Duy trì gói kích cầu để kích thích nền kinh tế

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho rằng hiện nay kinh tế đất nước đã phục hồi, nhưng vẫn cần phải duy trì gói kích cầu ở mức độ nhất định nào đó để kích thích nền kinh tế.
Chiều 20/10, bên lề Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề hiệu quả của gói kích cầu của Chính phủ, cũng như việc có nên thực hiện gói kích cầu thứ hai hay không...

Xin Bộ trưởng cho biết đánh giá về hiệu quả của gói kích cầu của Chính phủ?

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Kích cầu chính phủ có rất nhiều kênh, có kênh trực tiếp từ ngân sách và kênh từ tín dụng, trong báo cáo Chính phủ đã đánh giá cụ thể.

Ví dụ như tác động hỗ trợ lãi suất không phải kênh trực tiếp của ngân sách mà qua kênh tín dụng của nhà nước, tác động vào doanh nghiệp, nhưng cuối cùng tác động vào sản xuất kinh doanh. Vì thế Chính phủ đã nhận định, Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của suy giảm kinh tế và kinh tế đất nước đang trong giai đoạn phục hồi. Trong Báo cáo của Chính phủ nói rất rõ, GDP quý I là 3,1%, quý II, III, IV tăng trưởng rất tốt. Đó chính là tác động tổng thể của cả gói kích cầu.

Hiện nay, nền kinh tế đất nước đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất, vậy theo Bộ trưởng trong thời gian tới có cần tới gói kích cầu thứ hai hay không?

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Vấn đề này còn có rất nhiều ý kiến, tuy nhiên tôi cho rằng, hiện nay kinh tế đất nước đã phục hồi, nhưng chưa thể lấy lại được đà tăng trưởng cao như trước kia.

Năm 2009, GDP đạt 5,2%, năm 2010 dự báo GDP sẽ 6,5% và đây chưa phải là mức cao so với ban đầu đề ra là 7,5 – 8%, cho nên vẫn phải duy trì ở mức độ nhất định nào đó để kích thích nền kinh tế, nhưng không phải là duy trì như lúc suy giảm, bởi nó khác so với lúc suy giảm. Vì thế, Bộ Tài chính kiến nghị không miễn giảm thuế nữa.

Trong hỗ trợ lãi suất, việc hỗ trợ cho dự án đầu tư và bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn đầu tư vào sản xuất, đầu tư vào tài sản cố định như mua sắm máy móc thiết bị thì nên duy trì, vì điều này tác động lâu dài đến nền kinh tế. Ngoài ra, còn có tác động nữa rất quan trọng là từng bước giúp ta cơ cấu lại được nền kinh tế. Phần hỗ trợ ngắn hạn chủ yếu hỗ trợ vốn lưu động thì nên dừng.

Có ý kiến cho rằng cần đánh giá lại chỉ tiêu về lạm phát 7%. Vậy theo Bộ trưởng, chỉ tiêu này có quá thấp hay không?

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Đương nhiên là phải tính toán, theo dõi và phải điều hành cho sát, có rất nhiều giải pháp để thực hiện điều này. Tuy nhiên, tôi cho rằng nếu lạm phát cao quá thì các ý nghĩa về tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo bị ảnh hưởng rất lớn, cho nên Chính phủ luôn xác định mục tiêu quan trọng hàng đầu là ngăn ngừa lạm phát cao trở lại. Đây luôn là vấn đề thường trực trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Xin Bộ trưởng cho biết ý kiến về đề xuất giãn thuế cho doanh nghiệp trong 3 tháng đầu năm 2010?

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Cuối năm 2009, nền kinh tế  đã có những bước phục hồi, vì vậy Bộ đã đề xuất với Quốc hội dừng miễn giảm thuế nói chung. Tuy nhiên do năm 2009 có thực hiện giãn thuế 6 tháng nên sẽ có những khoản thuế giãn của năm 2009 cộng với thuế phát sinh của năm 2010. Để giúp các doanh nghiệp giảm gánh nặng thuế do dồn kỳ nộp thuế từ năm 2009, Bộ đã trình với Quốc hội cho giãn thuế 3 tháng để doanh nghiệp chủ động hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục