E ngại thay đổi là rào cản lớn nhất của tái cấu trúc

Doanh nghiệp Việt đang phải đối mặt với việc thiếu chiến lược, mất cân đối dòng tiền... và hệ thống không bắt kịp mô hình phát triển.
Doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ về quản trị và điều hành hoạt động của doanh nghiệp như thiếu chiến lược, mất cân đối về dòng tiền, thiếu hụt nguồn nhân lực và hệ thống không bắt kịp với mô hình phát triển của doanh nghiệp.

Nhận định trên được đưa ra bởi các diễn giả tham dự Hội thảo CEO Summit 2012 do Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam phối hợp với Báo VietnamNet tổ chức ngày 2/8, với chủ đề “Tái cấu trúc doanh nghiệp: Kinh nghiệm và thực tiễn áp dụng cho doanh nghiệp Việt Nam.”

Cần cải cách tổng thể

Kế hoạch tái cấu trúc doanh nghiệp cần phải là một cuộc cải cách tổng thể, cả về quy trình, công nghệ và con người. Nhưng hầu hầu hết các chuyên gia và doanh nghiệp cùng chỉ ra một thực tiễn, sự e ngại thay đổi sẽ trở thành rào cản lớn nhất để thành công của một kế hoạch tái cấu trúc.

Mỗi doanh nghiệp có thể đứng trước sự lựa chọn tái cấu trúc ở hai vị thế bị động và chủ động. Áp lực tái cấu trúc lớn nhất là bối cảnh kinh tế suy giảm và những biến động trong khu vực tài chính, khiến doanh nghiệp phải đối mặt với sự suy yếu về nhu cầu tiêu dùng. Do vậy, doanh nghiệp phải đưa ra những giải pháp nhằm đối phó với vấn đề làm thế nào để tồn tại và vượt qua khủng hoảng.

Thêm vào đó cũng có những doanh nghiệp rơi vào một thái cực khác, những vấn đề yếu kém cần phải giải quyết của họ lại là sự sụt giảm về khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Trong trường hợp này, các chuyên gia cho rằng lãnh đạo doanh nghiệp cần phải tiên liệu được những bối cảnh kinh tế trong tương lai, cũng có thể là một cuộc khủng hoảng sẽ xảy ra và cần phải tái cấu trúc để đón đầu những khó khăn như vậy.

Để có được sự thành công, theo giáo sư Douglas Coulter, Giám đốc quỹ Open Minds Foundation, việc hoạch định chiến lược hoạt động không đơn thuần là điểm khởi đầu mà còn là điểm chính yếu của quá trình tái cấu trúc. Cụ thể, khi phải lựa chọn chiến lược kinh doanh đa ngành hay tập trung vào ngành nghề cốt lõi là hoàn toàn không dễ dàng đối doanh nghiệp. Nhưng trước hết, doanh nghiệp cần phải xác định chính xác năng lực cốt lõi của mình, vốn là nguồn lực vô hình và không dễ định lượng.

Lợi thế của việc mở rộng kinh doanh ra ngoài ngành là san sẻ rủi ro hoạt động thì kết quả phát triển kinh doanh trong cùng ngành đem lại sự cải thiện doanh thu rõ nét, nhờ kinh doanh đa dạng các sản phẩm có liên quan với nhau hay tiết kiệm chi phí sản xuất hàng hóa tương đồng.

Tuy vậy, quy mô và lĩnh vực kinh doanh được mở rộng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới vấn đề quản trị doanh nghiệp, nếu quả trị không tốt doanh nghiệp có thể rơi vào khủng hoảng.

Giáo sư Douglas đưa ra những dẫn chứng cụ thể từ bài học của các Công ty SKF (Thụy Điển), Công ty US Office Product (Mỹ) và Asimco (Trung Quốc)… sau quá trình triển khai đầu tư đa ngành, các công ty này đã lâm vào tình cảnh khó khăn và cuối cùng công cuộc tái cấu trúc đã kéo họ trở về tập trung phát triển năng lực cốt lõi.

Cẩn trọng khi cắt giảm nhân sự

Thêm vào đó, bất cứ công ty nào khi gặp khó khăn và doanh thu giảm sút thì việc đầu tiên họ nghĩ tới là cắt giảm chi phí không cần thiết, mà theo quan điểm chủ quan của nhiều lãnh đạo, phần lớn là chi phí lao động.

Vấn đề đặt ra, liệu cắt giảm nhân sự có thực sự là phương án hữu hiện giúp giảm chi phí hay ngược lại khiến công ty luống cuống hơn trong việc tổ chức hoạt động. Nhất là khi doanh nghiệp đang phải “thay máu” toàn diện và rất cần có sự quản lý của những nhân tài cũng như sự đồng lòng hợp sức của toàn thể lao động trong công ty.

Giáo sư Douglas chỉ ra rằng, hầu hết những quyết định sa thải lao động vội vàng đều không làm giảm chi phí mà ngược lại làm cho chi phí tăng lên do giữ lại những lao động lương thấp và làm việc không hiệu quả.

Ông Lê Kinh Luân, Chuyên gia tư vấn cao cấp, Towers Watson Vietnam nhấn mạnh, thay đổi về tổ chức nhân sự của doanh nghiệp khi thực hiện tái cấu trúc, có thể mang lại phong cách lãnh đạo mới đồng thời hỗ trợ sự thay đổi trong hoạt động kinh doanh và định hướng chiến lược của doanh nghiệp.

Song, để có sự thay đổi đó, doanh nghiệp cần phải có những bước thay đổi văn hóa doanh nghiệp, cấu trúc và con người…

“Trong một nghiên cứu tại Mỹ, những doanh nghiệp nhấn mạnh tới văn hóa hiệu suất cao, hiệu quả hoạt động tăng tới 901% giá trị cổ phiếu và 756% thu nhập ròng so với 74% và 1% tại các doanh nghiệp còn lại,” ông Luân dẫn chứng.

Ở đây, các diễn giả cùng gặp nhau ở quan điểm rằng việc khuyến khích tinh thần của người lao động, thấu hiểu và thông cảm những như cầu mong muốn của họ chính là chìa khóa mở ra tiềm năng của người lao động.


Môi trường khó khăn tạo động lực cải cách


Dự báo về những triển vọng kinh tế trong nước và những thách thức doanh nghiệp nội địa sẽ phải đối mặt trong thời gian tới. Các chuyên gia ghi nhận, nền kinh tế Việt Nam đã có một số thành công như kinh tế tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây và nằm trong khu vực tăng trưởng năng động nhất thế giới. Động lực tăng trưởng đến từ khu vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ, cùng với đó là sự chuyển dịch sang nhưng phân đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn và tham gia vào mạng sản xuất khu vực.

Tuy nhiên, về môi trường kinh doanh Việt Nam vẫn đang bị đánh giá thấp hơn Trung Quốc và Thái Lan. Thâm hụt ngân sách lớn, năng lực quản trị của bộ máy nhà nước hạn chế, nguy cơ tham nhũng, cơ sở hạ tầng, lao động thiếu kỹ năng, công nghệ và các vấn đề môi trường đang là rào cản lớn đối với sự phát triển kinh tế và là những rủi ro mà các doanh nghiệp trong nước đang phải đối mặt.

Nhận định về môi trường kinh doanh, ông Raymond Mallon, Chuyên viên kinh tế cao cấp Chương trình tư vấn hậu gia nhập WTO tại Việt Nam, một trong những kịch bản có thể xảy ra, khả năng lớn nhất là nền kinh tế thế giới sẽ dần hồi phục và môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ có những cải thiện đáng kể nhờ những giải pháp điều hành tích cực từ phía chính phủ.

“Theo đó, kinh tế vĩ mô sẽ dần ổn định, như lạm phát thấp, tỷ lệ lãi suất giảm, đồng tiền ổn định. Phục hồi tăng trưởng có thể ở mức 6%-8% do sản xuất tăng và cầu nội địa tăng. Tuy nhiên cần chú ý, mặc dù đô thị hóa vẫn tăng nhưng ngành xây dựng và bất động sản khó thoát ra khỏi trạng thái ngủ đông đồng thời ngành tài chính tiếp tục tái cấu trúc. Thêm vào đó là nút thắt về cơ sở hạ tầng và kỹ năng vẫn là một thách thức. Ngoài ra Việt Nam cũng cần tập trung vào cơ sở hạ tầng và đổi mới giáo dục,” ông Raymond Mallon dự báo.

Ngoài ra, ông Phạm Hồng Hải, Phó tổng giám đốc, Nghiệp vụ Ngân hàng toàn cầu kinh doanh vốn và ngoại tệ, Ngân hàng HSBC lại cho rằng, môi trường khó khăn sẽ tạo động lực cải cách và kỳ vọng kết quả tích cực từ công cuộc tái cấu trúc thị trường tài chính. Tượng tự như cuộc cải cách kinh tế năm 1986 tập trung vào ngành nông nghiệp đã giúp Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo thứ hai trên thế giới và cuộc cải cách năm 1999 hướng vào khu vực tư nhân và sản xuất công nghiệp đã giúp cho hai khu vực này phát triển vượt bậc, trở thành động lực tăng trưởng GDP./.

Linh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục