho biết hiện Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo, kiểm kê, đánh giá các loại đất, từ nay đến hết năm 2009, Bộ hoàn tất việc này. Đối với những mảnh đất sai phạm Bộ sẽ kiến nghị thu hồi nhưng việc thu hồi rất khó khăn và phức tạp bởi liên quan đến chính quyền địa phương. Nhưng đây là vấn đề lâu dài phải làm từng bước. Đối với mảnh đất bỏ hoang hoá, sai mục đích thì thu hồi nhanh, nhưng phần đất cho mượn, liên doanh liên kết thì xử lý từng bước.

Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Vấn đề quản lý, sử dụng đất đai là vấn đề lớn, hệ trọng, nhiều nội dung phong phú, phức tạp, nhưng những vấn đề này Bộ trưởng đã trả lời khá gọn, cụ thể những việc đã, đang và sẽ làm. Tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý hai vấn đề xung quanh vấn đề quy hoạch và sử dụng đất đai, đề nghị Bộ trưởng tập trung kiên quyết xử lý kịp thời những vướng mắc, vi phạm.

Chủ tịch Quốc hội nói: "Chúng ta chuẩn bị kết thúc giai đoạn thực hiện 10 năm quy hoạch đất đai 2001-2010, đề nghị Bộ nên tổng kết thực hiện quy hoạch này và chuẩn bị xây dựng quy hoạch đất đai để báo cáo với Quốc hội. Đồng thời trong quá trình nghiên cứu, tổng kết để sửa Luật đất đai như Bộ và Chính phủ chuẩn bị cần nghiên cứu, sát thực tiễn, lắng nghe nhiều ý kiến, nhiều đối tượng, đi vào những vấn đề bức xúc để tìm lời giải cho chính xác, nếu không rất khó cho chính quyền các cấp và người dân thực hiện Luật đất đai".

Xung quanh vấn đề môi trường, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ phối hợp với các cơ quan liên quan, tham mưu với Chính phủ hoàn chỉnh quy hoạch thăm dò, khai thác tài nguyên khoáng sản đất nước, đảm bảo khai thác có hiệu quả, bảo đảm trước mắt và lâu dài. Bộ cần thực hiện nghiêm túc, phải thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát thực tế liên quan đến đất đai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục