Duy trì gói kích cầu thứ 2 tạo đà phát triển bền vững

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải trao đổi với báo chí về kết quả nhiệm vụ kinh tế-xã hội  2009 và kế hoạch phát triển 2010.
Ngày 28/10, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2009 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2010. Bên lề Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã trao đổi với báo chí về vấn đề này.

Thưa Phó Thủ tướng, ngoài vấn đề việc làm và tăng trưởng, Chính phủ nhìn nhận như thế nào về những mặt được cũng như hạn chế của gói kích cầu?

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Thực ra 2 vấn đề có liên quan tới nhau. Khi gặp khó khăn do suy giảm kinh tế, vấn đề việc làm lúc đó là lớn nhất. Cuối năm 2008, đầu năm 2009, vấn đề việc làm đặt ra rất gay gắt.

Mục tiêu của Chính phủ lúc đó đặt ra là hỗ trợ để các doanh nghiệp có thể giảm bớt gánh nặng về chi phí, duy trì việc làm cho người lao động. Thứ hai, Chính phủ tác động vào các gói kích cầu ở khu vực nông thôn, tạo ra việc làm ở khu vực này để khi những lao động bị mất việc ở khu vực thành thị về nông thôn thì họ vẫn có việc làm. Điều này hết sức quan trọng.

Cân bằng được hai điểm đó, khi qua giai đoạn quý I, tức là điểm đáy của suy giảm kinh tế, Việt Nam đã duy trì được tăng trưởng và việc làm. Nếu không duy trì được tăng trưởng khoảng 5%, rõ ràng việc làm sẽ thiếu rất nhiều.

Xin Phó Thủ tướng cho biết quan điểm về gói kích cầu thứ 2?

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Các đại biểu Quốc hội, các nhà kinh tế cũng đang trao đổi rất nhiều về vấn đề này. Chính phủ sẽ có bàn luận trong phiên họp tới để đưa ra quyết định.

Nếu có gói kích cầu thứ 2 thì cũng tốt bởi nó có liên quan tới vấn đề lãi suất hiện nay của Việt Nam vẫn còn cao. Nếu gói kích cầu được duy trì thêm một giai đoạn nữa, cùng với quá trình giảm lãi suất sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp.

Mục tiêu của Việt Nam là thúc đẩy tăng trưởng, bứt phá để không bị lại vòng suy thoái thứ 2 như nhiều nhà kinh tế thế giới đang lo lắng (tức là suy thoái kép hình chữ W chứ không phải chữ V).

Hơn nữa, thị trường xuất khẩu đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. Cho nên, nếu duy trì được bước hỗ trợ vòng 2 cùng với từng bước thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm dần lãi suất sẽ tạo điều kiện phát triển ổn định tốt hơn.

Vậy nếu không có gói kích cầu thứ 2 thì có ảnh hưởng gì đến sự phục hồi nền kinh tế Việt Nam không, thưa Phó Thủ tướng?

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Lạm phát và vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô là yếu tố được quan tâm thường xuyên. Việc những điều đó có xảy ra hay không thì việc điều hành phải thực hiện cho tốt.

Nền kinh tế Việt Nam hiện nay đang thực hiện các biện pháp kích cầu và tăng cường đầu tư rất lớn, đấy là chưa nói tới các gói đầu tư nước ngoài đang bắt đầu quay trở lại, thị trường chứng khoán Việt Nam đang bắt đầu có khởi sắc, FDI quay trở lại... cộng thêm các gói kích cầu của Chính phủ.

Do vậy, việc điều hành kinh tế vĩ mô phải hết sức cẩn trọng vì lượng tiền Nhà nước bỏ ra là rất lớn. Nếu không cân đối được giữa tiền và hàng, tức là đầu tư đưa vào không ra được các sản phẩm thì sẽ mất cân đối, dễ dẫn đến lạm phát.

Nếu không tiếp tục hỗ trợ, Chính phủ có lo ngại tới sự phục hồi kinh tế không, thưa Phó Thủ tướng?

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Như tôi đã nói, nếu gói kích cầu của Việt Nam bỏ đi ngay thì hiện nay các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn nhiều hơn bởi mặt bằng lãi suất còn cao. Nếu doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, việc duy trì việc làm cũng gặp khó khăn.

Trong khi đó, kinh tế của Việt Nam đang bứt phá ra nhưng chưa quay lại mức tăng trưởng như cũ (ví dụ như lĩnh vực công nghiệp, du lịch hay dịch vụ), khả năng cũng sẽ ảnh hưởng tới việc làm.

Nếu Việt Nam duy trì gói kích cầu thứ 2 cùng với việc tăng trưởng kinh tế và giảm dần lãi suất sẽ tạo đà phát triển bền vững hơn ở giai đoạn sau.

Xin cảm ơn Phó Thủ tướng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục