Duy trì lập trường trung lập - Bài toán khó không chỉ với Singapore

Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen khẳng định với vai trò là một nước nhỏ, Singapore muốn duy trì quan hệ hữu nghị bền vững với cả Trung Quốc và Mỹ.
Duy trì lập trường trung lập - Bài toán khó không chỉ với Singapore ảnh 1Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen. (Nguồn: Straits Times)

Theo truyền thông Hong Kong, phát biểu tại phiên họp có chủ đề “Lợi ích và an ninh chung của các quốc gia vừa và nhỏ” trong khuôn khổ Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 9 diễn ra hôm 22/10, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen khẳng định với vai trò là một nước nhỏ, Singapore muốn duy trì quan hệ hữu nghị bền vững với cả Trung Quốc và Mỹ.

Tuy nhiên, nếu trong cuộc cạnh tranh nước lớn, Trung-Mỹ ngày càng mâu thuẫn, tất cả các nước sẽ ngày càng khó duy trì lập trường trung lập.

Ông phân tích rằng hậu quả tồi tệ nhất của cạnh tranh Trung-Mỹ là hai bên đã có những xung đột mang tính phá hoại trên lĩnh vực kinh tế hoặc quân sự. Tuy nhiên, ngay cả khi hai nước chỉ tách rời nhau về kinh tế, thế giới vẫn sẽ rơi vào hỗn loạn.

Ông nói: “Dường như tất cả các quốc gia đều hy vọng Trung-Mỹ có thể đạt được kết quả là bao dung lẫn nhau. Họ biết việc định vị thương mại và an ninh của chính họ sẽ buộc phải thay đổi để đáp ứng mối quan tâm của Trung Quốc và Mỹ. Các nước vẫn muốn cùng hưởng một thế giới toàn cầu hóa, đa phương và dựa trên cơ sở pháp luật."

Ông Ng Eng Hen chỉ ra rằng trong quá khứ, khi Trung Quốc và Mỹ nằm trong cùng một hệ thống toàn cầu hóa thống nhất, mặc dù hai nước có sự khác biệt, song đều mang lại sự ổn định và gia tăng giá trị cho toàn thế giới.

Đến nay, khi hai nước cố gắng tách rời nhau, sức hút từ hai nước này rõ ràng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến các quốc gia khác.

Bộ trưởng Ng Eng Hen kêu gọi Mỹ và Trung Quốc tìm kiếm điểm chung trong những khác biệt, và tránh gây rủi ro bất ổn cho toàn thế giới.

“Thế giới cần cả Mỹ và Trung Quốc mới có thể tiến bộ và ổn định, mới có thể cùng nhau giải quyết các thách thức an ninh chung như biến đổi khí hậu, các mối đe dọa hạt nhân và chủ nghĩa khủng bố."

Ông cho rằng con đường mà Trung-Mỹ tìm kiếm sự đồng thuận có thể sẽ gặp muôn vàn khó khăn, nhưng hậu quả của việc không tìm kiếm sự đồng thuận thậm chí còn nghiêm trọng hơn rất nhiều.

Ông chỉ rõ rằng trước khi các cố lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ (Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông và Tổng thống Mỹ Richard Nixon) gặp nhau vào năm 1972, cả hai bên đều gặp rất nhiều trở ngại.

Chẳng hạn, người dân hai nước trong thời gian dài đều cho rằng phía bên kia không thân thiện. Tuy nhiên, hai bên đã mạnh dạn thực hiện cuộc gặp, giúp "phá băng" quan hệ Trung-Mỹ.

Khi đó, ông Nixon nói với ông Mao Trạch Đông và Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai rằng “chúng ta không có lý do gì để trở thành kẻ thù. Các ông cũng như chúng tôi đều không nhòm ngó lãnh thổ của nhau, không muốn thống trị đối phương, không muốn duỗi tay ra để thống trị thế giới."

Theo ông Ng Eng Hen, những phát biểu của ông Nixon đến nay vẫn còn có đạo lý.

[Singapore trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung và bài học cho các nước nhỏ]

Ông nói: “Thế giới mong đợi sự lãnh đạo văn minh của Mỹ và Trung Quốc để tạo ra một thế giới an toàn, cởi mở và bao dung cho thế hệ ngày nay và các thế hệ tiếp theo."

Trả lời câu hỏi của giới học giả quân sự Trung Quốc tại Diễn đàn liên quan đến việc Singpore trong vai trò là một nước nhỏ, làm thế nào để có thể làm trung gian hòa giải xung đột Trung-Mỹ, ông Ng Eng Hen đã dẫn lời cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu cho biết Singapore không ảo tưởng rằng đất nước nhỏ bé của họ có thể ảnh hưởng lên các nước lớn; những gì Singapore có thể làm là nói với cả Trung Quốc và Mỹ rằng sự tách biệt giữa hai nước này sẽ mang lại những hậu quả tai hại.

Một số nhà phân tích lý giải việc Mỹ phát động cuộc chiến thương mại nhằm vào Trung Quốc và chèn ép các doanh nghiệp Trung Quốc như tập đoàn viễn thông Huawei là dấu hiệu cho thấy Mỹ đang cố gắng tách rời Trung Quốc.

Tuy nhiên, tại Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh ngày 21/10, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách vấn đề Trung Quốc Chad Sbragia đã khẳng định Mỹ không muốn tách rời khỏi Trung Quốc.

Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 22/10 tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khi phản hồi về ý kiến của ông Chad Sbragia cũng bày tỏ rằng sự tách rời giữa Trung Quốc và Mỹ là không hợp lý và không thực tế, cởi mở và hội nhập mới là hướng đi đúng đắn.

Trước đó, theo tờ Straits Times, ngày 20/10 tại Bắc Kinh, trước thềm Diễn đàn Hương Sơn, Bộ trưởng Ng Eng Hen và người đồng cấp phía Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã ký một hiệp định tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước. Hiệp định này bao gồm các chương trình đối thoại cấp cao (cấp Bộ trưởng) thường xuyên và các hoạt động phối hợp diễn tập quân sự quy mô lớn đối với 3 lực lượng: quân đội, hải quân và không quân.

Theo một thỏa thuận mới về các lực lượng thăm viếng nhau, binh sỹ hai nước sẽ sang thăm lẫn nhau và hai bên sẽ tổ chức thu xếp hậu cần hỗ trợ lẫn nhau. Các thỏa thuận mới nêu trên giúp nâng cấp Thỏa thuận về Trao đổi Quốc phòng và Hợp tác An ninh (ADESC) giữa Singapore và Trung Quốc ký kết năm 2008. Thỏa thuận này nhằm chính thức hóa các hoạt động hợp tác quốc phòng như trao đổi các chuyến thăm và tàu cập cảng hai bên.

Bên cạnh việc tổ chức đối thoại định kỳ cấp cao, hai bên cam kết tiếp tục cử các quan chức quốc phòng hàng đầu tham dự các hội nghị đa phương, như Đối thoại Shangri-La hay diễn đàn Hương Sơn tại Bắc Kinh. Đây là lần thứ tư Bộ trường Quốc phòng Ng Eng Hen tham dự Diễn đàn Hương Sơn.

Năm 2018, ông Ngụy Phượng Hòa cũng là Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đầu tiên tham dự Đối thoại Shangri-La kể từ năm 2001, trong bối cảnh cạnh tranh Trung-Mỹ gia tăng trong khu vực.

Bộ Quốc phòng Singapore cho biết: "Chuyến thăm của ông Ng Eng Hen phản ánh quan hệ quốc phòng và quan hệ song phương phát triển giữa hai nước."

Chuyên gia về các vấn đề quân sự Collin Koh cho rằng hoạt động tiếp cận ngoại giao quốc phòng của Bắc Kinh ngày càng trở nên năng động tại Đông Nam Á. Singapore cũng có lợi ích trong việc thúc đẩy quan hệ quốc phòng với Trung Quốc, sau khi tính đến sức mạnh và tầm ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc và vai trò trong việc định hình cấu trúc an ninh khu vực.

Ông nói: "Quan hệ gần gũi với Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) không nên bị hiểu nhầm là làm tổn hại đến niềm tin và hợp tác lâu dài với quân đội Mỹ. Do đó, cần có sự cân bằng khéo léo"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục